Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo thống kê của ngành chức năng, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tại các địa phương trong tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, do đó thời gian tới, các ngành, địa phương cần tìm giải pháp hiệu quả hướng tới cân bằng giới tính trong tương lai.

Nhiều gia đình dân tộc Mông ở Sa Pa đã nhận thức rõ hơn trong việc không lựa chọn giới tính khi sinh.

Nhiều gia đình dân tộc Mông ở Sa Pa đã nhận thức rõ hơn trong việc không lựa chọn giới tính khi sinh.

Chỉ tính trong 10 tháng năm 2021, tại huyện Bát Xát, tỷ lệ sinh là 113 bé trai/100 bé gái, nhưng so với năm 2020, tỷ lệ này có chiều hướng giảm. Cụ thể, năm 2020, tỷ lệ sinh của toàn huyện là 196 bé trai/100 bé gái. Theo giải thích của cơ quan chuyên môn về công tác dân số thì sự chênh lệch này tùy thuộc vào từng năm, tuy nhiên con số trên chỉ có ý nghĩa trong công tác tuyên truyền chứ chưa đảm bảo lượng sinh trên 10 nghìn để tính phần trăm theo quy định. Mặc dù vậy, thời gian qua, các cấp, các ngành của huyện đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Ông Vũ Đình Đông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bát Xát cho biết: Trong 2 năm vừa qua, Huyện ủy, UBND huyện và các ban, ngành, đoàn thể rất quan tâm đến tuyên truyền về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh để nâng cao nhận thức cho Nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số xã chưa mạnh dạn trong công tác này như Pa Cheo, Sàng Ma Sáo… Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Bát Xát tiếp tục tham mưu, thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm thiểu tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn, phấn đấu giảm còn 112 bé trai/100 bé gái vào năm 2022.

Tại thị xã Sa Pa, theo thống kê của Trung tâm Y tế thị xã, năm 2016, tỷ lệ sinh 118 bé trai/100 bé gái, nhưng trong 10 tháng năm 2021, tỷ lệ sinh dần ổn định với 104 bé trai/100 bé gái.

Gia đình anh Thào A Sửng, phường Cầu Mây (thị xã Sa Pa) sinh thêm 1 bé trai vào đầu tháng 11/2021. Anh Sửng tâm sự: Vợ chồng sinh thêm cháu này là do nhỡ vì đã có 2 con, cháu trai lớn 6 tuổi, cháu gái 3 tuổi. Được cán bộ dân số tuyên truyền, vợ chồng anh không lựa chọn giới tính khi sinh.

Tại xã Hoàng Liên (thị xã Sa Pa), trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh mất cân bằng giới tính luôn ở mức thấp, năm 2018 xã có tỷ lệ sinh 45 bé trai/57 bé gái; 10 tháng năm 2021, xã có 60 bé trai/56 bé gái mới sinh.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh, cán bộ phụ trách dân số, Trạm Y tế xã Hoàng Liên cho biết: Một trong những giải pháp được xã thực hiện hiệu quả là nâng cao hiểu biết của người dân trong việc không lựa chọn giới tính khi sinh. Công tác tuyên truyền được lồng gắn với tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đảng ủy, UBND xã đã quy định các cán bộ, đảng viên, người có uy tín, trưởng thôn phải ký cam kết không để con em trong gia đình, họ hàng, tảo hôn hoặc lựa chọn giới tính khi sinh. Xã đang duy trì hiệu quả 2 câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và không lựa chọn giới tính khi sinh với gần 100 hộ tham gia; câu lạc bộ sinh hoạt hằng tháng, đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ trong thôn.

Ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Để tác động tới tỷ lệ giới tính khi sinh, Thị ủy, UBND thị xã đã chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể ở các địa phương tích cực vào cuộc trong công tác tuyên truyền. Thông qua các ban chỉ đạo về bình đẳng giới để tạo phong trào, hiệu ứng. Điểm đặc biệt, thị xã siết chặt quản lý việc chẩn đoán giới tính tại các phòng khám, các cơ sở khám - chữa bệnh đều phải ký cam kết không chẩn đoán giới tính. Thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền tại cơ sở, Sa Pa sẽ thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng.

Hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính đang tác động trực tiếp tới sự phát triển của toàn xã hội. Tỷ lệ nam cao hơn nữ sẽ dẫn đến nam giới khó kết hôn, kết hôn muộn, thậm chí là không thể kết hôn do không tìm được bạn đời… dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đối với gia đình, gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ; tăng nguy cơ các bệnh xã hội, gây bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội. Do vậy, việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đang được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Tỷ lệ giới tính khi sinh toàn tỉnh hiện là 116/100, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đưa tỷ lệ chênh lệch xuống mức 112 bé trai/100 bé gái. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự chung tay của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/350366-giam-thieu-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh