Gìn giữ nét đẹp văn hóa bên dòng Đồng Nai

Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai không chỉ là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn là nơi cất giấu những trầm tích được kiến tạo và tồn tại qua từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Trong số những giá trị được lưu giữ ấy, phải kể đến sông Đồng Nai - một biểu tượng đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt.

Nghi lễ nghinh thần trong Lễ hội chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) năm 2023 diễn ra trên sông Đồng Nai

Nghi lễ nghinh thần trong Lễ hội chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) năm 2023 diễn ra trên sông Đồng Nai

Trải qua bao thăng trầm, biến đổi của lịch sử, dòng sông Đồng Nai ngày nào nay vẫn hiền hòa. Bên dòng sông ấy, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn được giữ gìn, duy trì và trao truyền, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cho hôm nay và mai sau.

Hội tụ văn hóa Việt…

Sông Đồng Nai từ lâu được chọn làm trục chính trong tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị Biên Hòa. Dòng chảy sông Đồng Nai bao năm qua vẫn miệt mài bồi đắp nguồn sức sống cho đôi bờ. Để từ đó, Đồng Nai thực sự là một mảnh đất đầy ắp lịch sử, chứng kiến và dung nạp nhiều cuộc gặp gỡ giữa các nền văn minh Đông - Tây trên thế giới của hàng trăm năm trước và mãi mãi về sau.

Trong cuốn sách Theo dòng chảy Đồng Nai của nhà văn Nguyễn Thái Hải có ghi: “Người Việt đặt những bước chân đầu tiên trên đất Nam bộ từ thế kỷ XVII. Khi ấy, vùng đất này thuộc quyền cai trị của vua Chân Lạp Chey Chettha II. Năm 1620, ông trở thành “rể” của chúa Nguyễn Phúc Nguyên khi cưới con gái thứ 2 của chúa Nguyễn là công chúa Ngọc Vạn và phong bà làm hoàng hậu Chân Lạp. Có lẽ một phần nhờ vào cái bóng của hoàng hậu mà lưu dân Việt vào Nam lập nghiệp ngày một đông hơn.

Cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa 2 họ Trịnh - Nguyễn ở phía Bắc cũng là nguyên nhân khiến số lưu dân vào Nam ngày một tăng lên. Dĩ nhiên, đôi bờ sông Đồng Nai là nơi chứng kiến những làng mạc của người Việt hình thành sớm nhất”. Họ cùng với cư dân người Hoa đến cộng cư và cư dân bản địa như: Chơro, Mạ, S’tiêng, K’ho… khai khẩn đất hoang, xây dựng làng ấp dọc hai bên bờ sông Đồng Nai. Chính sự giao thoa, dung hợp văn hóa trong các tộc người đã đúc kết nên những sắc thái văn hóa riêng, đặc trưng của đất và người Đồng Nai.

Mùa xuân đã về bên dòng Đồng Nai. Người dân vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hơn 325 năm hình thành và phát triển háo hức chào đón xuân mới - Xuân Giáp Thìn 2024. Chính những nét lịch sử, văn hóa từ mạch nguồn 325 năm ấy, cùng sức sáng tạo, ý thức, trách nhiệm gìn giữ, phát huy của bao thế hệ người dân, đã và đang tỏa sáng rạng ngời, trở thành động lực, điểm tựa tinh thần để Biên Hòa - Đồng Nai vươn tới tương lai.

Theo TS Lê Quang Cần (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai vốn dồi dào các nguyên, vật liệu từ tự nhiên để phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống. Các nghề thủ công như: mộc, gốm, gạch ngói, dệt chiếu, dệt vải, đúc đồng, làm đá, rèn sắt, làm giấy, làm chum, làm đồ đi ngựa, làm vật dụng bằng đồi mồi, chạm bạc, làm lọng, làm giày, làm nón… dần dần xuất hiện, chuyên môn hóa hoạt động. Từ đây, xuất hiện nhiều thợ thủ công có chuyên môn cao và tách khỏi nông nghiệp.

“Các sản phẩm nổi bật của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trước khi được xuất khẩu thì chúng đã có mặt ở hầu hết các chợ. Như thế, việc khai hoang và sản xuất của cư dân Việt cùng các tộc người bản địa trong thế kỷ XVII và các thế kỷ về sau đã làm biến đổi căn bản diện mạo kinh tế Biên Hòa - Đồng Nai” - TS Lê Quang Cần cho hay.

Dọc theo dòng Đồng Nai, đồng bào các dân tộc: S’tiêng, Mạ, Chơro, Hoa, Tày Nùng… sinh sống, miệt mài duy trì, giữ gìn và góp sức bảo tồn các giá trị văn hóa, các nghề truyền thống. Trong số đó, có thể kể đến bà Ka Điều, Ka Rỉn (người Mạ, ngụ tại xã Tà Lài, H.Tân Phú) có hơn 30 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm; già làng Điểu Liệt (người Chơro, ngụ tại xã Túc Trưng, H.Định Quán) giữ lửa đàn Chinh K’la; bà Thị Thành (ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) truyền dạy cồng chiêng cho người trẻ; già Điểu Thanh (ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng, H.Định Quán) có 60 năm đan lát truyền thống…

Giữa bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hóa hôm nay, việc tìm về và khẳng định lại những giá trị truyền thống luôn là điều nhân văn, ý nghĩa. Bà Ka Điều một trong những người say mê, tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm và được học nghề từ các bà, các mẹ đi trước. Không chỉ quyết tâm giữ nghề mà những năm qua, bằng kinh nghiệm của mình, bà còn truyền “bí kíp” của nghề cho các con gái, giống như bà đã từng quanh quẩn học dệt bên bà và mẹ từ thời bé.

