ExxonMobil thâu tóm 'ông lớn' dầu khí đá phiến Pioneer

ExxonMobil, tập đoàn dầu khí lớn nhất Mỹ, đạt được thỏa thuận thâu tóm nhà sản xuất dầu khí đá phiến Pioneer Natural Resources với giá gần 60 tỉ đô la Mỹ. Động thái này cho thấy ExxonMobil dồn sức sản xuất nhiên liệu hóa thạch ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu ngày càng lo lắng về biến đổi khí hậu.

Sản lượng dầu của của ExxonMobil ở lưu vực Permian (Mỹ) sẽ tăng hơn gấp đôi, lên 1,3 triệu thùng/ngày sau khi thương vụ thâu tóm Pioneer hoàn tất. Ảnh: Instagram

Sản lượng dầu của của ExxonMobil ở lưu vực Permian (Mỹ) sẽ tăng hơn gấp đôi, lên 1,3 triệu thùng/ngày sau khi thương vụ thâu tóm Pioneer hoàn tất. Ảnh: Instagram

Hôm 11-10, ExxonMobil xác nhận đã đồng ý mua lại đối thủ dầu khí đá phiến Pioneer, với giá 59,5 tỉ đô la trong một giao dịch hoán đổi cổ phiếu, định giá 253 đô la cho mỗi cổ phiếu của Pioneer.

Theo đó, các cổ đông của Pioneer sẽ nhận được 2,3234 cổ phiếu Exxon cho mỗi cổ phiếu Pioneer mà họ sở hữu. Trong thông cáo báo chí chung, hai công ty cho biết, đây là thương vụ lớn nhất của Exxon kể từ khi mua lại Mobil Oil vào năm 1999. Thương vụ dự kiến hoàn tất vào nửa đầu năm 2024.

“Khả năng kết hợp của hai công ty chúng tôi sẽ mang lại giá trị lâu dài, vượt xa những gì mà một trong hai công ty có thể làm trên cơ sở hoạt động độc lập”, Darren Woods, CEO ExxonMobil, đánh giá.

Sản lượng dầu của Mỹ hiện đạt mức cao kỷ lục khoảng 13 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 13% thị trường toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong những năm gần đây. Bất chấp làn sóng hợp nhất giữa các công ty dầu khí và giá dầu tăng cao sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra năm ngoái, các nhà sản xuất gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm địa điểm mới để khoan.

Thỏa thuận thâu tóm Pioneer là dấu hiệu cho thấy việc mua lại một nhà sản xuất dầu khí giờ đây dễ dàng hơn là khoan dầu ở một địa điểm mới.

ExxonMobil, cũng là nhà lọc hóa dầu hàng đầu của Mỹ, cần nhiều dầu và khí đốt hơn để chế biến biến thành xăng, dầu diesel, nhựa, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), hóa chất và các sản phẩm khác. Phần lớn lượng dầu và khí đốt đó có thể đến từ lưu vực dầu đá phiến Permian, nằm giữa bang Texas và bang New Mexico, nơi Pioneer chiếm công suất khai thác lớn. ExxonMobil cho biết khối lượng sản xuất của công ty ở lưu vực Permian sẽ tăng hơn gấp đôi, lên 1,3 triệu thùng/ngày sau khi thương vụ thâu tóm Pioneer hoàn tất.

Dự án Golden Pass LNG trị giá 10 tỉ đô la của ExxonMobil gần biên giới Texas-Louisiana dự kiến bắt đầu xuất khẩu LNG vào năm tới. Khí đốt được khai thác cùng dầu thô từ Permian, khiến lưu vực này trở nên có giá trị hơn cho hoạt động xuất khẩu khi châu Âu ngừng sử dụng khí đốt của Nga.

Với việc thâu tóm Pioneer vào thời điểm khi giá dầu tiêu chuẩn WTI của Mỹ ở mức khoảng 83 đô la/thùng, ExxonMobil kỳ vọng giá dầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao trong vài năm tới.

Sau nhiều thập niên đầu tư vào các dự án trên khắp thế giới, thỏa thuận này sẽ đặt tương lai của ExxonMobil gần với trụ sở của tập đoàn ở Houston, bang Texas, với phần lớn sản lượng dầu sẽ đến từ lưu vực Permian, ngoài khơi Vịnh Mexico và dọc theo bờ biển của Guyana, một quốc gia Nam Mỹ.

Bằng cách tập trung sản xuất gần quê nhà, ExxonMobil đang đặt cược rằng chính sách năng lượng của Mỹ sẽ không tác động quá lớn đến nhiên liệu hóa thạch, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Joe Biden khuyến khích các hãng xe chuyển sản xuất xe điện và các công ty điện lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Trong những năm gần đây, ExxonMobil đã thận trọng đầu tư mở rộng sản xuất, đồng thời tăng chia cổ tức và mua lại nhiều cổ phiếu quỹ hơn. Động thái thâu tóm Pioneer sẽ bổ sung thêm sản lượng dầu khí cho ExxonMobil, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chiến lược của tập đoàn. Sau khi thương vụ hoàn tất, ExxonMobil sẽ trở thành công ty thống trị ở lưu vực Permian, vượt xa Chevron, đối thủ lớn nhất của tập đoàn.

Cổ phiếu Pioneer đã trở thành “con cưng” của các nhà đầu tư Phố Wall vì công ty này đã tận dụng được cơn bùng nổ khoan dầu đá phiến. Scott Sheffield, CEO của Pioneer công ty, đã bán các tài sản dầu khí ở Alaska, châu Phi và các mỏ ngoài khơi, đồng thời mua lại các hoạt động khai thác dầu đá phiến ở Permian với giá rẻ. Đến năm 2020, công ty đã trở thành một trong những nhà khoan dầu lớn nhất của Mỹ với chi phí sản xuất tương đối thấp.

Sau khi kiếm mức lợi nhuận kỷ lục 56 tỉ đô la hồi năm ngoái, ExxonMobil đang có rất nhiều tiền mặt để có thể đầu tư vào các khu vực chưa được khai thác của Pioneer. Vì ExxonMobil cũng là một nhà sản xuất lớn ở Permian nên các nhà phân tích cho rằng, thương vụ sáp nhập Pioneer sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong hoạt động của cả hai công ty.

Đây là thương vụ mới nhất trong hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập trong ngành dầu mỏ những năm gần đây. Bốn năm trước, Occidental Petroleum mua lại Anadarko Petroleum với giá gần 40 tỉ đô la. Thỏa thuận này đưa Occidental trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với ExxonMobil và Chevron ở lưu vực Permian. Pioneer cũng đã chi hơn 10 tỉ đô la để mua hai nhà sản xuất dầu đá phiến khác ở Permian là Parsley Energy và DoublePoint Energy vào năm 2021.

Ban lãnh đạo của ExxonMobil cho biết, ngoài nỗ lực đẩy mạnh sản xuất nhiều nhiên liệu hóa thạch, tập đoàn đang phát triển mảng kinh doanh mới nhằm thu giữ khí carbon từ các khu công nghiệp và chôn khí này xuống lòng đất. Hồi tháng 7, ExxonMobil thông báo mua lại Denbury, một công ty năng lượng ở Texas sở hữu các đường ống có thể vận chuyển khí carbon, với giá 4,9 tỉ đô la.

Theo NY Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/exxonmobil-thau-tom-ong-lon-dau-khi-da-phien-pioneer/