Giành nhau miếng bánh thương mại điện tử

Shopee, TikTok Shop gần như thống lĩnh thị trường thương mại điện tử; các sàn còn lại lặng lẽ theo sau và chấp nhận an phận

Theo báo cáo quý I/2024 của YouNet ECI (công ty chuyên về phân tích dữ liệu thị trường thương mại điện tử - TMĐT) công bố mới đây, doanh thu thị trường TMĐT của 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop đạt 79.120 tỉ đồng, đến từ 510.000 nhà bán hàng online. Dẫn đầu thị trường trong nhiều năm vẫn là Shopee, chiếm đến 67,9% giá trị giao dịch; xếp sau là TikTok Shop với 23,2%. Trong khi đó, Lazada đứng thứ ba chỉ có 7,6% và Tiki đứng cuối với 1,3%.

Những "ông lớn" đổi ngôi

Nhìn trở lại từ năm 2018 trở về trước, Lazada liên tục là quán quân trên thị trường TMĐT tại Việt Nam. Giai đoạn đỉnh điểm (quý I/2018), mỗi tháng Lazada có hơn 42 triệu lượt truy cập, bỏ xa Shopee (gần 25 triệu lượt) và Tiki (gần 20 triệu lượt). Giai đoạn đó, Lazada thắng lớn nhờ liên tục tung ra các chiến dịch khuyến mãi siêu khủng như: Sinh nhật Lazada, Black Friday, Sale 11.11… đồng thời cũng là sàn TMĐT đầu tiên trên thị trường Việt sở hữu đơn vị vận chuyển riêng - Lazada Express.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, gió chính thức đảo chiều, sàn Shopee vượt mặt Lazada vươn lên vị trí dẫn đầu khi có đến 41 triệu lượt truy cập mỗi tháng trong quý cuối năm. Đứng thứ 2 là Tiki với 35,6 triệu lượt truy cập, cách xa Lazada khi chỉ có 29 triệu lượt truy cập.

Việc Lazada bị mất "ngôi vương" thời điểm đó được lý giải là do những chính sách không có lợi cho người mua như không cho phép đồng kiểm, các vụ giao hàng nhầm, hàng lỗi liên tục xảy ra. Đặc biệt là sự hụt hơi của Lazada trong cuộc đua ưu đãi, khuyến mãi để thu hút người dùng.

Liên tục từ đó đến nay, Shopee liên tiếp giữ vững vị trí sàn TMĐT có lượng truy cập và giá trị giao dịch lớn nhất. Lazada có một thời gian vươn lên vị trí thứ hai nhưng từ quý II/2023 đã nhường thứ hạng này lại cho TikTok Shop, một "tân binh" tham gia thị trường này chưa tới 1 năm.

Cụ thể, Shopee đứng nhất với thị phần 63%; TikTok Shop nhảy vọt lên 20%, Lazada xếp thứ 3 với 3%, Tiki đứng chót bảng 1%. Trong khi sàn Sendo với thị phần quá ít không được đưa vào bảng xếp hạng này.

Các sàn thương mại điện tử vẫn cạnh tranh quyết liệt với nhau bằng nhiều chính sách “o bế” người dùng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bà Nguyễn Thu Sang, chủ gian hàng bánh kẹo trên các sàn TMĐT, cho biết nguyên nhân khiến thị phần của Lazada và Tiki sụt giảm có thể là do 2 sàn này không còn mạnh tay chi tiền cho các chương trình ưu đãi, hỗ trợ shop và người dùng nhiều như cách Shopee và TikTok Shop đang làm, như miễn phí vận chuyển (freeship), mã giảm giá tới hàng triệu đồng.

"Người kinh doanh được lợi khi bán hàng trên Shopee nên họ chấp nhận mức chiết khấu cao mà sàn đưa ra để có nơi buôn bán ổn định. Shopee còn tạo đa kênh mua sắm Shopee Live, Shopee Food… để gia tăng trải nghiệm cho người dùng. Trong khi đó, TikTok Shop sở hữu sẵn chục triệu người dùng TikTok nên thị phần tăng mạnh là điều dễ hiểu" - bà Sang nói.

Theo ông Nguyễn Tùng Giang, nhà sáng lập G Investment Group - đơn vị bán hàng lâu năm trên sàn TMĐT, thành công của Shopee đến từ việc duy trì nhiều chương trình siêu sale, tung mã giảm giá, hỗ trợ chiết khấu đối với các nhãn hàng, tổ chức những phiên livestream với sự tham gia những người nổi tiếng như Xoài Non, chiến thần Hà Linh... Điều đó giúp Shopee giữ vững được thị phần trong nhiều năm.

Trong khi đó, TikTok Shop ngày càng gia tăng thị phần là do người dùng TikTok mua hàng theo cảm xúc trong quá trình xem các đoạn video bán hàng xu hướng dù giá cả có thể không rẻ hơn so với Shopee. Đó chính là yếu tố khiến thị phần vượt trội so với Lazada và Tiki.

"TMĐT là ngành phải quảng cáo, khuyến mãi càng nhiều càng tốt để thu hút người dùng nhưng hiện nay theo tôi biết nguồn vốn của các sàn tốp dưới gần như đã cạn kiệt hoặc đã thay đổi chiến lược khác.

