Gắn kết để yêu thương

Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, đồng thời, cũng là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Nơi cuộc sống bắt đầu, con người được sinh ra và tình yêu trong gia đình cũng không bao giờ kết thúc. Gia đình luôn là điếm tựa tinh thần vững chắc nhất cho mỗi con người. Mỗi thành viên trong gia đình cùng vun vén hạnh phúc, lan tỏa tình yêu thương để tạo thành chiếc nôi ấm, ngôi trường hạnh phúc đầu đời giáo dục con nên người...

Niềm vui của ông Đỗ Hàn là vui vầy bên cháu, chắt. Ảnh Tùng Vy

Nơi gắn bó đầu tiên của con người chính là chiếc nôi gia đình. Người gần gũi, cận kề hàng ngày với chúng ta chính là cha mẹ. “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”, câu ca dao này cho thấy ông bà ta quan niệm rằng, cho con bao nhiêu của cải vật chất cũng không bằng ăn ở hiền lành để tạo phúc cho con. Đơn giản, thiết thực nhất, cha mẹ hiền lành, sống có đạo đức trước hết chính là tấm gương sáng để giáo dục con.

Có nhiều thế hệ cùng chung sống gia đình cụ Lê Giang-Vũ Thị Hồng Hùy ở thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông luôn hòa thuận, ngập tràn niềm vui, hạnh phúc. Cụ ông năm nay 98 tuổi còn cụ bà 96 tuổi, niềm vui lớn nhất của hai cụ mỗi ngày là được sum vầy cùng với cháu, chắt. Giữ nếp gia phong, hai cụ luôn giáo dục con cháu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “kính trên nhường dưới”, vợ chồng phải luôn biết thương yêu, đùm bọc, bảo ban con cái, để xây dựng gia đình ấm êm, hạnh phúc. Với hai cụ tình yêu thương trong mái ấm gia đình, vai trò rường cột của người chồng - người cha; đức chịu thương chịu khó, tấm lòng bao la của người vợ - người mẹ đã giúp gia đình trở thành chiếc nôi ấm, trường học khuôn mẫu đầu đời cho những người con. Con cái phương trưởng, có việc làm ổn định, các cháu, chắt ngoan ngoan, mạnh khỏe chính là nguồn vui an hưởng tuổi già của hai cụ.

Gia đình ông bà Nguyễn Văn Huân - Nguyễn Thị Đoan khu 1, xã Hoàng Cương, Thanh Ba vẫn giữ truyền thống mừng thọ vào dịp đầu năm mới.

Việc dạy dỗ, ứng xử, giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, giữa các thành viên gia đình thuộc các thế hệ rất quan trọng, bởi thông qua đó, các thế hệ đi trước truyền thụ cho con trẻ những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, tạo nên giá trị xã hội và nhân cách văn hóa của mỗi con người. Nhân cách, đạo đức, lối sống của các thành viên trong gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến con trẻ. Nền tảng của một gia đình hạnh phúc biểu hiện ở mối quan hệ ứng xử tốt đẹp, hiểu biết, sẻ chia, thông cảm và thương yêu nhau giữa vợ và chồng; sự thương yêu, chăm sóc, hy sinh của cha mẹ vì con và sự kính trọng, biết ơn, hiếu thảo của con đối với cha mẹ, ông bà…

