Giai thoại về câu đối Tết: cụ Nghè, cụ Cử tặng chủ thuyền câu đối hay

Chủ thuyền được mục kích các cụ 'đàm đạo văn chương', thỏa chí bèn bỏ ra số tiền hậu hĩ nhận câu đối. Đổi lại, các thi nhân cho chữ có nhuận bút đón xuân.

Ông đồ thấy thế bèn giới thiệu ngay: “Ví bằng hoa-ông muốn có văn hay thì phải vào nơi quan Nghè; còn chúng tôi đây viết văn bán chợ chỉ có thế thôi. Nhưng ông nên nhớ: Văn chương quan Nghè mỗi chữ giá đáng ngàn vàng, chứ không rẻ rúng như văn của chúng tôi đâu nhé”.

 Câu đối Tết từng là một phần quan trọng trong trang trí nhà cửa dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Bùi Quang Quý - Hà Nội mới.

Câu đối Tết từng là một phần quan trọng trong trang trí nhà cửa dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Bùi Quang Quý - Hà Nội mới.

Chủ thuyền thấy ông đồ giới thiệu như vậy lập tức về lấy 5 lạng bạc với 4 bao trà thượng hảo kèm theo một đôi liễn tàu, đưa vào trong dinh quan Nghè để xin câu đối.

Hỏi qua lai lịch và ý muốn xong, ngài gọi quân hầu đem bút mực ra, rồi ngài viết ngay một vế. Vừa viết đến chữ cuối cùng của vế trên thì lính hầu vô bẩm: Cụ Cử ở bên Phủ Lý sang chơi. Ngài vội đặt bút xuống bàn thì cụ đã vào tới nơi chào hỏi: “Ồ! Quan bác cũng chơi câu đối Tết đó sao?”. Ngài đáp: “Không, chúng mình còn chơi chữ với ai mà Tết với nhất. Câu này đệ viết cho bác lái mành Nghệ đương ngồi chờ kia...”.

Cụ Cử ngâm đi ngâm lại vế trên không ngớt khen hay và giục: “Vậy bác viết nốt vế dưới xem nào. Vế trên bác đã tập cổ để nói về cảnh, tất nhiên vế dưới cũng phải tập cổ để nói về tình. Tìm được câu nào khả dĩ cân đối được với câu trên tưởng cũng khó lắm! Âu là bác phần tôi...”.

Cụ Nghè vội vàng gạt đi mà rằng: “Vế dưới đệ cũng tìm được chữ đối xong rồi. Khoái lắm! Khoái lắm! Vậy xin bác đừng đọc vội. Chúng ta hãy theo như cách Khổng Minh và Chu Công Cẩn ngày trước, mỗi người đều ra một chỗ, để viết câu mình dự nghĩ vào trong bàn tay, thử xem văn tài của bác và tôi có giống nhau chăng”.

Quả nhiên, sau khi viết xong cùng quay trở lại chỗ cũ, cùng xòe bàn tay ra coi, thì hai câu viết trong hai bàn tay không sai một chữ nào cả! Hai cụ vỗ tay cả cười, rồi đem viết ngay vào liễn. Câu đối ấy như sau:

Vọng xuân xuân khả liên, lĩnh thụ trùng già thiên lý mục.

Dục qui qui vị đắc, cô chu nhất hệ cố viên tâm.

(Vì câu đối ấy toàn là những câu ở trong Đường thi. Vậy dưới đây chúng tôi xin chú giải để độc giả thấy rõ văn tài và sức học của các Cụ như thế nào.

[1] Tô Đĩnh đời nhà Đường, trong bài Vọng Xuân có câu: Đông vọng vọng xuân xuân khả liên, Cánh phùng tình nhật liễu hàm yên

Trông về phương đông thấy đền Vọng Xuân đáng thương cho Xuân; Lại gặp buổi tạnh nắng, bờ liễu nhả khói lờ mờ.

[2] Liễu Tôn Nguyên đời Đường khi trèo lên thành Liễu Châu có cảmtác bài thơ gửi cho bạn, câu thứ 5 và thứ 6: Lĩnh thụ trùng đàn áp thiên lýmục, Giang lưu khúc tự cửu hồi trường; Cây núi ngăn đôi ngàn dặm mắt, Ruột tầm uốn khúc chín dòng sông.

[3] Trương Bật đời Đường, gặp tết Hàn thực nhớ nhà cảm tác bài thơ tứtuyệt, 2 câu kết là: Đẳng thị hữu gia qui vị đắc, Đỗ quyên hưu hướng nhĩbiên đề. Chẳng khác có nhà về chửa được, Đỗ quyên (chim cuốc) đừng khoắc khoải bên tai.