Như Alibaba, tập đoàn đứng sau Lazada, cuối năm 2023 đã có định hướng mới, không để Lazada tiếp tục "sát ván" về giá với Shopee và TikTok Shop mà tấn công vào thị trường ngách bằng việc tập trung vào mảng Lazada Choice (hàng giá rẻ), Lazada Global (hàng quốc tế). Sàn đứng ra kết nối trực tiếp đến các nhãn hàng, sau đó shop tự phân phối và đưa ra mức chiết khấu, có đội vận hành riêng để hỗ trợ bán hàng..." - ông Giang nói.

Người bán than khó

Theo các chuyên gia, hiện nay Shopee, TikTok Shop gần như thống lĩnh thị trường TMĐT ở Việt Nam, khi chiếm hơn 91% thị phần, các sàn còn lại như Lazada, Tiki, Sendo… chỉ còn lặng lẽ theo sau và chấp nhận để 2 ông lớn tự do giành giật thị phần.

Để cạnh tranh với TikTok Shop, giữa tháng 3 vừa qua, sàn Shopee đã cập nhật chính sách mới cho phép người mua được yêu cầu trả hàng/hoàn tiền lên đến 15 ngày kể từ thời điểm bưu kiện giao thành công.

Theo đó, người mua được trả hàng/hoàn tiền với nhiều lý do như hàng bị lỗi, hàng giả, hàng nhái, hàng khác với mô tả, hàng đã qua sử dụng, hàng hết hạn sử dụng... Đáng chú ý, Shopee còn cho phép người mua trả hàng với lý do "thay đổi nhu cầu sau khi nhận hàng".

Theo các nhà bán hàng, chính sách này cơ bản là tốt, vì giúp nâng cao trách nhiệm của người bán và tăng trải nghiệm của người mua nhưng ngược lại cũng dễ phát sinh tiêu cực khi người mua hoặc đối tượng xấu lợi dụng chính sách này để trục lợi. Ông Đoàn Nguyễn, chủ gian hàng công nghệ trên Shopee, cho biết kể từ khi sàn áp dụng chính sách trả hàng/hoàn tiền trong vòng 15 ngày, lượng khách trả hàng ngày càng nhiều.

"Có khách đã nhận hàng và sử dụng sản phẩm nhưng vẫn trả với lý do hàng bị lỗi. Hoặc có người đặt mua ống kính máy ảnh giá gần 3 triệu đồng, nhận vào ngày 4-4, đến ngày 16-4 hoàn trả hàng với lý do hàng lỗi. Sau khi hoàn, shop phải chịu phí vận chuyển 2 đầu và mất thời gian khiếu nại với sàn. Sau chính sách này, lượng người mua hoàn hàng của tôi tăng đáng kể, từ 1-2 đơn/tháng lên đến hơn 10 đơn/tháng" - ông Đoàn Nguyễn nói.

Tương tự, bà Thu Quỳnh, chủ gian hàng mẹ và bé, than thở về việc khách đặt đơn hàng quần áo gần 500.000 đồng nhưng sau đó khách hoàn hàng cho shop với gói khăn giấy ướt và miếng vải rách nát. "Lúc hoàn hàng, Shopee không kiểm tra nên khi về đến shop, hàng giao một đằng nhưng hàng nhận một nẻo. Những đơn như vậy tôi đều khiếu nại thành công nhưng mất nhiều thời gian" - bà Quỳnh cho biết.

Sau khi Shopee đưa ra chính sách mới, TikTok Shop cũng tung ra tính năng Chẩn đoán giá nhằm giúp sản phẩm của nhà bán hàng có sức cạnh tranh hoặc giá tốt nhất trên thị trường so với những sản phẩm tương tự trên mạng và nhận thêm nhiều lợi ích về lượng truy cập.

Tuy nhiên, nếu không thể đưa ra giá thấp như được đề xuất, nhà bán hàng sẽ không nhận được lợi ích bổ sung từ TikTok Shop. Điều này khiến một số nhà bán hàng bị đẩy vào thế khó khi giá sản phẩm trên mỗi nền tảng đều có sự khác nhau, chính sách của các sàn cũng khác, rất khó để đưa ra mức giá thấp nhất.

Tiki vẫn đủ nguồn lực?

Liên quan đến chính sách cạnh tranh và giành giật thị phần TMĐT, đại diện sàn Sendo và Lazada từ chối tiết lộ thông tin. Trong khi đó, Tiki cho biết sàn vẫn luôn đồng hành với các thương hiệu và nhà bán uy tín của sàn, luôn tham gia rầm rộ trong những ngày sale, đem lại những sản phẩm chất lượng cao, cam kết hàng thật 100%, với giá sốc bất ngờ cho khách hàng, cho nên những thông tin nói Tiki không đủ nguồn lực tài chính nên không tham gia "cuộc chiến về giá" là không đúng sự thật.

"Khi khách hàng so giá của sản phẩm chính hãng với các sàn khác, Tiki cam kết giá trên sàn sẽ luôn luôn cạnh tranh trong những ngày sale và những ngày không sale" - đại diện sàn này khẳng định.

(Còn tiếp)

Lê Tỉnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gianh-nhau-mieng-banh-thuong-mai-dien-tu-196240507210430959.htm