Sinh được năm người con, giờ gia đình của hai ông bà Đỗ Hàn-Đỗ Thị Lan, xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba đã có thêm 10 người cháu và 10 chắt. Dù đông con cháu, nhưng cả hai ông bà không ở cùng ai mà vẫn ở nếp nhà cũ, hàng ngày chăm sóc nhau. Không ở cùng hai ông bà, nhưng cuối tuần, dịp lễ Tết các con, cháu, chắt vẫn sum họp đông đủ. Ông Hàn chia sẻ: “Bây giờ trưởng thành, mỗi đứa một công việc, đứa ở gần, đứa ở xa, tôi vẫn luôn dạy các con phải giữ sợi dây liên kết trong gia đình, dù xa nhau vẫn phải đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau lúc hoạn nạn. Có những lúc khó khăn, khúc mắc phát sinh trong cuộc sống, vợ chồng tôi cũng phải giữ sự hòa thuận, là nơi để các con tìm về”. Tình cảm yêu thương của cha mẹ, của ông bà chính là sợi dây gắn kết mà ông Hàn và bà Lan gìn giữ bao nhiêu năm nay cho gia đình mỗi năm lại tăng về số lượng cũng như tình cảm thương yêu, đoàn kết. Khoảng cách về thế hệ, về địa lý nhưng sự gắn kết, tình cảm giữa anh em giữa các cháu, các chắt luôn được ông bà nhắc nhở trong những lần họp mặt gia đình. Đó là giá trị bất biến giữa cuộc sống, là nguồn cội để dù đi xa mỗi người cũng nhớ về.

Gia đình anh Nguyễn Nam luôn thu xếp thời gian để chăm sóc, giúp con có những trải nghiệm, khám phá thú vị để trưởng thành.

Gia đình là ngôi trường đầu tiên giáo dục nhân cách cho con người. Cha mẹ giáo dục con cái bằng tình yêu thương. “Dạy con từ thuở còn thơ”, cha mẹ gần gũi, quan tâm từng cử chỉ, hành vi nhỏ nhất của con để kịp thời uốn nắn. Sống nhân hậu, nghĩa tình, biết kính trên nhường dưới, vợ chồng thuận hòa, thống nhất trong cách dạy dỗ con cái sẽ tạo ra những học trò - đứa con ngoan hiền. Cuộc sống hiện đại đã lấy của phụ huynh quá nhiều thời gian, sức lực và tâm trí khiến nhiều người không có thời gian hoặc có rất ít thời gian dành cho con cái mình. Đây là một sai lầm phổ biến tác động trực tiếp đến thế hệ trẻ. Điều này dẫn đến một hệ lụy là rất nhiều trẻ hiện nay cảm thấy cô đơn ngay trong chính gia đình của mình.

Công việc kinh doanh bận rộn, nhưng từ khi có con, vợ chồng anh Nguyễn Nam ở phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì đã chủ động thu xếp công việc, có kế hoạch để cùng chăm sóc, có thời gian dành con. Anh Nam chia sẻ: “Tuổi thơ của con chỉ trải qua trong vài năm, còn công việc thì mình làm cả cuộc đời nên hai vợ chồng tôi thống nhất với nhau trong cách nuôi dạy con. Ngoài thời gian các con ở trường, hai vợ chồng đều dành thời gian ở nhà cho con. Thỉnh thoảng thu xếp đưa con đi cắm trại, khám phá thiên nhiên. Mỗi chuyến đi, mỗi điểm đến tôi đều nhận thấy sự trưởng thành của con mình. Đó là những dấu mốc quan trọng cho việc hình thành tính cách của trẻ. Tôi luôn muốn con được sống trong tình cảm yêu thương của bố mẹ, gia đình”.

Cuộc sống với guồng quay công việc, những mối quan hệ ngoài xã hội, việc không hiểu biết, không quan tâm tới tâm sinh lý con cái tạo nên khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Cách biệt thể hệ ngày càng lớn thì phụ huynh càng mất tự tin trong việc dạy dỗ con cái. Để gia đình là trường học đầu tiên hình thành nhân cách của trẻ thì mỗi người mẹ, người cha trước hết là người bạn tốt nhất của con mình. Những buổi sum họp gia đình, những câu chuyện sau một ngày làm việc, học tập sẽ là sợi dây gắn kết để mỗi thành viên trong gia đình hiểu thêm về nhau, để mỗi gia đình thật sự là “tổ ấm”, là nơi để trở về.

Hà An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/gan-ket-de-yeu-thuong/185358.htm