Giảm giờ làm dưới 48h/tuần: Tác động lớn đến KT-XH cần nghiên cứu khả thi

Liên quan đến đề xuất giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đây là một chính sách có tác động lớn đến KT-XH, vì vậy Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi.

Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần.

Đề xuất giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học, thực tiễn để đảm bảo tính khả thi (Ảnh minh họa)

Trước đó, đề xuất trên của Tổng LĐLĐ Việt Nam được tổng hợp từ các kiến nghị của người lao động cả nước dịp Đại hội Công đoàn lần thứ 13.

Công đoàn kiến nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, cùng các bộ, ngành sớm nghiên cứu giảm giờ làm của người lao động.

Từ đó, đảm bảo công bằng với khu vực hành chính nhà nước xuống còn 40 giờ. Mục tiêu để lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lực, chăm lo cho gia đình.

Đề xuất giảm giờ làm cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét giảm giờ làm việc bình thường cho lao động khu vực tư từ từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công.

"Đây là xu hướng của nhiều quốc gia", ông Nghĩa nói.

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề xuất giảm giờ làm đã được công đoàn góp ý khi xây dựng Luật Lao động năm 2019 và được khuyến khích doanh nghiệp giảm giờ làm cho người lao động.

Đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp cũng xây dựng hoạt động kinh doanh phù hợp và điểu chỉnh thời gian giảm giờ làm việc theo từng đơn vị.

"Thực tế, việc giảm giờ làm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động góp phần phục hồi sức khỏe, giành thời gian cho gia đình, con cái và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ. Qua đó, các hoạt động này góp phần đảm bảo an toàn lao động", bà Ngân cho hay.

Ở góc độ khác, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội bày tỏ, phải lấy người lao động là trung tâm để ban hành chính sách và luôn luôn phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động cũng như đảm bảo chất lượng cuộc sống được nâng lên.

Muốn vậy, theo bà An, người lao động phải có thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc gia đình, vui chơi giải trí, chứ không phải làm việc quá nhiều giờ trong một tuần.

“Nhưng cái chính là thu nhập phải đảm bảo cho người lao động đủ sống. Nếu không dù có giảm xuống 40 giờ/tuần thì họ cũng phải đi làm thêm thành 48 giờ để cải thiện thu nhập”, bà An nói và cho rằng không nên có sự quá chênh lệch giờ làm việc bình thường giữa khu vực công và khu vực tư.

"Hướng phấn đấu lâu dài là cần giảm xuống 40 giờ/tuần để đảm bảo công - tư như nhau. Và cần có lộ trình để giảm dần, nên trước mắt khoảng 42 - 44giờ/tuần", bà An nêu quan điểm.

Liên quan đến kiến nghị trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, giảm giờ làm việc bình thường xuống 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Vì vậy Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.

Được biết, thống kê của tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, khảo sát 154 nước chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần; 1/3 số nước áp dụng là 48 giờ giống Việt Nam và khoảng 2/3 các nước có 48 giờ trở xuống.

Mặt khác, ở Việt Nam, thời giờ làm thêm tương đối cao, quy định 200-300 giờ/năm. Như vậy, tổng thời gian làm việc thực tế của người lao động bằng thời gian làm việc tiêu chuẩn cộng giờ làm thêm là tương đối cao so với mặt bằng chung của các nước.

Luật lao động hiện hành quy định lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho lao động biết.

Nghị quyết 101 của Quốc hội khóa XIV nêu rõ: Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần, và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.

Thành Công

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/giam-gio-lam-duoi-48htuan-tac-dong-lon-den-kt-xh-can-nghien-cuu-kha-thi-20240502223939701.htm