Giữ vững thành quả, phòng ngừa sốt rét quay trở lại
Mặc dù được công nhận là địa phương đạt 'Loại trừ sốt rét' cuối năm 2022, song tại Thừa Thiên Huế vẫn xuất hiện ca sốt rét ngoại lai trong 2 năm qua. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này từ các tuyến theo quy định của Bộ Y tế.
23.000 người trong vùng nguy cơ
Năm 2023, ngành y tế phát hiện, chẩn đoán và điều trị 3 ca sốt rét ngoại lai (SRNL), tiền sử sinh sống và làm việc tại Angola, Tanzania, Lào. Trong năm qua cũng không có ca tử vong do sốt rét, dịch sốt rét không xảy ra.
Đầu tháng 3/2024, một ca bệnh SRNL nhập viện tại Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Bệnh nhân mang thai 19 tuần tuổi, là người Quảng Ninh về Huế thăm chồng. Người này trước đó sống và làm việc ở Angola. Bệnh nhân nhập viện biểu hiện sốt cao, rét run, vàng da, vàng mắt, sau đó bệnh diễn tiến nặng, tụt huyết áp, tiểu cầu giảm, sốc nhiễm trùng, suy gan cấp. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân sốc nhiễm trùng, sốt rét ác tính. Sau 11 ngày điều trị, người bệnh được xuất viện.
Nhớ lại thời điểm người thân mình mắc sốt rét, người nhà của một bệnh nhân còn ám ảnh: “Nghe bệnh này từ thời chiến tranh nghĩ là đã không còn, ai ngờ chính người nhà mình mắc sốt rét. Vừa lo cho sức khỏe người nằm viện, vừa sợ các thành viên trong gia đình cũng bị lây theo. Nghĩ lại chuỗi ngày ấy mệt mỏi thật sự! Lịch trình đi, về rối tung cả lên vì không ai ngờ phải vào bệnh viện điều trị cả tuần liền”!
Toàn tỉnh có 3/9 huyện, thị xã với 8/141 xã, phường, thị trấn và 138 thôn, bản nằm trong vùng sốt rét lưu hành nhẹ. Dân sống trong vùng sốt rét lưu hành dễ có nguy cơ mắc bệnh, chiếm khoảng 23.000 người. Theo ThS.BSCKII Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC tỉnh, các trường hợp SRNL sẽ được giám sát qua hệ thống giám sát các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Các cơ sở y tế báo cho CDC, đơn vị sẽ cử bộ phận chuyên môn đến gặp bệnh nhân nhằm điều tra dịch tễ, xét nghiệm, test nhanh và bàn phương án xử lý.
Giám sát chặt, truyền thông liên tục
Thời điểm cuối tháng 7/2023, trên địa bàn xã Phú Xuân (Phú Vang) xuất hiện ca bệnh SRNL. Qua các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ đã xét nghiệm xác định, đồng thời chuyển bệnh nhân lên BVTW Huế theo dõi, điều trị. ThS. Đỗ Công Tráng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Phú Vang cho hay: “Chúng tôi duy trì truyền thông, chú trọng các địa bàn có người di biến động để người dân nắm rõ thông tin về SR ở các tỉnh trong nước cũng như một số quốc gia ở châu Phi, cách phòng, chống bệnh sốt rét, khuyến cáo người dân đến cơ sở y tế nếu có triệu chứng bệnh và đến nhận một liều thuốc tại cơ quan y tế khi đi làm việc tại các vùng có dịch sốt rét”…
Sốt rét có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu người mắc bệnh này không uống thuốc đúng và đủ liều sẽ xuất hiện triệu chứng trở lại, nguy cơ gây ra sốt rét kháng thuốc. Các chuyên gia cảnh báo người dân nên đến ngay cơ sở y tế đủ điều kiện thử test chẩn đoán, được lấy lam máu nhằm điều trị kịp thời. CDC tỉnh lưu ý các đơn vị y tế khi thu dung bệnh nhân điều trị sốt rét cần báo cáo kịp thời lên tuyến trên, khai thác yếu tố dịch tễ nhằm phát hiện sớm, điều trị đúng, hướng dẫn điều trị tiệt căn.
Trong những tháng đầu năm, bộ phận chuyên môn của CDC tỉnh tổ chức nhiều đợt giám sát điểm kính hiển vi tại các địa bàn có nguy cơ. Vai trò và vị trí của điểm kính hiển vi góp phần phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh nhân sốt rét; quản lý bệnh nhân sốt rét; quản lý dân di biến động, đối tượng nguy cơ; dự báo dịch và phòng, chống dịch và giám sát kháng thuốc sốt rét.
Năm 2024, ngành y tế đặt mục tiêu không để tử vong do sốt rét, khống chế không để dịch sốt rét xảy ra, đồng thời giữ vững thành quả loại trừ sốt rét và phòng ngừa sốt rét quay trở lại. Cụ thể, có 11.000 người dân được bảo vệ bằng hóa chất phòng, chống muỗi qua tẩm màn; thực hiện 15.000 lam máu để phát hiện đối tượng nghi sốt rét; điều tra giám sát côn trùng sốt rét ở 12 điểm xã (10 điểm cố định 2 điểm biến động) và giám sát SRNL ở các cơ sở với khẩu hiệu “Không có sốt rét ác tính, không có tử vong”.
ThS.BSCKII Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC tỉnh thông tin: “Căn cứ chỉ đạo Sở Y tế, CDC đề nghị tuyến y tế cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện SRNL trên địa bàn nhằm xét nghiệm test nhanh, khẳng định, điều trị kịp thời. Đối với các bệnh truyền nhiễm, y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Việc phân cấp, phân quyền trong chế độ báo cáo, sự liên thông giữa các tuyến sẽ giúp công tác giám sát, xử lý kịp thời khi dịp bệnh xảy ra”.