Giá vé máy bay vẫn 'leo thang', du lịch Thanh Hóa còn bùng nổ xuyên hè

Theo đánh giá của chuyên gia và đại diện nhiều doanh nghiệp, lượng khách tới Thanh Hóa không chỉ bùng nổ trong kỳ nghỉ 30/4 mà sẽ tiếp tục tăng cao xuyên suốt hè 2024. Tuy nhiên, bài toán đặt ra cho Thanh Hóa là khiến khách 'rút hầu bao' nhiều hơn.

Thông tin Thanh Hóa vượt Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương phát triển về du lịch khác như Quảng Ninh, Đà Nẵng,... cả về lượng khách cũng như doanh thu du lịch dịp lễ 30/4 nhận được nhiều sự chú ý.

Theo số liệu từ Cục Du lịch quốc gia, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Thanh Hóa là địa phương đón đông khách nhất trong cả nước với trên 1,5 triệu lượt - con số kỷ lục, tăng hơn 27% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch của địa phương dịp lễ đạt hơn 3.800 tỷ đồng, tăng gần 33% so với 2023.

PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá, những con số kỷ lục là minh chứng rõ nét cho sự phát triển của du lịch Thanh Hóa.

"Những năm gần đây, Thanh Hóa đang dần xóa nhòa những thông tin tiêu cực như rác thải, chặt chém, chèo kéo khách. Tỉnh này đang có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều ban ngành địa phương để nhanh chóng tạo thế cạnh tranh công bằng với các địa phương có du lịch rất mạnh như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hà Nội”, ông Long đánh giá.

Theo nhìn nhận của ông Long và đại diện nhiều doanh nghiệp, lượng khách tới Thanh Hóa không chỉ bùng nổ trong kỳ nghỉ 30/4 mà sẽ giữ vị trí đầu bảng xuyên suốt cao điểm hè 2024.

"Những số liệu trong kỳ nghỉ vừa qua có tạo bất ngờ nhưng không phải con số đột biến nhất thời", ông Long cho hay.

Quảng trường biển Sầm Sơn đông kín du khách kỳ nghỉ lễ 30/4. Ảnh: Vũ Khôi

Quảng trường biển Sầm Sơn đông kín du khách kỳ nghỉ lễ 30/4. Ảnh: Vũ Khôi

Giá vé máy bay còn cao, Thanh Hóa còn hút lượng khách lớn

PGS.TS Phạm Hồng Long đánh giá rất cao nỗ lực của Thanh Hóa trong việc chủ động xúc tiến quảng bá, liên kết du lịch với các địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ (Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Đây trở thành những nguồn cung cấp khách đường bộ dồi dào cho Thanh Hóa. Với giao thông thuận lợi, phát triển đồng bộ cả đường bộ, đường sắt, vị trí địa lý nằm trong trục giao thông Bắc - Nam, Thanh Hóa đang thực sự trở thành “cái rốn” hút khách du lịch ở miền Bắc và Bắc Trung bộ.

Bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện Công ty Lữ Hành Vietluxtour, cho biết, các sản phẩm du lịch Thanh Hóa là một trong những sản phẩm du lịch nội địa trọng điểm của đơn vị trong hè 2024, đặc biệt là các đoàn khách MICE. Trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa đang ở mức cao, cơ sở hạ tầng các tuyến du lịch đến Thanh Hóa là một trong những yếu tố rất thuận lợi để thu hút khách từ đầu miền Bắc. Bên cạnh đó, Thanh Hóa có bãi biển Sầm Sơn với đường bờ biển dài, đẹp, lý tưởng cho việc tổ chức hoạt động chung của các đoàn khách doanh nghiệp.

Bà Thu đánh giá nhu cầu của các thị trường khách đoàn và lẻ du lịch Thanh Hóa vào mùa hè vẫn sẽ rất cao. Dịp cuối tuần, các khách sạn, nhà hàng thường phục vụ 100% công suất.

