Gia Lai: Gõ cửa từng nhà, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, thời gian qua lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã đến từng làng, vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà tuyên truyền, vận động giúp người dân thấy rõ được những hiểm họa, tác hại khi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ.

Nỗ lực thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trong làng đồng bào DTTS

Xã Đăk Rong từ lâu được biết đến là một trong những xã khó khăn của huyện Kbang (Gia Lai). Đăk Rong có khoảng 1.300 khẩu với gần 100% là người Ba Na. Với đặc thù là địa bàn vùng núi lại là nơi tập trung nhiều bà con DTTS sinh sống nên thường có thói quen sử dụng súng, vũ khí thô sơ để săn bắn, bảo vệ mùa màng, nương rẫy. Điều này đã tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Xã Đăk Rong từ lâu đã trở thành một trong những điểm sáng về tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Trước thực trạng này, Công an huyện và Công an xã đã cùng phối hợp với chính quyền địa phương đến từng làng, vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà tuyên truyền nhằm giúp người dân thấy rõ được những hiểm họa, tác hại khi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ.

Anh Đinh Văn Luyến (làng Hà Đừng 1, xã Đak Rong) cho biết: “Trước đây, mình thường chế tạo, sử dụng súng tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, thời gian qua được cán bộ Công an xã Đăk Rong đến tận nhà tuyên truyền các quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và cảnh báo sự nguy hiểm của vũ khí nên mình đã tự nguyện giao nộp vũ khí cho lực lượng công an”.

Được Công an tuyên truyền, anh Luyến đã biết được súng tự chế có nhiều tác hại, đặc biệt có thể gây thương tích dẫn đến tử vong chết người nên đã tự nguyện giao nộp

Theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Đăk Rong, khó khăn nhất trong quá trình tuyên truyền bà con giao nộp vũ khí, vật liệu nổ là việc bất đồng ngôn ngữ tại các làng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, địa bàn xã rộng, thôn làng cách xa nhau nên việc đi lại, tập trung người dân gặp nhiều khó khăn.

“Việc tuyên truyền người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được triển khai đến tận thôn làng. Đặc biệt phải huy động cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của già làng, Người có uy tín trong công tác tuyên truyền vận động. Nhờ vậy, người dân đã nâng cao nhận thức, tự nguyện đến Công an xã giao nộp. Đồng thời cũng không còn tư tưởng mua súng tự chế để săn bắn, tập trung vào chăm lo phát triển kinh tế”, ông Quang cho biết thêm.

Lực lượng chức năng huyện Kbang đã thu hồi 155 vũ khí tự chế và linh kiện lắp ráp súng tự chế cất giấu trái phép trong Nhân dân

Từ năm 2022 đến nay, Công an xã Đăk Rong đã thu hồi được 10 vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và trở thành một trong những điểm sáng về tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Cũng từ điểm sáng này, 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã nỗ lực triển khai thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và đạt được nhiều kết quả cao.

Trao đổi với PV, Thượng tá Trần Đăng Khoa - Phó trưởng Công an huyện Kbang cho biết: “Trong thời gian qua đã thu được rất nhiều các công cụ hỗ trợ, vũ khí, Đak Rong là xã trọng điểm vận động thu hồi rất là tốt. Công an Đăk Rong rất sáng tạo trong việc vận động. Trong thời gian tới, huyện sẽ xây dựng kế hoạch chỉ đạo Công an các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức vận động, giải thích cho người dân hiểu vấn đề súng tự chế là công cụ rất là nguy hiểm, khi sử dụng gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản cho người dân".

Vận động người dân vùng biên giới giao nộp vũ khí săn bắn

Theo báo cáo của Công an tỉnh Gia Lai, qua công tác tuyên truyền, vận động, từ năm 2018-2021, lực lượng Công an cơ sở đã thu hồi 2.171 vũ khí, công cụ hỗ trợ và 1.931 viên đạn các loại, bàn giao cho đơn vị chuyên môn để tiến hành phân loại, thanh lý, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã gõ cửa từng nhà vận động, tuyên truyền giúp người dân thấy rõ được những hiểm họa, tác hại khi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ.

Ngoài các làng đồng bào DTDS, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai còn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực biên giới nâng cao kiến thức, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Đặc biệt là việc vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tàng trữ trái phép.

Theo báo cáo của Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai, từ đầu 2023 đến nay, các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh đã vận động nhân dân ở khu vực biên giới giao nộp 28 khẩu súng, 1 quả lựu đạn, 197 viên đạn và công cụ hỗ trợ các loại. Từ năm 2020 đến nay, BĐBP tỉnh Gia Lai đã phát hiện, xử lý 32 vụ/26 đối tượng, trong đó, khởi tố 2 vụ/3 đối tượng về hành vi tàng trữ trái phép vật liệu nổ. Tang vật thu giữ gồm: 12 kg thuốc nổ TNT, 229 kíp nổ, 18,7m dây cháy chậm, 3.184 kg pháo nổ các loại.

Mới đây, vào đầu tháng 7/2023, Tổ mật phục Đồn Biên phòng Ia Mơ - Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai phát hiện có 8 công dân (là người dân tộc Dao, cùng trú tại thôn 8, xã Ia Piơr) điều khiển 5 xe gắn máy đi từ hướng Quốc lộ 14C lên khu vực Chốt Covid - 19 số 2, thuộc địa phận lô cao su của nông trường An Biên, Công ty cao su Chư Prông.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã và đang tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân giao nộp vũ khí và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh biên giới

Qua kiểm tra lực lượng Biên phòng phát hiện 8 công dân gồm: Triệu Văn Quảng (34 tuổi), Bàn Văn Hương (28 tuổi), Đặng Quý Lâm (23 tuổi), Triệu Kim Ngân (23 tuổi), Triệu Văn Khoa (26 tuổi), Triệu Dầu Thành (25 tuổi), Đặng Dầu Song (27 tuổi), Đặng Dầu Lâm (26 tuổi) mang theo 4 khẩu súng tự chế, 24 viên đạn màu đồng và 4 vỏ đạn màu đồng loại độ chế.

Làm việc với cơ quan chức năng, Triệu Văn Khoa khai nhận có cất giấu tại nhà 1 khẩu súng độ chế (Klip) đã tháo rời để dưới ván gỗ. Bước đầu, những người này khai mang theo súng tự chế vào khu vực biên giới để săn thú rừng.

Thượng tá Nguyễn Thế Bất - Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Gia Lai cho biết, cùng với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, các đơn vị trong BĐBP tỉnh đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, trong đó có việc vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tàng trữ trái phép.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-lai-go-cua-tung-nha-van-dong-nguoi-dan-giao-nop-vu-khi-vat-lieu-no-post257325.html