Gìn giữ, bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Quần đảo Cát Bà
Tại Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024 vừa qua, Tp.Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cùng nhau đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Nhân dịp này, Người Đưa Tin (NĐT) có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng về hành trình đưa Quần đảo Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long trở thành Di sản thiên nhiên thế giới và những nỗ lực để gìn giữ, bảo vệ di sản này.
NĐT: Chúc mừng huyện Cát Hải khi Quần đảo Cát Bà chính thức trở thành Di sản thiên nhiên thế giới cùng với Vịnh Hạ Long. Ông có thể chia sẻ quá trình Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Tối 16/9/2024, tại Kỳ họp lần thứ 45 tại Thủ đô Riyadh, nước Cộng hòa Ả-rập Xê-út, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, chính thức công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và Tp.Hải Phòng là Di sản thiên nhiên thế giới.
Tối 11/3, tại chương trình nghệ thuật Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng - 2024 “Bừng sáng miền di sản”, đại diện Tp.Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã cùng nhau đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới do UNESCO trao tặng. Đây là di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Đây là “quả ngọt” của hành trình hơn 10 năm bền bỉ với nhiều nỗ lực, quyết tâm của Tp.Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và chính quyền cơ sở (huyện Cát Hải - PV), cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương. Việc Quần đảo Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long trở thành Di sản thiên nhiên thế giới là món quà xứng đáng, là dấu mốc cho một bước khởi đầu mở ra giai đoạn mới trong mối quan hệ hữu cơ với Vịnh Hạ Long.
Từ năm 2012, Tp.Hải Phòng phối hợp tỉnh Quảng Ninh cùng với các nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế đã thực hiện xây dựng hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà theo 4 tiêu chí 7, 8, 9, 10 (thẩm mỹ, địa mạo địa chất, đa dạng hệ sinh thái và đa dạng giống loài) bám sát theo quy trình tại Hướng dẫn thực hiện Công ước di sản 1972 của UNESCO.
Trước khi trở thành Di sản thiên nhiên thế giới cùng với Vịnh Hạ Long, với những giá trị nổi bật, riêng biệt và quý giá, Quần đảo Cát Bà nhiều lần đón nhận các danh hiệu quốc gia và quốc tế.
NĐT: Ông có thể nói rõ hơn về các danh hiệu quốc gia và quốc tế Quần đảo Cát Bà đón nhận trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Đầu tiên có thể kể đến sự kiện thành lập Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà ngày 31/3/1986 theo Quyết định số 79/CP của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Đây là VQG đầu tiên trong cả nước có đủ cả hệ sinh thái rừng và biển.
Tiếp đó, ngày 2/12/2004, UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà bao gồm tập hợp các hệ sinh thái đại diện cho những khu vực địa sinh học lớn có tầm quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Danh lam thắng cảnh Quần đảo Cát Bà là Di tích quốc gia đặc biệt. Sau đó 7 năm, năm 2020, Hội đồng Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW) chính thức công nhận Vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà là một trong các vịnh đẹp nhất thế giới và trở thành thành viên thứ 46 của Hiệp hội.
Nhắc tới Quần đảo Cát Bà, không thể không nhắc tới quần thể linh trưởng quý hiếm đặc hữu đã trở thành biểu tượng là loài voọc Cát Bà. Hiện loài voọc Cát Bà đang được bảo tồn và phát triển đàn khá tốt.
NĐT: Việc Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới cùng với Vịnh Hạ Long đem lại những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức nào cho chính quyền địa phương thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Có thể chỉ ra rất nhiều thuận lợi. Trong đó, có thể kể đến “thương hiệu” Quần đảo Cát Bà được biết đến rộng rãi trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch.
Bên cạnh đó, việc trở thành Di sản cũng giúp Quần đảo Cát Bà nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn của Trung ương, Tp.Hải Phòng cũng như các tổ chức quốc tế trong việc gìn giữ, bảo vệ sự đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường.
Tuy nhiên, việc trở thành Di sản cũng đặt địa phương trước nhiều áp lực. Đó là bảo đảm sinh kế cho người dân hiện đang sinh sống trong vùng Di sản phù hợp với quy định, yêu cầu của UNESCO. Ngoài ra, cần hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo vệ, gìn giữ di sản. Bởi khi du lịch phát triển sẽ tạo thành áp lực lớn cho công tác bảo vệ, bảo tồn.
Bên cạnh đó, khi trở thành “Di sản chung”, việc hợp tác giữa 2 địa phương nơi có Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà cũng đặt ra một số vấn đề làm sao để gìn giữ, bảo vệ cũng như phát huy các giá trị Di sản một cách hiệu quả nhất.
Bản thân tôi tin rằng, với sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, kịp thời của Trung ương, các tổ chức quốc tế, quyết tâm của Tp.Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới, vấn đề hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản thiên thế giới Quần đảo Cát Bà và Vịnh Hạ Long sẽ được giải quyết.
NĐT: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!.