Giành 'vé' trúng tuyển đại học sớm

Nhiều học sinh ở Hải Dương tham gia xét tuyển đại học bằng các phương thức như dùng điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chứng chỉ ngoại ngữ để tăng cơ hội trúng tuyển đại học.

Các em: Vũ Đăng Nguyễn (trái), Vũ Thị Diệu Linh (giữa), Vũ Thế Hưng, lớp 12 Trường THPT Thanh Miện II đều đạt kết quả cao trong thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

Các em: Vũ Đăng Nguyễn (trái), Vũ Thị Diệu Linh (giữa), Vũ Thế Hưng, lớp 12 Trường THPT Thanh Miện II đều đạt kết quả cao trong thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

Yên tâm

Nhiều trường đại học đã thông báo điểm sàn, mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (từ 50-100/150 điểm); xét điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội từ 50-60/100 điểm; ngưỡng bảo đảm đầu vào xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0, 5.5 - 6.5 trở lên.

Tại Hải Dương, không ít học sinh đã tham gia 2 kỳ thi trên để có cơ hội “chắc suất” vào các trường đại học yêu thích mà không phải chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, Trường THPT Thanh Miện II có khoảng 80 học sinh thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và 40 em thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP Hải Dương) có 135 em, THPT Tứ Kỳ có 190 em tham gia 2 kỳ thi này. Nhiều học sinh Trường THPT Tứ Kỳ đã đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội như em Nguyễn Quỳnh Lan 117 điểm, Bùi Thị Yến Nhi 114 điểm, Nguyễn Thị Yến Nhi 112 điểm…

Với việc đạt 117/150 điểm trong kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 3 vừa qua, em Vũ Thị Diệu Linh, lớp 12 Trường THPT Thanh Miện II có thể tham gia xét tuyển sớm vào nhiều trường đại học như: Kinh tế quốc dân (điểm sàn xét tuyển từ 85 điểm); Học viện Tài chính (từ 90 điểm); Ngoại thương (từ 100 điểm)…

Đạt 65 điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, Quang Thành Nam, học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ có cơ hội cao trúng tuyển vào 2 ngành điện tử viễn thông và kỹ thuật ô tô của trường. Nam sẽ thi lần 2 với hy vọng điểm cao hơn để xét tuyển vào Khoa Tự động hóa.

Nhiều em cũng sớm học ngoại ngữ để lấy chứng chỉ IELTS với mục đích xét tuyển đại học. Em Đào Phương Ngọc, lớp 12 Trường THPT Tứ Kỳ đã có chứng chỉ IELTS 8.0. Ngọc cho biết kết quả IELTS 8.0 cùng điểm học bạ 9,5, em có thể “chắc suất” trúng tuyển vào các trường tốp đầu như: Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao…

Những học sinh trên cho biết đều đã sớm lên kế hoạch và chọn kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và chứng chỉ ngoại ngữ để có thêm cơ hội xét tuyển sớm vào các trường đại học. Để có kết quả trên là cả quá trình nỗ lực ôn luyện. Đến nay, tâm lý các em khá thoải mái và áp lực thi cử đã giảm nhiều.

Các em: Nguyễn Việt Anh (trái) đạt 93 điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Quang Thành Nam (cùng lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ) đạt 65 điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội

Các em: Nguyễn Việt Anh (trái) đạt 93 điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Quang Thành Nam (cùng lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ) đạt 65 điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội

Tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Dù đã biết kết quả của các kỳ thi riêng có thể “chắc suất” vào trường đại học nhưng nhiều em cho biết không chủ quan mà vẫn tập trung cao để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới với kết quả tốt nhất.

Thầy Hứa Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện II cho biết nắm bắt xu hướng những năm gần đây học sinh của trường thi đánh giá năng lực và tư duy có chiều hướng tăng, trường đã chỉ đạo các giáo viên quan tâm hỗ trợ các em. “Để bảo đảm chất lượng thi tốt nghiệp THPT, hằng năm trường đều sớm thống kê số lượng học sinh thi các kỳ thi riêng, đồng thời gặp gỡ, trao đổi riêng để các em tiếp tục tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT”, thầy Nam nói.

Năm 2023, Hải Dương có 3.154 thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2024 là năm đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội đặt điểm thi đánh giá năng lực tại Trường Đại học Sao Đỏ (Chí Linh) gồm 4 đợt, với 4.800 lượt học sinh thi. Việc này giúp các thí sinh Hải Dương không phải ra tỉnh ngoài dự thi.

Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thí sinh lựa chọn kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy tăng là xu hướng tất yếu. Sở cũng đã hướng dẫn các trường về các kỳ thi riêng; phối hợp tổ chức và chỉ đạo các trường tổ chức các chương trình tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp để học sinh nắm bắt thông tin về các kỳ thi. Tuy nhiên, sở cũng đã quán triệt và lưu ý các trường THPT phải tập trung củng cố, ôn thi tốt nghiệp THPT với tinh thần và kết quả cao nhất để tăng cơ hội trúng tuyển cho các em.

Ông Hưng nhấn mạnh việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học như kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hay chứng chỉ ngoại ngữ và học bạ THPT, các em cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, tránh bỏ lỡ. Khi các em được thông báo đã trúng tuyển xét tuyển sớm thì vẫn chưa phải là trúng tuyển đại học. Bởi các em chưa dự thi tốt nghiệp THPT, chưa tốt nghiệp THPT, do đó chưa trúng tuyển chính thức…

THẾ ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/gianh-ve-trung-tuyen-dai-hoc-som-379564.html