Giải pháp để hoàn thành ghi chỉ số công tơ và lập hóa đơn tiền điện vào ngày cuối tháng

Nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, thực hiện chuyển đổi số, tạo điều kiện cho khách hàng thuận tiện trong việc giám sát và theo dõi lịch ghi chỉ số công tơ điện hằng tháng, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã thực hiện lộ trình thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng cho 4,7 triệu khách hàng sử dụng điện trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên, dự kiến hoàn thành cho 100% khách hàng trong năm 2024.

Ngành điện chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ điện thông qua việc hỗ trợ khách hàng lắp đặt thiết bị và cam kết sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ảnh: L.K

Ngành điện chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ điện thông qua việc hỗ trợ khách hàng lắp đặt thiết bị và cam kết sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ảnh: L.K

Việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng được thực hiện trên cơ sở sự đồng thuận, thống nhất của khách hàng sử dụng điện, thông qua thỏa thuận và hợp đồng mua bán điện đã ký giữa khách hàng và bên bán điện. Trong tháng có thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng, số ngày sử dụng điện của khách hàng sẽ nhiều hơn so với cùng kỳ, tương ứng sản lượng điện tiêu thụ sẽ cao hơn cùng kỳ.

Việc thay đổi ngày ghi chỉ số không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, định mức sử dụng điện, hóa đơn tiền điện của khách hàng vẫn đảm bảo tính đúng theo quy định về biểu giá điện hiện hành. Các tháng tiếp theo, số ngày sử dụng điện bằng đúng số ngày trong tháng.

Công ty Điện lực của các tỉnh, thành phố thực hiện báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, gửi thông tin thông báo và hướng dẫn cách tính toán tiền điện, công cụ hỗ trợ tính toán tiền điện qua các kênh thông tin chăm sóc khách hàng trước khi triển khai để khách hàng tiện theo dõi, kiểm tra. Theo đó, khách hàng có thể theo dõi sản lượng điện tiêu thụ theo từng ngày, tham khảo công cụ hỗ trợ tính toán tiền điện tại website chính thức của EVNCPC hoặc qua ứng dụng trên điện thoại.

Qua hơn 2 tháng triển khai việc ghi chỉ số công tơ và lập hóa đơn tiền điện vào ngày cuối tháng đã bộc lộ một số ưu điểm và tồn tại bất cập cần sớm được khắc phục. Về ưu điểm, khách hàng dễ nhớ, dễ giám sát, dễ kiểm tra chỉ số tiêu thụ điện theo đúng số ngày trong tháng (từ ngày 1 đến hết ngày cuối tháng). Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tạo hiệu quả, minh bạch, dễ hiểu trong công tác quản lý đo đếm điện năng, ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện. Tạo thuận lợi cho công tác theo dõi, quản lý và đốc thúc thu tiền điện.

Tuy nhiên, công việc này vẫn đang xảy ra một số khó khăn, bất cập. Đó là khối lượng thực hiện trên chương trình trong một ngày rất lớn (do việc ghi chỉ số công tơ và lập hóa đơn thực hiện trong một ngày) nên tạo ra áp lực cho cán bộ, nhân viên ngành điện. Mặt khác, do khối lượng công việc nhiều nên lỗi phát sinh trong một ngày lớn và thời gian chờ xử lý lỗi khá lâu.

Việc phúc tra chỉ số và kiểm soát sản lượng bất thường đảm bảo phát hành hóa đơn không sai sót, khối lượng phải thực hiện trong một ngày rất lớn. Đặc biệt một số trường hợp cần phải phối hợp với khách hàng để kiểm soát sản lượng bất thường nhưng do thời gian quá khuya không thể liên hệ với khách hàng để thực hiện được.

Công việc nhiều, yêu cầu số lượng nhân lực thực hiện công việc ở mức độ lớn, trong đó có một số khâu công việc nhập, kiểm soát chỉ số, tính hóa đơn, rà soát khách hàng bất thường, phối hợp xử lý lỗi... đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng và kinh nghiệm, trong khi trước đây mỗi công việc này tại các đơn vị thường chỉ bố trí một người đảm nhận, việc đào tạo nhân lực bổ sung cần có thời gian. Ngoài ra, trong quá trình điều hành và phối hợp giữa các khâu công việc yêu cầu ở mức độ cao và đòi hỏi cán bộ quản lý chung phải theo dõi điều hành công việc thường xuyên...

Từ những khó khăn trên, PC Quảng Trị đã tìm ra giải pháp để khắc phục. Đó là, hằng ngày phải tập trung theo dõi và xử lý khách hàng có cảnh báo sản lượng bất thường trên chương trình https:// gssldien.cpc.vn. Rà soát xử lý các điểm đo offline trước ngày ghi chỉ số công tơ cuối tháng, đảm bảo tỉ lệ điểm đo có dữ liệu online trong ngày ghi chỉ số công tơ.

Rà soát hoàn thành các bước nghiệp vụ treo tháo hệ thống đo đếm, kiểm tra đảm bảo chính xác chỉ số treo tháo trên chương trình CMIS. Không thực hiện treo tháo hệ thống đo đếm trong ngày ghi chỉ số, trừ trường hợp bất khả kháng. Kiểm tra, xử lý khách hàng có sản lượng bất thường, khách hàng nghi ngờ công tơ đứng, cháy, hỏng trước ngày ghi chỉ số công tơ cuối tháng theo danh sách công ty cung cấp nhằm giảm tải cho việc kiểm soát trong ngày ghi chỉ số công tơ, phát hành hóa đơn cuối tháng.

Bố trí đủ nhân lực vào ngày cuối và đầu tháng để triển khai nhiệm vụ theo khối lượng công việc. Các nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ ghi chỉ số, lập hóa đơn điện tử cần tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của công ty. Kịp thời gửi lỗi và phối hợp với các bộ phận hỗ trợ của công ty, CPCIT, EVNICT để xử lý các lỗi phát sinh trong quá trình thực hiện nghiệp vụ. Kịp thời kiểm tra và phản hồi kết quả kiểm tra đối với các khách hàng có bất thường mà công ty nhận được từ khách hàng.

Lâm Khanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/giai-phap-de-hoan-thanh-ghi-chi-so-cong-to-va-lap-hoa-don-tien-dien-vao-ngay-cuoi-thang/184291.htm