Giá tiêu hôm nay 21/11/2023, Việt Nam tăng nhập khẩu, người trồng ở các 'thủ phủ' hồ tiêu phấn khởi với tâm thế mới

Giá tiêu hôm nay 21/11/2023 tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 68.500 – 71.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 21/11/2023, Việt Nam tăng nhập khẩu, người trồng ở các ‘thủ phủ’ hồ tiêu phấn khởi với tâm thế mới. (Nguồn: Fresh Harvest)

Giá tiêu hôm nay 21/11/2023, Việt Nam tăng nhập khẩu, người trồng ở các ‘thủ phủ’ hồ tiêu phấn khởi với tâm thế mới. (Nguồn: Fresh Harvest)

Giá tiêu hôm nay 21/11/2023 tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 68.500 – 71.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 68.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (68.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (69.500 đồng/kg); Bình Phước (70.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 71.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), 15 ngày đầu tháng 11/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 1.378 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 4,7 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Brazil chiếm 64,7% đạt 891 tấn. Các doanh nghiệp trong Hiệp hội nhập khẩu chủ yếu chiếm 99,7%, gồm: Pearl Group, Olam Việt Nam, Liên Thành, Ptexim Corp, KSS Việt Nam và Gia vị Sơn Hà.

Trong khi đó, 15 ngày đầu tháng 10/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 809 tấn, chủ yếu từ Brazil và Indonesia.

Đắk Nông có diện tích hồ tiêu lớn nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Năm 2014, diện tích hồ tiêu chỉ gần 13.896ha, sản lượng đạt gần 17.682 tấn. Đến năm 2017 đã tăng lên gần 32.902 ha, sản lượng đạt hơn 38.000 tấn. Tuy nhiên, đến năm 2018, diện tích hồ tiêu trồng mới của Đắk Nông lại có xu hướng giảm. Tỷ lệ tiêu chết nhanh, chết chậm, bệnh hại diễn ra nhiều ở các vườn trồng.

Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, những năm gần đây diện tích hồ tiêu Đắk Nông phát triển ổn định ở mức 34.000 ha. Diện tích này phù hợp với định hướng phát triển hồ tiêu của tỉnh theo Quy hoạch tổng thể tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Hiện nay, năng suất hồ tiêu bình quân chung toàn tỉnh đạt khoảng 2,4 tấn/ha; tổng sản lượng hồ tiêu hàng năm đạt khoảng 70.000 tấn. Đặc biệt, Đắk Nông đã phát triển được 547 ha hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ; khoảng 332 ha áp dụng quy trình GAP.

Ở Đắk Nông hiện nay, phong trào trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học, đạt các chứng nhận về sản xuất nông nghiệp tốt ngày thêm mạnh mẽ. Cây hồ tiêu đang hồi sinh tại những vùng được ví là vùng "đất chết" trước đây.

Người trồng hồ tiêu Đắk Nông giờ đây đã có tâm thế mới nhờ sản xuất bền vững, hiệu quả kinh tế cao. Đây là tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành tiêu Việt Nam trong tương lai.

Tương tự, thay vì rơi vào vòng luẩn quẩn "chặt trồng, trồng chặt" thì ngày càng có nhiều nông dân ở tỉnh Bình Phước lựa chọn giải pháp trồng tiêu theo hướng hữu cơ, nhờ thay đổi tư duy để phát triển bền vững. Với cách làm này, hiện nhiều hộ vẫn sống khỏe, bất chấp thời tiết thất thường, sâu bệnh phá hoại, giá cả bấp bênh.

Ông Hoàng Văn Đình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng cho biết, để ổn định sản xuất, Hội nông dân xã đã vận động bà con nhóm họp thành lập hợp tác xã (HTX) tiêu sạch liên kết với Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice - Việt Nam để họ hướng dẫn về các quy trình bón phân, chăm sóc, xử lý sâu bệnh trên cây.

Đồng thời, nông dân tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, các chất cấm mà chỉ bón phân chuồng, xịt thuốc sinh học để tạo cho vườn tiêu sạch, đẹp, xanh tốt, năng suất, chất lượng cao.

HTX tiêu sạch xã Thống Nhất thành lập năm 2021 với 20 thành viên, HTX đã liên kết với Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice - Việt Nam bao tiêu 100% sản phẩm đầu ra với cam kết cao hơn giá thị trường.

Tuy nhiên, HTX phải tuân thủ quy trình chăm sóc, bón phân theo hướng hữu cơ và "nói không với phân hóa học, thuốc diệt cỏ".

Tại xã nông thôn mới Hưng Phước, huyện Bù Đốp, sản phẩm nông nghiệp được ghi nhận, đánh giá rất cao là tiêu hữu cơ của hộ ông Võ Ngọc Quế. Với diện tích 5ha, những năm qua, gia đình ông luôn thực hiện nghiêm quy trình sản xuất "3 không": Không thuốc hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng các chất cấm.

Ông Quế cho biết, để có sản phẩm tiêu hữu cơ sạch, chất lượng, phải tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp trồng, chăm sóc theo đúng, đủ các quy định đã được tập huấn. Vườn tiêu của gia đình ông luôn xanh mướt, trĩu trái bậc nhất trong vùng.

So với các phương thức sản xuất khác, trồng theo hướng hữu cơ, tỷ lệ cây tiêu sống đạt trên 95%, giá trị sản phẩm luôn cao hơn 20-30% so với hạt tiêu thường và không phải lo đầu ra sản phẩm, theo Báo Công An Nhân Dân.

(tổng hợp)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-tieu-hom-nay-21112023-viet-nam-tang-nhap-khau-nguo-i-tro-ng-o-cac-thu-phu-ho-tieu-phan-khoi-voi-tam-the-moi-250701.html