Giải tỏa dứt điểm, sắp xếp lồng bè nuôi thủy sản

Thời gian qua, các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều kế hoạch, phương án và giải pháp để giải tỏa, sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thủy sản theo chỉ đạo của tỉnh, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm và khó hoàn thành.

Lồng bè nuôi thủy sản tại khu vực vịnh Vũng Rô, TX Đông Hòa. Ảnh: PV

Lồng bè nuôi thủy sản tại khu vực vịnh Vũng Rô, TX Đông Hòa. Ảnh: PV

Chưa hoàn thành theo ch đo ca tnh

Thời gian qua, các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến việc sắp xếp lại các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các đầm, vịnh. Tuy nhiên, việc giải tỏa, sắp xếp lồng, bè NTTS đến nay vẫn chưa hoàn thành theo các nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh.

Theo UBND TX Sông Cầu, đến cuối năm 2023, toàn thị xã có khoảng 1.830 hộ NTTS với khoảng 62.550 lồng tôm hùm thịt, 1.800 bè nuôi hàu, vẹm và gần 335 rớ khai thác thủy sản. Qua rà soát, trên địa bàn thị xã có khoảng 4.000 hộ đủ điều kiện và gần 1.500 hộ không đủ điều kiện giao mặt nước để NTTS lồng, bè.

Lực lượng chức năng TX Sông Cầu kiểm tra và xử lý các bè nuôi hàu, vẹm tại vịnh Xuân Đài. Ảnh: ANH NGỌC

Lực lượng chức năng TX Sông Cầu kiểm tra và xử lý các bè nuôi hàu, vẹm tại vịnh Xuân Đài. Ảnh: ANH NGỌC

Tại vịnh Vũng Rô (TX Đông Hòa), hiện có khoảng 390 hộ, cơ sở NTTS với khoảng 16.850 lồng. Trong năm 2023, UBND TX Đông Hòa đã ngăn chặn, xử lý kịp thời 13 bè phát sinh kéo vào vịnh Vũng Rô để NTTS.

Còn tại huyện Tuy An, tính đến cuối năm 2023, tổng số lồng, bè NTTS trên địa bàn huyện là 14.750 lồng, trong đó nuôi tôm hùm khoảng 12.950 lồng. Qua 4 năm giải tỏa, sắp xếp lại vùng NTTS ở đầm Ô Loan, địa phương đã tháo dỡ hơn 6.160 hàng que đăng (mỗi hàng dài khoảng 100m), thu giữ hơn 5.000 lờ bóng Thái Lan.

Tại khu vực mặt nước Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Gành Đá Đĩa, địa phương đã tuyên truyền và triển khai biện pháp ngăn chặn nên việc NTTS trái phép tại khu vực này không còn xảy ra. Các địa phương tiếp tục giải tỏa hồ nuôi tôm xây dựng trái phép ở khu vực đầm Ô Loan và xây dựng kế hoạch sắp xếp, giao mặt nước NTTS khoảng 650ha sau khi có quy hoạch.

Còn nhiu vưng mc

Theo Sở NN&PTNT, so với năm 2019, hiện nay tại vịnh Vũng Rô, số lồng NTTS tăng 2,3 lần. Tại vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, số lồng NTTS hiện nay so với năm 2019 giảm 18.515 lồng, tuy nhiên phát sinh thêm 1.800 bè nuôi hàu, vẹm.

Các địa phương đã thống kê, đánh giá hiện trạng, số lượng lồng, bè NTTS trên các đầm, vịnh, tuy nhiên vẫn còn thiếu một số nội dung chưa thống kê vật liệu làm lồng, bè. TX Sông Cầu và huyện Tuy An chưa thực hiện việc phân theo các nhóm để có phương án, giải pháp xử lý.

Huyện Tuy An đang sắp xếp vùng nuôi thủy sản khu vực Hòn Yến. Ảnh: ANH NGỌC

Huyện Tuy An đang sắp xếp vùng nuôi thủy sản khu vực Hòn Yến. Ảnh: ANH NGỌC

Các quy hoạch về NTTS trước đây hết hiệu lực (từ ngày 1/1/2019 theo Luật Quy hoạch năm 2017), nhưng quy hoạch không gian biển quốc gia chưa ban hành, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được duyệt cuối năm 2023, do đó thiếu căn cứ pháp lý để tổ chức việc giải tỏa, sắp xếp lại lồng, bè NTTS tại các đầm, vịnh.

