Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình
Gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi quốc gia, dân tộc, muốn tồn tại và phát triển đều phải lấy gia đình làm gốc. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hằng năm là dịp tôn vinh truyền thống gia đình, mỗi người đề cao trách nhiệm nuôi dưỡng thêm những giá trị gắn kết, yêu thương đối với tổ ấm gia đình.
Văn hóa ứng xử trong gia đình được người Việt Nam đề cao, coi trọng và phải được tuân thủ để xây dựng gia đình hạnh phúc. Gia đình ông Lê Văn Hoàng ở khu phố Đại Áng, phường Đông Lương (thành phố Đông Hà) sinh được bảy người con. Vốn liếng chỉ 5 sào ruộng, vợ chồng ông Hoàng chịu khó nhọc nhằn lao động nuôi con ăn học nên người. Cả bảy người con của ông bà nay đều có việc làm ổn định, giữ nhiều trọng trách tại các cơ quan, trường học ở tỉnh Quảng Trị. Các con ông đều lập gia đình, ở riêng, ai cũng hòa thuận, hiếu thảo. Như đã thành quy định chung, cứ ngày Chủ nhật hằng tuần, cả bảy người con cùng đưa gia đình mình trở về nhà bố mẹ để vui với không khí ấm áp, thân mật của gia đình. Hàng xóm nhìn vào nền nếp sinh hoạt của gia đình ông Hoàng ai cũng tấm tắc khen ngợi.
Ở Khu phố 1, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, có một người giữ vị trí quan trọng của huyện nhưng đã phân bổ thời gian rất khoa học để chăm sóc gia đình, bố mẹ già bằng những việc làm rất ý nghĩa. Dù công việc bận rộn nhưng anh luôn cố gắng thu xếp thời gian dành cho gia đình. Bố của anh năm nay ngoài 80 tuổi, mỗi ngày thấy con trai sắp xếp về nhà ăn cơm với gia đình, ông mừng vui xúc động, thấy bữa cơm ngon hơn, tinh thần phấn chấn lên rất nhiều. Con trai hiếu thảo, chăm sóc bố mẹ, gia đình bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, ông bà thêm hài lòng để sống hạnh phúc cùng con cháu.
Đối với quan hệ vợ chồng, sự hòa thuận và tình nghĩa thủy chung luôn mang ý nghĩa thiêng liêng, sâu nặng. Bà Nguyễn Thị Con ở thôn An Nha, xã Gio An (huyện Gio Linh) lấy chồng sinh cùng lúc 5 người con gái. Tuy không nói ra nhưng bà Con biết chồng là trưởng họ, rất muốn có con trai nối dõi nên bà cảm thấy việc mình chưa sinh được con trai như có một phần trách nhiệm. Bà tìm đến họ hàng nhà chồng trình bày sự việc và xin đi hỏi vợ cho chồng để sinh con trai nhưng không ai đồng ý. Chồng bà cũng không oán trách vợ vì sao không sinh được con trai. Họ vẫn sống hạnh phúc cùng năm cô con gái. Trời như hiểu lòng người, mấy tháng sau bà mang thai và sinh được người con trai. Nay con trai của ông bà đã lập gia đình, sinh được hai cháu trai. Bây giờ mỗi lần kể lại chuyện ngày trước bà có ý muốn xin hỏi vợ cho chồng, bà thản nhiên cho rằng phụ nữ luôn phải rộng rãi để gìn giữ được gia đình, mình sống phúc đức, biết hy sinh thì sẽ không bao giờ thiệt thòi…
Ông Trương Hữu Thiện, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết, theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 165.600 hộ gia đình với hơn 670 nghìn nhân khẩu. Gia đình trong thời hiện đại tuy có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống nhưng vẫn luôn lưu giữ được những truyền thống ứng xử tốt đẹp của các thành viên. Những tháng ngày phòng, chống COVID-19, chúng ta càng thấm thía hơn về tình cảm của các thành viên trong gia đình. COVID-19 là một thách thức, làm thay đổi nhiều giá trị, trong đó có giá trị gia đình. Trước đó, khi bị cuốn trong vòng xoáy của cuộc sống, chúng ta dường như dành quá ít thời gian và tâm trí để dành cho gia đình, ông bà, cha mẹ. Khi COVID-19 xảy ra, chúng ta có khoảng lặng để nhìn lại, soi lại và sửa mình. Trong thời gian giãn cách xã hội, chúng ta ý thức hơn gia đình và những người thân quan trọng với mình đến nhường nào. Những cuộc gọi video, những tin nhắn qua các ứng dụng trên mạng xã hội cho người thân được kết nối thường xuyên để chắc chắn rằng mọi người đang an toàn giữa những khó lường của dịch bệnh. Sợi dây gắn kết yêu thương vì vậy mà bền chặt hơn, khăng khít hơn.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Thị Thu Hương cho biết, Ngày Gia đình Việt Nam năm 2021 có chủ đề: “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Hiện nay, các giá trị gia đình Việt Nam đang có những biến đổi nhất định cần được nhận biết, đánh giá, từ đó đưa ra những chính sách phù hợp nhằm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, góp phần vào thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Qua thời gian, gia đình Việt Nam đã có những biến chuyển quan trọng, từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại. Quá trình hội nhập quốc tế làm xuất hiện những quan điểm cởi mở hơn về hôn nhân và gia đình Việt Nam. Thế nhưng, người Việt Nam vốn coi gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, sau đó là sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vai trò của gia đình trong việc gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa gia đình nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung; coi văn hóa gia đình là một bộ phận khăng khít của văn hóa dân tộc và không ai khác ngoài gia đình và các thành viên gia đình là nơi lưu giữ, bảo tồn, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam; xây dựng mối quan hệ, văn hóa ứng xử từ các thành viên trong gia đình nhằm mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc. Sau 35 năm đổi mới đất nước, nhất là từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 49 - CT/TW ngày 21/2/2005 về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia đình Việt Nam đã có những đổi thay tiến bộ vượt trội về mọi mặt. Tuy nhiên, trước những biến đổi của xã hội, tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại những thuận lợi và cơ hội phát triển mạnh mẽ nhưng mặt trái của nó dự báo sẽ có những rủi ro, thách thức không nhỏ đến gia đình như mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, văn hóa ứng xử gia đình... Vì vậy, muốn xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị và từng gia đình.