Giao dịch chứng khoán sáng 22/3: Dòng bank nỗ lực 'giữ' thị trường
Sau hơn 1 giờ giao dịch đầy hứng khởi, áp lực bán đã bất ngờ gia tăng khiến sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử, tuy nhiên dòng bank vẫn đang đóng vai trò điểm tựa chính giúp VN-Index duy trì đà tăng nhẹ.
Thị trường đang dần quen với những phiên thanh khoản tỷ USD và trong phiên 21/3, cùng dòng tiền tham gia mạnh mẽ và sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index tiếp tục có phiên khởi sắc, xác lập đỉnh ngắn hạn trên mốc 1.270 điểm.
Xét về kỹ thuật, đường DI+ hướng lên quanh mốc 30, chỉ báo MACD mới tạo một đỉnh và chưa cho dấu hiệu tạo đỉnh thứ hai, cùng dòng tiền đang cho diễn biến tích cực cho thấy thị trường đang khá hưng phấn và sẽ sớm vượt khu vực kháng cự quanh 1.270-1.280 điểm.
Tuy nhiên, việc chỉ số sớm đối diện với cản mạnh 1.300 điểm khiến thị trường khó tránh khỏi những pha rung lắc. Trong đó, KBSV đã đưa ra cảnh báo rủi ro nếu chỉ số tăng vượt đỉnh, những khối lượng giao dịch của thị trường lại không tăng tương ứng hoặc xuất hiện thêm những phiên bulltrap, phân phối mạnh.
Quay lại diễn biến phiên giao dịch sáng 22/3, thị trường vẫn giữ trạng thái hưng phấn ngay từ đầu phiên khi dòng tiền sôi động lan tỏa tất cả các nhóm ngành, đặc biệt là sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, đã giúp VN-Index vọt lên mốc 1.290 điểm.
Tuy nhiên, sau hơn 30 phút giao dịch, áp lực bán chốt lời để bảo vệ thành quả gia tăng, đặc biệt khi đây là phiên giao dịch thứ Sáu, đã khiến nhiều mã hạ độ cao và VN-Index thu hẹp biên độ.
Thị trường dần chuyển qua trạng thái xanh vỏ đỏ lòng sau khoảng 90 phút mở cửa. Chỉ số VN-Index chỉ còn tăng khoảng 4 điểm và đang đứng ở vùng giá 1.280 điểm với thanh khoản tăng mạnh lên tới gần 18.000 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đóng vai trò gánh vác thị trường khi phần lớn các mã duy trì sắc xanh, đặc biệt là cổ phiếu BID có đóng góp lớn nhất tới hơn 3,8 điểm cho chỉ số chung khi tạm tăng gần 5,1% lên mức 55.700 đồng/CP, bên cạnh CTG tăng 2,58% lên 35.800 đồng/CP.
Thị trường nới nhẹ biên độ trong hơn 30 phút cuối phiên nhờ lực cầu tham gia khá mạnh mẽ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 228 mã tăng và 211 mã giảm, VN-Index tăng 8,28 điểm (+0,65%), lên 1.284,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 861 triệu đơn vị, giá trị 21.697 tỷ đồng, tăng 46,48% về khối lượng và 52,69% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 171,33 triệu đơn vị, giá trị 4.818 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là động lực chính, trong đó 4 mã gồm BID, VCB, CTG và MBB đã đóng góp tới 7 điểm cho chỉ số chung. Chốt phiên, BID vẫn là mã tăng tốt nhất của ngành, đạt 4,34% lên mức 55.300 đồng/CP; CTG tăng 2,58% lên 35.800 đồng/CP, MBB tăng 2,64%, VCB tăng 1,26%, các mã STB, MSB, EIB cũng có mức tăng hơn 1%... Thanh khoản tốt nhất thuộc về MBB khi đứng ở vị trí thứ 2 toàn thị trường, đạt 28,46 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán hạ độ cao nhưng vẫn thuộc top tăng tốt trên thị trường, trong đó VND, VIX và SSI đều tăng nhẹ trên dưới 1% với thanh khoản cùng thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường, đạt trên dưới 20 triệu đơn vị. Cổ phiếu tăng mạnh nhất là BSI khi có thời điểm chạm trần và chốt phiên sáng tăng 5,4% lên 62.200 đồng/CP, tiếp theo là CTS tăng 2,9%...
Ở chiều ngược lại, các nhóm cổ phiếu giảm trong biên độ hẹp, chủ yếu chưa tới 1%, ngoại trừ duy nhất nhóm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ giảm 1,39%.
Một số cổ phiếu đáng chú ý trên thị trường, cặp đôi trở lại sau 6 tháng bị đình chỉ giao dịch là HPX và AGM vẫn giữ sức nóng khi chốt phiên tăng kịch trần và cùng khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị, trong đó HPX tiếp tục trong trạng thái dư mua trần chất đống, tới hơn 19 triệu đơn vị. Đây cũng là 2 mã duy nhất trên sàn HOSE giữ được sắc tím khi chốt phiên.
Ngoài ra, một mã nóng khác là GEX có thời điểm tăng kịch trần và chốt phiên vẫn ấn tượng với mức tăng 6%, đứng tại 24.850 đồng/CP, thanh khoản đột biến với hơn 58,6 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên sàn HNX, đà tăng cũng thu hẹp về cuối phiên đã đẩy HNX-Index về sát mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 75 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 0,68 điểm (+0,28%), lên 241,82 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 68,13 triệu đơn vị, giá trị 1.424,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị đạt 11,57 tỷ đồng.
Cặp đôi CEO và SHS là tâm điểm của thị trường. Trong đó, CEO chốt phiên tăng 1,7% và khớp lệnh 15,87 triệu đơn vị, còn SHS tăng 1% lên 20.100 đồng/CP và khớp 15,46 triệu đơn vị.
Ngoài SHS, các cổ phiếu chứng khoán khác cũng giữ được sắc xanh như MBS tăng 0,7%, BVS và EVS cùng tăng 1,2%...
Trên UPCoM, thị trường rung lắc và cuối phiên và may mắn vẫn giữ được sắc xanh.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,11%) lên 90,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 34,8 triệu đơn vị, giá trị 312,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,3 triệu đơn vị, giá trị 40,25 tỷ đồng.