Giáng sinh, hay là niềm khắc khoải về sự bội tín trong tình yêu

Phải chăng Giáng sinh là dịp người ta ngồi lại tổng kết về những nỗi đau, về những khắc khoải. Để rồi khép lại nó, chờ đợi và dành thời gian cho những điều xứng đáng hơn.

Tại Vương quốc Anh, cách đây gần 40 năm (1984), hai tuần ngay trước Giáng sinh, trên những con đường, ở các góc phố của thủ đô London, bỗng vang lên những giai điệu hoàn toàn mới của một ca khúc “lạ” nhưng đầy cuốn hút. Đó là ca khúc Last Christmas (tạm dịch: Giáng sinh năm ngoái) của nhóm nhạc Wham, một tên tuổi mới mẻ thời bấy giờ.

George Michael đã khéo léo và tinh tế thu hút người xem bởi giọng hát đầy ngọt ngào ấm áp của mình, và chất giọng truyền cảm trên nền giai điệu giản đơn tưởng chừng không có gì nổi bật đó đã chạm đến sự rung cảm của trái tim mọi người nghe.

Thực ra, bản thân ca khúc Last Christmas chẳng mang ý nghĩa gì của việc mang lại niềm vui mùa Giáng sinh, mà nó đơn thuần chỉ là tập hợp của những sự mâu thuẫn: Có sự hạnh phúc của mùa lễ hội ấm cúng nhất trong năm, nhưng cũng có nỗi buồn dai dẳng và khắc khoải, đớn đau của một mối tình đơn phương.

Hình ảnh trong MV Last Christmas của Wham! sau khi được phục dựng ở định dạng 4K. Ảnh: Wham!/YouTube

Last Christmas là những giai điệu truyền tải câu chuyện về một chàng trai đã yêu cuồng si, hết mình vì tình yêu trong mùa Giáng sinh trước, nhưng người con gái anh yêu lại ngoảnh mặt ra đi, khiến chàng trai ấy cô đơn, tuyệt vọng trong mùa Giáng sinh lạnh giá. Thế nên, mùa Giáng sinh năm nay, để quên đi nỗi đau, chàng trai ấy sẽ tìm một ai khác xứng đáng hơn để trao gửi tình yêu nồng ấm và chân thật của mình.

“… Last Christmas, I gave you my heart

But the very next day, you gave it away

This year, to save me from tears

I’ll give it to someone special…”

(Tạm dịch: “… Mùa Giáng sinh trước, anh đã trao em cả trái tim/ Nhưng chỉ vài ngày sau đó, em đã vứt bỏ tất cả/ Năm nay, để nguôi đi những giọt nước mắt/ Anh sẽ trao con tim mình cho một người đặc biệt…”)

Với giọng hát đầy cảm xúc của George Michael khiến cho Last Christmas mang một vẻ tuyệt vọng, đau đớn nhưng đẹp đến nao lòng.

Còn ở Đức, mấy trăm năm qua, Oh Tannenbaum là một ca khúc không thể thiếu khi mỗi Giáng sinh về. Nôm na, nếu nghĩ đến Tết Việt là nghĩ đến Thịt Mỡ, Dưa Hành, Câu Đối Đỏ, thì nghĩ đến Giáng sinh ở Đức là phải có hương vị của Oh Tannenbaum (đọc là "Ô, tan-nền-bau-ầm). Dù rằng, khởi thủy bài đồng dao này chẳng liên quan gì đến Giáng sinh. Bài hát này nổi tiếng đến mức dịch sang nhiều thứ tiếng. Ảnh hưởng đến mức mà ban nhạc Boney M đã tạo nên Chrismas Tree bằng tiếng Anh.

Bạn tôi, một kỹ sư về công nghệ bảo mật ở Đức, từng tha thiết yêu và thủy chung với người bạn gái trong suốt gần nửa thập kỷ. Vào một mùa Giáng sinh nọ, anh ấy đã nhận ra những điều bất thường và sự phản bội của người tình, anh ấy đã nhẹ nhàng ngồi lại với người tình, kể về lịch sử của O Tannenbaum cho cô gái của mình nghe, và vờ như chưa biết chuyện gì xảy ra. Anh đã rủ cô cùng nhau hát bài đồng giao này.

