Gia Lai: Cánh rừng biên giới Chư Prông tiếp tục bị tàn phá không thương tiếc
Từng khoảnh rừng tự nhiên thuộc địa phận làng Ring, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông (Gia Lai) liên tục bị 'phá trắng' trong một khoảng thời gian dài. Hàng trăm cây gỗ lớn nhỏ trên lâm phần tiếp tục bị triệt hạ nằm ngổn ngang tại hiện trường.
Biên giới Ia Mơ mang tên “điểm nóng” phá rừng
Với đủ cách thức và thủ đoạn, thời gian qua cánh rừng biên giới xã Ia Mơ liên tục bị tàn phá nghiêm trọng. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tìm đủ mọi biện pháp tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, thế nhưng tình trạng này dường như không có dấu hiệu thuyên giảm. Từng khoảnh rừng tự nhiên ở xã Ia Mơ tiếp tục bị triệt hạ trước sự bất lực của chủ rừng - UBND xã Ia Mơ.
Theo đó, những ngày qua, Báo Nhà báo và Công luận tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về nạn phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn xã Ia Mơ. Theo sự chỉ dẫn của người dân, ngày 14/5, PV đã có mặt tại các vị trí rừng bị phá thuộc Tiểu khu 1010,1014 lâm phần quản lý của UBND xã Ia Mơ.
Tại hiện trường, từng vạt rừng tự nhiên đã bị “xóa sổ” hoàn toàn. Bên cạnh những cành, nhánh thân cây nằm ngổn ngang trên mặt đất là mầm xanh bắt đầu nhú lên, xung quanh cả vạt rừng rộng lớn đã bị "phá trắng".
Ngoài việc phá rừng, xâm chiếm đất rừng làm nương rẫy thì một số đối tượng phá rừng còn với mục đích thu gom, vận chuyển bán cho các đầu nậu thu mua củi. Những thân gỗ có đường kính lớn đã được vận chuyển ra ngoài, tại đây chỉ còn lại cành, nhánh được chất thành từng đống lớn chờ đốt.
Bên cạnh những khoảnh rừng bị "phá trắng" đã được dọn sạch chờ được xuống giống, ở một vị trí khác hàng trăm cây gỗ lớn, nhỏ tiếp tục bị triệt hạ không thương tiếc. Toàn bộ những cây gỗ bị đốn hạ vẫn còn nằm ngổn ngang tại hiện trường.
Ngoài những vạt rừng tự nhiên bị tàn phá có một phần diện tích đã bị cày xới. Đối chiếu bản đồ lâm nghiệp thì diện tích này vẫn thuộc đất rừng rụng lá nghèo thuộc khoảnh 5, lô 17, Tiểu khu 1010.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết: “Trên địa bàn hiện có hơn 43.500 ha rừng, diện tích rừng thì lớn, lực lượng lại mỏng có nhiều đường mòn lối mở nên công tác quản lý, bảo vệ rừng cấp xã cũng như các lực lượng còn nhiều khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều diện tích rừng còn tiếp giáp với nhiều xã của tỉnh Đăk Lăk nên rất vất vả, nhiều đối tượng còn canh cả lực lượng chức năng để vào đốn hạ cây rừng, lấn chiếm đất làm nương rẫy”.
Chưa thể ngăn chặn nạn phá rừng ở biên giới
Mặc dù, tại hiện trường PV ghi nhận cây rừng bị cưa hạ còn mới, nhựa còn ứa mủ song vị Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ – ông Nguyễn Tuấn Anh lại cho rằng diện tích rừng bị phá đã được kiểm tra, phát hiện và lập biên bản từ cuối năm 2023. Khi PV xin được tiếp cận văn bản, tổng hợp rõ số lượng diện tích rừng bị phá ở khu vực này thì vị Phó Chủ tịch xã này lại không thể cung cấp.
“Trước đó ở khu vực này xã cũng phát hiện tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Tuy nhiên đối với những cây rừng mới bị cưa hạ mà PV cung cấp thì rõ ràng là phá mới, chứ không phải diện tích cũ. Đối với những diện tích này chúng tôi sẽ kiểm tra lại.
Thời gian qua, Huyện ủy và UBND huyện cũng đã tăng cường các lực lượng, thành lập tổ chốt liên ngành để phối hợp với lực lượng biên phòng, chính quyền xã, Ban quản lý và kiểm lâm địa bàn nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Các lực lượng luôn cố gắng trực ngày, trực đêm thường xuyên liên tục tại các “điểm nóng” nhưng cũng không thể triệt để được”, ông Anh cho biết thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, hiện xã đang chỉ đạo tất cả lực lượng rà soát tất cả các nương rẫy của bà con để khoanh vùng và ký cam kết không cho lấn chiếm. Ngoài ra, đơn vị cũng đang phối hợp với các lực lượng vận động một số bà con có nương rẫy cũ canh tác trên đất lâm nghiệp phải trồng rừng theo đúng chủ trương.
Hầu hết các đơn vị chủ rừng và lực lượng Kiểm lâm đều cho rằng nguyên nhân khiến rừng liên tục bị tàn phá là do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, nằm xen canh rẫy của người dân…Nhiều đơn vị cũng đã đề ra các giải pháp giữ rừng, tuy nhiên sau một thời gian ngắn đâu lại vào đó, rừng tiếp tục bị tàn phá.
Nhằm chấm dứt tình trạng trên, trước đó UBND huyện Chư Prông cũng đã thành lập 3 tổ công tác với tổng số gần 30 người gồm đủ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trên toàn địa bàn huyện, trong đó địa bàn trọng điểm, nóng nhất là xã Ia Mơ.
Tuy nhiên, dường như nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy trên địa bàn xã này vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Từng cánh rừng tự nhiên trên địa bàn tiếp tục bị “xóa sổ”.