Gia Lai: Cuộc sống khởi sắc nơi ngôi làng bệnh phong

Không còn cảnh mặc cảm, rụt rè, người dân làng bệnh phong đã hòa nhập với xã hội, khát vọng vươn lên, xây dựng cuộc sống khởi sắc.

Không còn mặc cảm, tự ti

Chiều tà, mặt trời dần khuất sau những dãy núi cũng là lúc những cư dân của làng bệnh phong hối hả trở về nhà sau một ngày nương rẫy vất vả.

Sở dĩ người dân gọi là làng, bởi những năm về trước 17 hộ dân làng Grôn, xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có người bị mắc căn bệnh phong quái ác, bị dân làng xa lánh. Họ mặc cảm sống khép mình chỉ biết làm bạn với núi rừng.

Thế nhưng, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự khai sáng của chính quyền địa phương, những cư dân làng bệnh phong cởi bỏ được sự tự ti, hòa mình theo sự phát triển của xã hội, cuộc sống ngày càng khởi sắc hơn.

Làng bệnh phong nay đã đổi thay, trên đường làng tiếng trẻ con nô đùa xua tan sự hắt hiu, cô quạnh của những ngày u ám trước kia. Hiện tại, trong làng chỉ còn hơn 10 bệnh nhân còn di chứng của căn bệnh quái ác ấy. Những thế hệ thứ hai, thứ ba đã không bị bệnh, không còn bị cộng đồng xa lánh.

Ông Rơ Châm Tép, thôn trưởng làng Grôn chia sẻ, 17 hộ hộ gia đình có người mắc bệnh phong sống ở đây đã hơn 20 năm rồi. Đây là một bộ phận thuộc làng Grôn, trước đây họ bị bệnh phong nên sống cùng nhau để tiện chăm sóc, chia sẻ. Nhưng giờ đây, con cái của họ lớn lên lấy vợ, lấy chồng nên nhóm dân cư này có 26 hộ, với hơn 100 khẩu, cuộc sống cũng khởi sắc hơn.

Được sự động viên của chính quyền địa phương, những cư dân làng bệnh phong không còn mặc cảm, hòa nhập xã hội lao động phát triển kinh tế.

Được sự động viên của chính quyền địa phương, những cư dân làng bệnh phong không còn mặc cảm, hòa nhập xã hội lao động phát triển kinh tế.

Theo chân vị thôn trưởng, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Siu Bích, người từng bị căn bênh phong quái ác dày vò cả về thể xác lẫn tinh thần. Năm nay ông đã bước qua tuổi 75, nhưng trông ông vẫn rất khỏe, đôi chân di chứng của căn bệnh khiến đôi chân ông bị ăn mòn, đôi tay không đủ 10 ngón. Không khuất phục trước số phận hàng ngày ông vẫn cầm dao để để làm nên những chiếc đàn T’Rưng mang đi bán kiếm thêm thu nhập:

Ông Bích chia sẻ: "Mình vừa ở rẫy điều về, đôi chân giả đi lại khó khăn nhưng cũng phải lên rẫy, lên nương. Ra vườn trồng rau, nuôi thêm mấy con gà con vịt để có thêm thu nhập. Người dân ở đây không còn mặc cảm với bệnh tật nữa mà đã hòa đồng cùng mọi người, thanh niên đi cạo mủ cao su cho các công ty, người già chăn bò, coi rẫy, cuộc sống đã khá lên rồi".

Di chứng của căn bệnh quái ác đã lấy đi của ông Bích đôi chân, đôi bàn tay khiếm khuyết nhưng hàng ngày ông vẫn lên rẫy bằng đôi chân giả, đôi bàn tay không ngừng nghỉ làm ra những sản phẩm từ tre nứa bán kiếm thêm thu nhập.

Di chứng của căn bệnh quái ác đã lấy đi của ông Bích đôi chân, đôi bàn tay khiếm khuyết nhưng hàng ngày ông vẫn lên rẫy bằng đôi chân giả, đôi bàn tay không ngừng nghỉ làm ra những sản phẩm từ tre nứa bán kiếm thêm thu nhập.

Được sự động viên của chính quyền địa phương, 17 hộ dân trong làng thì có 10 hộ gia đình đã nhận khoán cạo mủ cao su, nhờ đó mà cuộc sống đã dần ổn định.

Chúng tôi ghé nhà anh Siu Dil (SN 1990), khi anh đang chuẩn bị đèn pin và dao để sáng sớm đi cạo mủ.

Nán lại ít phút trò chuyện với chúng tôi anh Dil trải lòng: “Trước đây, vì mặc cảm, trong làng không ai đi cạo mủ, thanh niên cứ quanh quẩn trong làng, ai thuê gì làm nấy, nhưng cũng làm gần, không đi xa vì ngại. Nhưng 5 năm nay, các hộ gia đình đã nhận khoán vườn cây của Đội 10, (chi nhánh Công ty 75) để cạo mủ. Nhà mình nhận 3 vườn, không chỉ mình cạo mà vợ cũng ra giúp sức. Mỗi tháng mình cũng có thu nhập gần 7 triệu đồng”.

Theo ông Rơ Châm Tép, thôn trưởng, để bước ra khỏi mặc cảm bệnh tật, không tự ti đã là một sự nỗ lực, điều đáng trân trọng hơn là họ đã biết vươn lên, thoát ra khỏi quá khứ để tìm cho mình công việc.