Anh nhẹ nhàng quan sát phản ứng của cô gái. Từ bao giờ, anh nhìn sâu thẳm vào ánh mắt của kẻ phản bội một cách điềm tĩnh, để nhìn những phản ứng vụng về. Quan sát sự phản bội trong yên lặng, quan sát lòng người, anh nhận ra cô gái thật đáng thương, đáng thương như người đàn bà trong O Tannenbaum. Rồi anh tha thứ, và anh ra đi, vĩnh viễn bước ra khỏi một cuộc tình đầy tính toán, dối trá và bạc bẽo đến lạnh người.

Bài hát có nguồn gốc xuất xứ từ một khúc đồng dao Đức. Lời bài hát hiện đại được viết vào năm 1824 bởi nghệ sĩ chơi đàn organ, giáo viên và nhà soạn nhạc Ernst Anschütz, sống ở mạn Leipzig. Nội dung bài đồng dao chỉ là những ca từ đơn giản, ẩn dụ, thể hiện việc: Một người chồng hát ngợi ca về cây thông, trong sự đau đớn khắc khoải của cảm giác bị người đàn bà bội tín bỏ đi.

O Tannenbaum, o Tannenbaum,

Wie treu sind deine Blätter!

Du grünst nicht nur zur Sommerzeit,

Nein, auch im Winter, wenn es schneit.

O Tannenbaum, o Tannenbaum,

Wie treu sind deine Blätter!

O Tannenbaum, o Tannenbaum,

Du kannst mir sehr gefallen!

Wie oft hat nicht zur Weihnachtszeit

Ein Baum von dir mich hoch erfreut!

O Tannenbaum, o Tannenbaum,

Du kannst mir sehr gefallen!

(Tạm dịch:

Ôi cây thông Noel/Ôi cây thông Noel/ Cành của bạn xanh làm chúng tôi vui mừng! / Chúng xanh tươi khi ngày hè tươi sáng/ Chúng có màu xanh khi tuyết mùa đông có màu trắng/ Ôi cây thông Noel, Ôi cây thông Noel/ Những chiếc lá (xanh) của bạn mới chung thủy làm sao!

Ôi cây thông Noel/ Ôi cây thông Noel/ Có mùa Noel nào mà bạn lại không xuất hiện đâu/ Bạn mang lại cho tôi nhiều niềm vui hân hoan!/ Ôi cây thông Noel/ Ôi cây thông Noel, Bạn mang lại cho tôi nhiều niềm vui!)

Ca từ cực kỳ đơn giản, nhẹ nhàng, với hình ảnh ẩn dụ là chiếc lá màu xanh của cái cây vẫn vậy, dù có bão giông, tuyết trắng, hay ngày nắng bình yên. Cái (lá) cây thủy chung, son sắt, đối lập với sự bội tín của người thiếu nữ. Cũng có thể hiểu, O Tannenbaum là một bản nhạc ngợi ca về sự thủy chung.

Ấy vậy mà, bằng một lý do nào đó, ca khúc này đã trở thành linh hồn của Giáng sinh của người Đức. Từ trẻ con đến người già đều thuộc nằm lòng.

Tôi chợt nghĩ, phải chăng, Giáng sinh là dịp người ta ngồi lại tổng kết về những nỗi đau, về những khắc khoải. Để rồi khép lại nó, chờ đợi và dành thời gian cho những điều xứng đáng hơn.

Dưới đây là link hai bài hát ở trên về Giáng sinh. Tất nhiên, Last Chrismas là tiếng Anh, và O Tannenbaum là bằng tiếng Đức. Hãy nghe giai điệu của những bản nhạc này, để thấy buồn, nhưng mở ra những cảm giác tích cực, kiểu như: "Họa ơi, chào Mi" hay "Họa đi, Phúc đến"...

Ca khúc Last Christmas.

Bài hát O Tannenbaum.

Cầu cho mọi người trên khắp thế giới an lành, nhân mùa Giáng sinh!

Ngọc Sơn

(Từ Berlin, mùa Giáng sinh 2023)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/giang-sinh-hay-la-niem-khac-khoai-ve-su-boi-tin-trong-tinh-yeu-42158.html