Đồng tình giá vé máy bay là một yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng lượng khách tới Thanh Hóa du lịch bằng đường bộ, đường sắt nhưng ông Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch Sun Group vùng Miền Bắc nhấn mạnh thêm, du lịch Thanh Hóa đang vươn mình nhờ sự đa dạng sản phẩm du lịch từ như tắm biển Sầm Sơn, Hải Tiến, nghỉ dưỡng núi rừng tại Bến En, Pù Luông hay tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng như Thành nhà Hồ, Lam Kinh, Am Tiên, du lịch cộng đồng…

"Theo tôi, giá vé máy bay cao chỉ là một trong những nguyên nhân khiến khách có xu hướng đi du lịch gần. Vì ngay cả khi cạnh tranh giữa các thị trường gần nhau, du khách sẽ chọn những điểm đến hấp dẫn, có sản phẩm du lịch mới, liên tục gia tăng trải nghiệm mới, liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ, giá cả. Thanh Hóa nói chung, Sầm Sơn nói riêng đang làm tốt điều này. Mùa du lịch hè 2024, rất nhiều trải nghiệm mới đang chờ du khách tại Sầm Sơn: Vui chơi ở Quảng trường biển Sầm Sơn, xem nhạc nước miễn phí, vui chơi tại công viên tổ hợp”, ông Huy cho hay.

Bãi biển Sầm Sơn được dự kiến sẽ tiếp tục hút khách trong mùa hè năm nay. Ảnh: Minh Hiền

Bãi biển Sầm Sơn được dự kiến sẽ tiếp tục hút khách trong mùa hè năm nay. Ảnh: Minh Hiền

Đông khách nhưng doanh thu chưa tương xứng

Theo số liệu thống kê từ kỳ nghỉ lễ 30/4, nếu so sánh với các địa phương trong cả nước có mức doanh thu cao trong kỳ nghỉ lễ này như: TP.HCM, TP Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh... thì mức chi tiêu bình quân/khách đến Thanh Hóa vẫn chỉ đạt ở mức khá, khoảng 1,73 triệu đồng/khách/ngày đối với khách lưu trú qua đêm; đối với khách tham quan trong ngày đạt khoảng 550 nghìn đồng/khách.

"Du lịch Thanh Hóa tuy đã phát triển nhưng chưa thực sự bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh", PGS.TS Phạm Hồng Long nhận định.

PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, chi phí du lịch rẻ là một yếu tố giúp Thanh Hóa cạnh tranh tốt với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, chi phí rẻ "vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu" của Thanh Hóa.

"Đôi khi lượng khách ít nhưng doanh thu cao lại thành công hơn. Bởi nếu lượng khách quá lớn sẽ gây sức ép tới cơ sở hạ tầng, môi trường, nguồn nhân lực của địa phương. Nên tôi thiết nghĩ, trong thời gian tới, Thanh Hóa phải có những giải pháp để tiếp cận và thu hút tệp khách cao cấp hơn. Phải thừa nhận rằng, hiện nay, chất lượng sản phẩm dịch vụ của Thanh Hóa còn chưa đáp ứng tốt cho tệp khách này”, ông Long cho biết.

Từ phía góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hiếu - Tổng giám đốc Vitamin Tours cũng cho rằng, hạn chế của du lịch Thanh Hóa hiện nay là thiếu các sản phẩm hấp dẫn nhóm khách có khả năng chi trả cao.

Ông Hiếu lấy ví dụ, lượng resort, khách sạn 5 sao ở Thanh Hóa còn khiêm tốn. Trong khi đó, chi phí dành cho lưu trú thường chiếm một nửa hoặc 2/3 mức chi tiêu của khách du lịch. "Thanh Hóa cần tập trung thu hút đầu tư và xây dựng thêm nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, từ đó kéo các dịch vụ khác phát triển ăn theo như ăn uống, vui chơi giải trí… để khách thoải mái "móc hầu bao", tăng nguồn thu cho ngành du lịch", ông Hiếu nói.