“Trước đây, nhà nào cũng có khung dệt. Mặc dù cuộc sống của hôm nay đã hiện đại hơn nhưng người Mạ ở Tà Lài vẫn luôn tự hào bởi những sản phẩm tự tay mình dệt nên. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, nghề dệt truyền thống sẽ được các cấp, các ngành quan tâm hơn. Qua đó, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ông cha” - bà Ka Điều chia sẻ.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cho con cháu. Ảnh minh họa: Quốc Hưng

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cho con cháu. Ảnh minh họa: Quốc Hưng

Đặc biệt, dòng sông Đồng Nai không chỉ là sợi dây gắn kết văn hóa của người dân vùng đất hơn 325 năm hình thành và phát triển, mà còn là dòng sông của một vẻ đẹp vượt thời gian, gắn với các di sản. Vẻ đẹp của sông Đồng Nai không thể tách rời các di sản và sinh hoạt văn hóa của cư dân bản địa. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa nằm dọc hai bên bờ sông đã và đang trở thành những điểm đến hấp dẫn người dân và du khách. Có thể kể đến: địa điểm ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài, H.Tân Phú; Chiến khu Đ (H.Vĩnh Cửu); đình Tân Lân, chùa Ông, đình Bình Kính, Văn miếu Trấn Biên (TP.Biên Hòa)…

Hiện Bảo tàng Đồng Nai đang lưu giữ nhiều hiện vật bằng gốm, đá, đồng… có giá trị được trục vớt từ sông Đồng Nai qua các thời kỳ. Trong số đó có những hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia như: Bộ sưu tập Đàn đá Bình Đa, Qua đồng Long Giao, Tượng thần Vishnu Bình Hòa. Có thể nói, các hiện vật từ lòng sông, các di tích lịch sử, danh thắng trên vùng đất này đều gắn liền với dòng Đồng Nai và cảnh quan đôi bờ. Đây là một phần của lịch sử trong mạch chảy của dòng sông, là một phần trong lịch sử văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai.

Gìn giữ và phát huy mạch nguồn văn hóa

Nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, những năm qua, ngành VH-TTDL đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về phát triển văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện. Đặc biệt, ngành đã tích cực ứng dụng công nghệ số trong việc bảo tồn, quảng bá văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai. Chỉ tính riêng Bảo tàng Đồng Nai, hiện đã số hóa hơn 9 ngàn hiện vật, hồ sơ, tư liệu, bảo vật quốc gia đang được trưng bày tại bảo tàng; xây dựng các triển lãm ảo, tour tham quan di sản 360 thực tế ảo di tích Văn miếu Trấn Biên, Mộ Cự thạch Hàng Gòn…

Với hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông, 68 di tích xếp hạng, thời gian qua, Đồng Nai đã chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Đã có hàng chục di tích nằm dọc sông Đồng Nai đã được đầu tư tôn tạo như: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (H.Vĩnh Cửu); Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (H.Trảng Bom); Thành cổ Biên Hòa (TP.Biên Hòa)... bằng ngân sách của tỉnh và nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, hoạt động sưu tầm, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được thực hiện thường xuyên, liên tục đã đánh giá đúng giá trị, sức sống và mức độ tồn tại của các loại hình di sản dân tộc.

Đồng bào Mạ ở xã Tà Lài (H.Tân Phú) bên khung dệt thổ cẩm truyền thống

Đồng bào Mạ ở xã Tà Lài (H.Tân Phú) bên khung dệt thổ cẩm truyền thống

Mới đây nhất, Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.

Theo Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan, đây là nghị quyết về văn hóa đầu tiên của Đồng Nai, thể hiện sự quan tâm của tỉnh với lĩnh vực văn hóa. Trên cơ sở thực hiện các nghị quyết và sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, có thể thấy văn hóa luôn được quan tâm, là nền tảng, động lực phát triển.

“Thời gian tới, ngành sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp thực hiện đảm bảo các mục tiêu để xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện và bền vững; để văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của xã hội, tạo sự đồng bộ, nền tảng vững chắc, không ngừng lan tỏa hào khí Đồng Nai trong mọi phương diện của đời sống. Qua đó đưa nghị quyết đi vào cuộc sống” - bà Loan nhấn mạnh.

Có thể nói, khơi mạch nguồn và gìn giữ nét đẹp văn hóa đã và đang được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm. Nghị quyết về văn hóa năm 2023 sẽ là “cầu nối” tạo động lực cho việc khôi phục, phát huy giá trị văn hóa bên dòng Đồng Nai; để các di sản văn hóa có thêm điều kiện được bồi đắp, trao truyền từ đời này sang đời khác.

My Ny

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202402/gin-giu-net-dep-van-hoa-ben-dong-dong-nai-6512abd/