Gần một thập niên chờ hồ chứa nước Cà Ròn

Dự án Hồ chứa nước Cà Ròn (ở xã Gia Canh, huyện Định Quán) được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2015 và được điều chỉnh dự án vào năm 2020. Thời gian thực hiện dự án trong 4 năm và dự kiến hoàn thành thi công theo hợp đồng là ngày 2-3-2024. Tuy nhiên, dự án đến nay mới thực hiện được một phần.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn (bìa trái) làm trưởng đoàn khảo sát tại Dự án Hồ chứa nước Cà Ròn, huyện Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn (bìa trái) làm trưởng đoàn khảo sát tại Dự án Hồ chứa nước Cà Ròn, huyện Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Hiện công trình đang tạm dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng và vướng về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng hơn 49,6 hécta. Chủ đầu tư là UBND huyện Định Quán đang lập thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

* Dự án cấp thiết

Dự án Hồ chứa nước Cà Ròn gồm các hạng mục: hồ chứa, cống lấy nước, tràn xả lũ; hệ thống kênh tưới với tổng chiều dài các tuyến kênh hơn 14km, tuyến kênh tiêu có chiều dài gần 1,7km. Diện tích sử dụng đất gần 174 hécta. Trong đó, hồ chứa nước với dung tích ở mực nước dâng bình thường gần 3,3 triệu m3. Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho khoảng 630 hécta đất nông nghiệp của xã Gia Canh. Tổng mức đầu tư dự án hơn 454,6 tỷ đồng.

Dự án Hồ chứa nước Cà Ròn hiện đã bố trí tái định cư cho 27 hộ dân tại khu tái định cư Lò Gạch (khu phố Hiệp Lực, thị trấn Định Quán). Khu tái định cư ấp 3, xã Gia Canh đang thực hiện thi công phần nền đường và mặt bằng, dự kiến tháng 6-2024 hoàn thành bố trí tái định cư cho các hộ dân còn lại.

Theo Chủ tịch UBND xã Gia Canh Đào Ngọc Ánh, mùa khô năm nay, thời tiết khô hạn gay gắt ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhiều khu vực đồng lúa, trồng cây ăn trái bị hụt nước tưới nên nông dân phải khoan sâu hơn các giếng khoan hiện có để mong đủ nước tưới cứu cây trồng. Ngay cả hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung cung cấp nước cho hơn 40 hộ người dân tộc thiểu số tại ấp 9 lấy từ nguồn nước ngầm cũng bị hụt nước nên bà con bị thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, trên địa bàn xã dù có các cánh đồng lúa và trồng cây hàng năm với diện tích hơn 700 hécta nhưng đến nay chưa hề có một công trình thủy lợi nào, sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước trời và nguồn nước ngầm. Do vậy, việc có công trình thủy lợi tại địa phương là nhu cầu ngày càng cấp bách. Suốt bao nhiêu năm nay, người dân địa phương rất mong chờ Dự án Hồ chứa nước Cà Ròn hoàn thành và đưa vào sử dụng để có điều kiện phát triển sản xuất.

Dự án Hồ chứa nước Cà Ròn được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2015 nhưng do nhiều nguyên nhân như: vướng đất lúa phải xin Thủ tướng phê duyệt, thay đổi về Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp nên được điều chỉnh dự án vào năm 2020.

Tháng 12-2022, UBND huyện Định Quán đã tổ chức khởi công phần tuyến đập với tiến độ thực hiện là 450 ngày; dự kiến hoàn thành thi công theo hợp đồng vào ngày 2-3-2024. Tuy nhiên, đến nay khối lượng thực hiện của tuyến đập mới đạt khoảng 17% giá trị hợp đồng. Cụ thể, đập đất đạt khoảng 15%; cống lấy nước đạt khoảng 65%; đường thi công đạt khoảng 36%; nhà quản lý đạt khoảng 32%. Riêng tràn xả lũ chưa thi công do vướng mặt bằng.

* Vẫn chờ gỡ vướng

Dự án chậm tiến độ do nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc rà soát diện tích đất rừng và trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho biết, khối lượng công trình còn lại chủ yếu tập trung vào phần đất đắp thân đập do phần diện tích đất rừng chưa làm thủ tục chuyển đổi. Theo đó, công trình đang tạm dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng và lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng hơn 49,6 hécta. Hiện nay, hồ sơ chuyển đổi đất rừng đã hoàn thành và trình Hội đồng thẩm định của tỉnh xem xét theo quy định. Chủ đầu tư là UBND huyện Định Quán đang khẩn trương lập thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổng diện tích thu hồi đất để thực hiện vùng lòng hồ (giai đoạn 1) của dự án hơn 152 hécta. Phần đất này của 169 hộ dân và một tổ chức với tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ hơn 272 tỷ đồng. Đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 153/169 hộ gia đình, cá nhân. Trong đó có 26 hộ sử dụng đất nằm trong phần đất do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú quản lý với diện tích gần 30 hécta. Còn lại 16 hộ dân và một tổ chức là Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú chưa nhận tiền; trong đó có 12 hộ dân sử dụng đất do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú quản lý.

Hơn 49,6 hécta đất có nguồn gốc của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú với hiện trạng sử dụng đất bao gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú lập hợp đồng giao khoán đối với 20 hộ dân hơn 24,8 hécta để sản xuất nông nghiệp; diện tích đất bị các hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm sử dụng vào mục đích ở, sản xuất nông nghiệp là 16 hộ...

Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho biết thêm, công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án này vướng mắc chính nằm ở diện tích đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú do các trường hợp là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc lấn chiếm có giá trị bồi thường hỗ trợ thấp nên không đồng ý nhận tiền và có đơn kiến nghị Nhà nước xem xét, hỗ trợ. Đối với các trường hợp này, UBND huyện sẽ tiếp tục vận động và giải quyết đơn, nếu các hộ không chấp hành sẽ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo quy định. Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng vì phần diện tích thu hồi trong dự án hơn 49,6 hécta là đất rừng phòng hộ, phần diện tích này thuộc trường hợp phải xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đối với việc chuyển mục đích từ rừng phòng hộ qua mục đích khác.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202403/gan-mot-thap-nien-cho-ho-chua-nuoc-ca-ron-d7854da/