Theo Sở NN&PTNT, quy định về cưỡng chế đối với thủy sản nuôi theo Nghị định 166 của Chính phủ chưa được sửa đổi cho phù hợp với trường hợp cưỡng chế là lồng, bè, thủy sản nuôi, vì vậy các địa phương gặp vướng mắc, khó khăn trong công tác cưỡng chế, tháo dỡ, di dời các lồng bè vi phạm.

Các địa phương cũng thiếu nhân lực, phương tiện quản lý, kiểm tra, xử lý các hoạt động NTTS. UBND cấp huyện, cấp xã quản lý, giải tỏa, sắp xếp lồng, bè NTTS tại các đầm, vịnh trên địa bàn thiếu quyết liệt, số lượng lồng, bè vẫn tiếp tục gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh, sự cố môi trường, phức tạp về an ninh trật tự.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, địa phương đang sắp xếp vùng NTTS khu vực Hòn Yến, với diện tích khoảng 20ha, vùng nuôi dịch chuyển về phía đông nam Hòn Yến có độ sâu trên 6m, cách bờ khoảng 400m và cách khu vực bảo tồn rạn san hô tối thiểu 200m.

Tuy nhiên, có đơn vị chưa thống nhất, với lý do vị trí đề xuất nằm trong quy hoạch không gian biển quốc gia về lĩnh vực quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

“Huyện Tuy An kiến nghị UBND tỉnh có chỉ đạo thống nhất để địa phương thực hiện giải quyết các vướng mắc tại khu vực NTTS đầm Ô Loan và có ý kiến chỉ đạo về vị trí vùng NTTS khu vực Hòn Yến”, ông Nguyễn Thanh Phong kiến nghị.

Tại TX Đông Hòa, công tác giải tỏa lồng, bè NTTS ở Vũng Rô gặp nhiều khó khăn, các chủ bè chưa tự giác di dời mặc dù địa phương đã tổ chức ký cam kết, lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính. Nếu tổ chức cưỡng chế giải tỏa, khó khăn nhất hiện nay là việc xử lý tài sản tôm, cá sống.

Tại TX Sông Cầu, ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: TX Sông Cầu kiến nghị Sở NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành NTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời sớm tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT xác định vùng NTTS ở vịnh Xuân Đài để địa phương có cơ sở đề xuất cấp mã số cơ sở nuôi, thực hiện việc xuất khẩu tôm hùm chính ngạch.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đến nay cơ bản hoàn thành một số nội dung lập Đề án tổng thể phát triển ngành NTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Sở NN&PTNT đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung còn lại, dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý II/2024.

Tuy nhiên, một số khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết sớm đó là theo quy hoạch sử dụng đất hiện nay của các địa phương đến 2030 thì diện tích đất NTTS sẽ có biến động lớn. Cụ thể, TX Đông Hòa từ 954ha giảm xuống 382ha, TX Sông Cầu từ 558ha tăng lên 723ha, huyện Tuy An từ 369ha tăng lên 431ha.

Diện tích khu vực biển được quy hoạch NTTS đến nay có nhiều quy hoạch khác trùng lắp, nên việc lấy ý kiến thống nhất của các ngành, địa phương sẽ khó khăn và kéo dài; diện tích nuôi bị thu hẹp, không còn vùng nuôi mới phù hợp, sinh kế thay thế không có.

Việc thu hồi diện tích NTTS để chuyển sang mục đích khác khó có sự đồng thuận của người dân, phải cưỡng chế, tháo dỡ nhiều lồng, bè, ao đìa vô cùng phức tạp. Người dân cần vốn lớn để chuyển đổi sang các phương thức nuôi tiên tiến phù hợp tại vùng nuôi biển hở nhưng hiện tại chưa có mô hình trình diễn, hạ tầng phụ trợ chưa được đầu tư bài bản, thiếu chính sách.

“UBND tỉnh cần tổ chức cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương về vùng nuôi, diện tích nuôi, phương án giải tỏa, sắp xếp lại lồng bè, ao đìa NTTS, nhất là tại các đầm, vịnh. Các địa phương cần thực hiện dứt điểm các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của UBND tỉnh và khẩn trương triển khai phương án sắp xếp, giải tỏa lồng, bè. UBND tỉnh cần chỉ đạo làm rõ trách nhiệm quản lý thiếu chặt chẽ để gia tăng trái phép số hộ, số lồng, bè NTTS trên các đầm, vịnh”, ông Nguyễn Tri Phương nói.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/313952/giai-toa-dut-diem-sap-xep-long-be-nuoi-thuy-san.html