Giao dịch bất động sản rục rịch tăng

Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản Thái Nguyên sẽ 'ấm hơn', nhưng mức độ không quá cao.

Nhiều vị trí bất động sản khá đẹp được rao bán, nhưng tình trạng "tranh mua" không còn diễn ra như hồi cuối năm 2021, đầu năm 2022. (ảnh minh họa)

Nhiều vị trí bất động sản khá đẹp được rao bán, nhưng tình trạng "tranh mua" không còn diễn ra như hồi cuối năm 2021, đầu năm 2022. (ảnh minh họa)

Hơn 7 năm làm nghề môi giới BĐS, anh Nguyễn Đức Tuấn, phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên), chưa bao giờ thấy thị trường nhà đất lại ảm đạm như năm 2023. Anh Tuấn chia sẻ: Tôi vào nghề năm 2017, khi đó thị trường không quá sôi động, nhưng nhìn chung ai đầu tư vào đất cũng có lợi nhuận ít nhất cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với gửi tiền vào ngân hàng cùng thời điểm. Từ cuối năm 2021 đến hết quý II/2022, thị trường BĐS bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng. Có những tháng, tôi thực hiện cả chục giao dịch. Tuy nhiên, từ quý III/2022, thị trường BĐS gần như đóng băng. Suốt hơn 1 năm trở lại đây, tôi chỉ thực hiện thành công 10 giao dịch. Rất may, khoảng 3 tháng qua, thị trường bắt đầu ấm trở lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có khoảng 50% giao dịch BĐS là của các nhà đầu tư "mua chỗ này, bán chỗ kia". Số còn lại là của những người có nhu cầu thật.

Giải thích về nguyên nhân khiến thị trường BĐS bắt đầu ấm hơn, anh Nguyễn Quyền, nhân viên của một văn phòng nhà đất tại phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), cho rằng: Lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng hiện giảm nhiều so với hồi đầu năm. Do đó, nhiều người thay vì gửi ngân hàng sẽ đầu tư vào đất, do giá đất thời điểm này đang ở mức “chấp nhận được”. Một số khác trước đây đầu tư vào thị trường chứng khoán, nhưng khi thị trường liên tục lao dốc và tình hình kinh tế toàn cầu hiện vẫn khó lường, nên khách hàng bắt đầu quay lại với BĐS.

Chị Mai Thanh Hà, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Tôi chấp nhận bán lỗ gần 1,5 tỷ đồng với 3 lô đất, trong đó có 2 lô tại Khu đô thị Thăng Long và 1 lô ở Khu dân cư số 8, đều ở phường Túc Duyên. Cả 3 lô này tôi đều mua ở thời điểm "đất sốt". Cách đây 2 tháng, do đến ngày phải trả nợ ngân hàng nên tôi buộc phải bán. Tôi còn một vài lô đất khác nhưng đang đắn đo, vì hy vọng giá sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.

Tương tự, hồi cuối tháng 9 vừa qua, anh Trần Ngọc Mạnh, phường Ba Hàng (TP. Phổ Yên), cũng phải bán đi 2 lô đất liền kề mặt tiền đường Việt Bắc (TP. Thái Nguyên) và chấp nhận lỗ gần 200 triệu đồng/lô.

Đối với những lô đất thuộc các dự án khu dân cư, khu đô thị, mức giá giảm sâu hơn so với các vị trí đất có khả năng sinh dòng tiền (có thể cho thuê để kinh doanh), như dọc các tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến, Bắc Sơn (TP. Thái Nguyên)… Tuy vậy, tùy vị trí, diện tích mà mảnh đất được định giá cao, thấp khác nhau.

Số liệu thống kê của Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 14.471 hồ sơ đăng ký biến động chuyển quyền sử dụng đất (trung bình 2.411 hồ sơ/tháng). Sang đến quý III, số hồ sơ đăng ký biến động đã tăng lên trung bình 2.874 hồ sơ/tháng (tăng gần 20%). 2 địa phương có số giao dịch nhiều nhất là TP. Thái Nguyên và TP. Phổ Yên, chiếm trên 50% tổng hồ sơ.

Theo các nhà phân tích, từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS được dự báo sẽ tiếp tục đà khởi sắc, do giá bán hiện nay được cho là có thể đã "chạm đáy", lãi suất ngân hàng tiếp tục có xu thế giảm, người dân có điều kiện tiếp cận vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn. Cùng với đó là một số chính sách liên quan đến nguồn vốn, cơ sở pháp lý đã và sẽ được thông qua…

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia và giới kinh doanh BĐS, người dân vẫn cần cân nhắc việc đầu tư vào BĐS ở thời điểm này, nhất là với những ai có tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh, tránh việc đầu tư rồi lại phải bán cắt lỗ.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202310/giao-dich-bat-dong-san-ruc-rich-tang-83b26b9/