“Một số gia đình sống ở đây mỗi năm thu nhập 200-300 trăm triệu đồng nhờ trồng điều, cà phê, cao su tiểu điền và chăn nuôi. Mặc dù có thân nhân là bệnh phong, nhưng bản thân họ không mắc bệnh, đã nỗ lực vươn lên để thoát nghèo” ông Tép chia sẻ.

Khát vọng vươn lên

Do quan điểm lạc hậu, khi nhắc đến bệnh nhân phong, một số người thường xa lánh, kì thị, thế nhưng có những người đã vượt qua nó và chứng minh rằng bệnh phong đã có thuốc chữa và không lây lan. Chính họ đã viết nên những câu chuyện tình đẹp.

Cuộc sống của anh Kpuih Phan là bệnh nhân phong, với hai bàn tay bị dị tật. Nếu như không có câu chuyện tình đẹp, có lẽ bây giờ anh vẫn là người cô độc.

“Mình sinh năm 1974, lúc đầu bị bệnh cũng buồn lắm, nhưng được mọi người động viên nên mình cũng đi học và cố gắng tập viết bằng những ngón tay còn lại. Cứ tưởng rằng cuộc sống cô độc cả đời, nhưng trong một lần lên thăm người quen ở làng Mook Trê, xã Ia Dom, mình đã thầm thương một người con gái Jrai trên ấy, tự ti về bệnh tật nên không dám nói ra, nhưng cô ấy (Rơ Lan H’ Bá) hiểu được và luôn gần gũi, trò chuyện và động viên”.

Rơ Lan H’ Bá ngại ngùng: “Lúc đầu thương anh ấy, mình không dám nói ra, nhưng dần dần nhớ không chịu được nên đến thăm. Khi gia đình biết tin đã phản đối vì anh bị bệnh phong, sợ ảnh hưởng đến mình và con cái. Theo phong tục của người Jrai, người phụ nữ là trụ cột của gia đình, người chồng phải về nhà vợ ở, nhưng anh bị bệnh, mình không muốn anh về nhà mình sống rồi bị mọi người kì thị nên mình quyết định đến làng phong sống cùng anh”.

Cuộc sống của đôi vợ chồng không được sự đồng ý của người thân tưởng rằng sẽ khó khăn cách trở, nhưng thành quả mà họ mang lại là 3 đứa con, đứa lớn học cấp 2, hai đứa nhỏ học cấp 1. Giờ đây gia đình anh đã có 2ha điều, 2 con bò và mấy chục con gà. Cuộc sống không còn khổ cực như ngày xưa.

Những thanh niên trong làng từng mặc cảm vì bệnh tật thì nay đã hòa nhập với xã hội lập gia đình, phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng khởi sắc.

Những thanh niên trong làng từng mặc cảm vì bệnh tật thì nay đã hòa nhập với xã hội lập gia đình, phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng khởi sắc.

Trước đây, những người sống trong làng phong thường có quy ước ngầm là các cặp vợ chồng bị bệnh không được sinh con vì sợ để lại di chứng. Đó cũng là nỗi đau của những người khát khao làm bố, làm mẹ.

Và nhiều người đã vượt qua cái quy ước ngầm ấy để “đẻ chui”. Nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, được quan tâm, giúp đỡ thuốc điều trị, nên các thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra không mang bệnh.

“Mình giấu mọi người mang thai sinh và sinh đứa con, khổ sở nhất là 9 tháng 10 ngày phải giấu mọi người, rồi khi sinh ra kiểm tra từng bộ phận cơ thể xem có có bị dị tật không. May là con không sao, chúng lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác. Sau đó, mọi người trong làng cũng bỏ qua cái quy ước ngầm ấy, nhờ đó, giờ đây trong làng mới đông con, nhiều cháu, mới vui thế này", ông Siu Bích chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng cho biết: Những hộ gia đình trước đây bị bệnh phong sống tại làng Grôn đã có cuộc sống tốt đẹp hơn. Con em trong làng đều được đến trường, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể luôn quan tâm. Cùng với đó, người dân đã nỗ lực vượt lên những mặc cảm về bệnh tật để hòa nhập với cộng đồng.

Hoàng hôn buông xuống, khói bếp trong những căn nhà đã bốc lên, ánh điện sáng soi rõ từng ngôi nhà của những người trước đây mắc bệnh phong nép mình dưới những gốc điều cổ thụ.

Tiếng trẻ con í ới gọi nhau về ăn cơm, tiếng người lùa gia súc vào chuồng và cả tiếng thanh niên gọi hẹn nhau đêm nay đi cạo mủ cao su, đã làm cho ngôi làng trước đây cô quạnh giờ thêm ấm ấp.

Chia tay ngôi làng nhỏ này, lòng chúng tôi ấm lên và thầm ước mong nhiều làng có bệnh nhân phong trên địa bàn tỉnh cũng sẽ trở mình vượt qua chính mình để vươn lên, không còn dựa dẫm mọi người và quanh quẩn bên nếp nhà.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ia Krieeng cho biết thêm: “Hàng năm vào các dịp lễ Tết xã kêu gọi các mạnh thường quân, các tổ chức thiện nguyện đến làng trao quà hỗ trợ cho các gia đình có người bị bệnh. Bên cạnh đó hàng năm xã khảo sát hộ gia đình nào nhà cửa xuống cấp xã sẽ huy động kinh phí hỗ trợ sửa sang nhà cửa. Các gia đình nào thuộc diện hộ nghèo sẽ được hưởng chế độ trợ cấp , hỗ trợ theo quy định của nhà nước”

Hồ Hải Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-lai-cuoc-song-khoi-sac-noi-ngoi-lang-benh-phong-a654409.html