[4] Bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ, câu 5 - 6: Tùng cúc lưỡng khai thanhật lệ, Cô chu nhất hệ cố viên tâm. Khóm cúc tuôn hai hàng lệ cũ; Con thuyền buộc một mối tình nhà.)

Nghĩa là:

Trông xuân xuân đáng thương, cây núi ngăn đôi nghìn dặm mắt, Muốn về về chửa được, con thuyền buộc một mối tình nhà.

Về phần ông chủ mành Nghệ, ngồi nghe các cụ đàm đạo văn chương. Nhất là lại được mục kích một lối chơi chữ bằng cách hợp chưởng (hợp bàn tay) như Khổng Minh và Chu Du đã thử nhau bằng một chữ hỏa (hỏa công) ở trong bàn tay, thì ông lấy làm một sự hi hữu (ít có) trong đời. Nhân vì năm ấy được đại phát tài, nên phần hào hứng cao đến tột độ: Ông lại móc túi lấy ra 4 lạng bạc nữa để xin 4 chữ viết vào hoành phi treo giữa, còn hai vế đối thì treo hai bên. Hai cụ liền cho 4 chữ: Xuân lai giang thượng: Xuân tới trên sông. Câu này nguyên văn ở trong Đường thi là “Xuân lai giang thượng kỷ nhân hoàn”: Xuân tới trên sông đã mấy người trở về? Chủ thuyền mành thấy hợp với tình cảnh của mình, lấy làm khoái chí, bái lãnh đem về. Thế là nguyên khoản câu đối đỏ, ông đã tiêu mất 9 lạng bạc, với 4 bao trà. Thời ấy khen ông là người đã biết chơi chữ lại biết tiêu tiền, thực hiếm có vậy.

Chủ mành bái lãnh câu đối trở ra ngoài rồi, hai cụ lui vào nhà trong đã thấy mâm rượu dọn sẵn, trong khi chén thù chén tạc, cụ Nghè nhắc lại: “Lão chủ thuyền kia thực cũng có duyên văn tự, nên mới gặp dịp bác sang, cả hai chúng mình cho hắn đôi câu đối ấy, quả thực tuyệt diệu; nhất là bốn chữ Xuân lai giang thượng: Xuân tới trên sông, khác nào mình đã đem cả mùa xuân đổ vào khoang thuyền của hắn. Xem ra hắn cũng là tay biết thưởng hương vị trong đám con thuyền Nghệ An, nên đã tỏ vẻ hớn hở vui mừng như kẻ bắt được ngọc báu.

Biết đâu những áng kỳ văn kỳ bút, nó chả là điềm báo trước sang Xuân hắn chả phát tài gấp 10 gấp 100.

Giả thử ngay lúc bấy giờ mình bảo hắn phải tạ thêm mấy lượng chắc rằng hắn cũng xin vâng.

Vậy nay nhờ trời đệ đã sẵn có thiên quan thiên lộc thì món nhuận bút 9 lượng bạc kia, đệ xin kính biếu đại huynh để sang năm mới làm vốn “quân tử chi du” (có câu Hà sào quân tử chi du: Tổ tôm là món chơi của người quân tử). Đó là bất phí chi huệ (làm ơn huệ mà không tốn của mình), xin bác vui lòng...”.

Cụ Cử mỉm cười đáp: “Trên đã ban huệ, kẻ dưới đâu dám chối từ... Sự thực thì số nhuận bút ấy đâu phải là nhỏ; đối với vốn tổ tôm còm của nhà nho, thì cứ đánh rền đến hàng chục năm cũng chưa hết vậy”.

Nói tóm lại: Giai thoại về câu đối đỏ trên đây, từ ấy đến nay thường thấy truyền ngôn: câu trên là của cụ Chu Mạnh Trinh, còn câu dưới là của cụ Cử bên Phủ Lý hay là của một ông đồ nào đó. Nay nhân có người đã được mục kích kể lại như thế, thì câu vế dưới là câu của cả hai cụ. Chứ cụ Nghè Chu là người đã chiếm giải nhất về bài phú và 20 bài thơ vịnh truyện Kiều, thì cụ có nghèo chữ đâu mà phải vay mượn?

Tô Nam Nguyễn Đình Diệm/Thái Hà Books/NXB Thế Giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/giai-thoai-ve-cau-doi-tet-cu-nghe-cu-cu-tang-chu-thuyen-cau-doi-hay-post1458738.html