Giải đáp nhiều vấn đề tài chính trong ngành y tế Hải Dương
Tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Hải Dương với cán bộ, nhân viên ngành y tế sáng 15/5, nhiều nội dung liên quan đến vấn đề tài chính trong ngành đã được giải đáp.
Gỡ vướng mắc trong xã hội hóa máy móc, thiết bị y tế
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Phạm Văn Diễn, Trưởng phòng Tài chính Kế toán Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết từ năm 2017 trở về trước, công tác xã hội hóa y tế được thực hiện theo Thông tư 15 ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế, về hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập. Đến năm 2018, công tác xã hội hóa y tế thực hiện theo Nghị định 151 ngày 26/12/2017 của Chính phủ, quy định một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Sau nhiều năm thực hiện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã thu hút được nguồn vốn phục vụ đầu tư máy móc, thiết bị. Nhờ đó triển khai có hiệu quả một số công nghệ kỹ thuật cao, mới, chuyên sâu trong khám, chữa bệnh. Tích cực hơn, cán bộ, y tế có cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn do được tiếp cận trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, đến nay công tác xã hội hóa này đã gặp vướng mắc. Việc xây dựng dự toán gói thầu khi áp dụng hình thức thuê thiết bị, hay xác định giá trị vốn góp theo hình thức liên doanh, liên kết trước đây được quy định tại Thông tư 15 thì nay đã hết hiệu lực, đã được bãi bỏ.
Ông Phạm Văn Diễn nêu ý kiến: “Từ tư cách pháp nhân của bên liên doanh, liên kết, nguyên tắc xác định giá thiết bị, vật tư cho đến việc xử lý tài sản sau khi hết thời gian liên doanh, liên kết hoặc thuê thiết bị cùng nhiều nội dung khác là những vướng mắc chưa được tháo gỡ do Bộ Y tế chưa ban hành thông tư mới thay thế. Do vậy khó giải trình với cơ quan chức năng khi kiểm tra”.
Về vấn đề này, đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải xây dựng đề án liên doanh, liên kết. Trên cơ sở đó thực hiện đấu thầu lựa chọn đối tác tham gia. Đây là vấn đề liên quan đến Sở Tài chính. Do vậy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần phối hợp Sở Tài chính nghiên cứu, xây dựng để triển khai thí điểm.
Đơn vị tự chủ khó đầu tư trang thiết bị hiện đại
Cũng liên quan đến vấn đề tài chính, với những cơ sở y tế công lập bảo đảm hoàn toàn chi thường xuyên, còn gọi là đơn vị tự chủ nhóm 2, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu thu từ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Vì vậy chỉ cơ bản bảo đảm chi trả lương, phụ cấp, mua sắm thuốc, vật tư y tế hoặc một số hạng mục sửa chữa nhỏ như điện, nước...
Bà Nguyễn Thị Liễu, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho rằng với thực trạng này sẽ rất khó để những đơn vị tự chủ nhóm 2 có thể mua sắm trang thiết bị hiện đại hoặc thực hiện sửa chữa lớn. Bà Liễu đề nghị tỉnh có chính sách quan tâm đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Tuệ thông tin với những đơn vị tự chủ chi thường xuyên, muốn mua sắm trang thiết bị cần thực hiện đề án hoặc nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao. Có nghĩa là nếu cấp có thẩm quyền không giao nhiệm vụ thì những đơn vị này phải lấy từ nguồn tự thu. Dù tỉnh có kinh phí, song từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngành y tế phải tập trung vào công tác phòng chống dịch, rà soát kinh phí thanh toán phòng chống dịch. Do vậy đã ảnh hưởng đến việc rà soát, lập kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ bổ sung kinh phí cho đơn vị tự chủ nhóm 2.
“Năm 2023, Hải Dương đã chuyển nguồn kinh phí 91 tỷ đồng do chưa thực hiện hết nhiệm vụ mua sắm, bảo trì thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của ngành y sang năm 2024. Dự toán năm 2024, Sở Tài chính đã bố trí 54 tỷ đồng khác. Ngay sau hội nghị hôm nay, các đơn vị liên quan sẽ khẩn trương phân bổ tổng nguồn tiền 145 tỷ đồng này, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đơn vị. Về dài hạn, ngành y tế cần rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, bổ sung danh mục tài sản công, dịch vụ, hàng hóa, trang thiết bị cho các đơn vị. Từ đó trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án, chương trình, dự án để mua sắm”, ông Tuệ thông tin.
Ngoài ra, hằng năm trên cơ sở giao nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền, các đơn vị sự nghiệp công lập đề xuất Sở Y tế lập dự toán. Từ đó, Sở Tài chính trình cấp có thẩm quyền để phân bổ kinh phí. “Nếu thuộc đầu tư công thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, nếu thuộc chi thường xuyên thì Sở Tài chính sẽ chủ trì. Từ đó có sự đầu tư phù hợp, đúng quy định cho y tế, nâng cao năng lực khám chữa bệnh của ngành y tế Hải Dương”, ông Tuệ nói thêm.
Có thể xây dựng phòng khám đa khoa trên đất thương mại dịch vụ
Liên quan đến đầu tư cho y tế, Giám đốc Phòng khám đa khoa Việt Mỹ (Bình Giang) Nguyễn Khắc Thạo nêu câu hỏi: “Đất thương mại dịch vụ có được xây dựng phòng khám đa khoa không?”.
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hồng Diên khẳng định “đất thương mại có thể xây dựng phòng khám đa khoa”.
Tuy nhiên, theo ông Diên, đây chỉ là điều kiện cần. Bởi muốn xây dựng phòng khám đa khoa phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của địa phương cũng như một số vấn đề khác như môi trường, giao thông...