Vị đại diện này cũng cho hay, để thu hút du khách quanh năm, du lịch Thanh Hóa cần khai thác tiềm năng du lịch đồng đều ở các loại hình, từ du lịch biển đến du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,... từ phía đông sang phía tây.

Ngoài biển, xứ Thanh còn nhiều tiềm năng khai thác về du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng, núi rừng hay du lịch sinh thái, nông nghiệp, văn hóa lịch sử, tâm linh…

Ngoài biển, xứ Thanh còn nhiều tiềm năng khai thác về du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng, núi rừng hay du lịch sinh thái, nông nghiệp, văn hóa lịch sử, tâm linh…

Theo ông Quang Huy - Chủ tịch Sun Group vùng Miền Bắc, mặc dù đã đạt được những thành tích đáng kể, song nếu so với tiềm năng sẵn có thì du lịch Thanh Hóa vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

"Như chúng ta thấy, trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, du khách chủ yếu đổ về các địa điểm du lịch biển. Trong khi xứ Thanh còn nhiều tiềm năng khai thác về du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng, núi rừng hay du lịch sinh thái, nông nghiệp, văn hóa lịch sử, tâm linh…

PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, Thanh Hóa cũng phải giải quyết được những điểm yếu như: Nguồn nhân lực nhất là lao động chất lượng cao vừa thiếu, vừa yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao; Chưa có chiến lược, giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch; Kinh nghiệm trong quản lý, quản trị, điều hành trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế; Các sản phẩm du lịch nhìn chung còn đơn điệu (đặc biệt là các sản phẩm về hàng lưu niệm), mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm nghỉ dưỡng biển, chưa khai thác tốt được các giá trị tài nguyên như di sản, văn hóa, sinh thái...

Bà Vương Thị Hải Yến - PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đồng tình với nhận định: Lượng du khách tới Thanh Hóa cao nhưng tổng thu du lịch chưa thực sự tương xứng.

"Trong thời gian tới chúng tôi tập trung vào một số giải pháp để tăng doanh thu du lịch, như:

- Tiếp tục thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn để từng bước hình thành các tổ hợp dịch vụ đa dạng, cao cấp tại các khu du lịch , trong đó phải kể đến Dự án Khu quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Quảng Yên; khu du lịch Bén En và các khu du lịch nghỉ dưỡng tại các khu du lịch biển.

- Khuyến khích hình thành và phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, vui chơi giải trí cao cấp và casino (tại các khu vực biệt lập), du lịch tàu biển qua Cảng Nghi Sơn, các tuyến tàu du lịch cao tốc ra đảo Nẹ, đảo Mê, du lịch kinh tế đêm...

- Tổ chức các sự kiện, các chương trình nghệ thuật, hoạt động thể thao biển (golf, bóng chuyền bãi biển, bóng đá bãi biển, lướt ván, đua thuyền buồm…),

- Xây dựng các chương trình du lịch mới để kết nối các điểm du lịch trong tỉnh, tăng trải nghiệm tại mỗi điểm đến, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch; đưa vào khai thác và chào bán các tour du lịch mạo hiểm (treckingtour).

- Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, mở rộng thị trường khách, đặc biệt là khách quốc tế, khách có khả năng chi trả cao, khách du lịch MICE sau khi các tổ hợp du lịch cao cấp được hình thành và đưa vào khai thác", bà Yến cho hay.

Để chuẩn bị cho mùa du lịch cao điểm này, Thanh Hóa đã và đang tập trung: Duy trì các điều kiện đón, tiếp khách du lịch an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện; Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao; chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành và khai thác phát triển du lịch; Tiếp tục tổ chức các chương trình kích cầu du lịch; chiến dịch quảng bá với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa, điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại các sự kiện trong và ngoài nước; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; tập trung quản lý dịch vụ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch; kiểm soát việc công khai giá dịch vụ theo quy định và bán đúng giá niêm yết.

Linh Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-ve-may-bay-van-leo-thang-du-lich-thanh-hoa-con-bung-no-xuyen-he-2278044.html