Giúp nhiều người khuyết tật có cơ hội tiếp cận thể thao

Hiệp hội Paralympic Việt Nam vừa thống nhất đổi tên thành Ủy ban Paralympic Việt Nam, sửa đổi điều lệ cho phù hợp với quy định quốc tế, đồng thời tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2029.

Đại hội bầu ra Ban chấp hành với 29 thành viên; ông Huỳnh Vĩnh Ái, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tái đắc cử Chủ tịch.

Trong Ban chấp hành Ủy ban Paralympic Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029 có sự góp mặt của nhà vô địch Paralympic 2016-lực sĩ Lê Văn Công. Đặc biệt, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn THACO-một trong 5 tỷ phú USD của Việt Nam được Tạp chí Forbes vinh danh, tham gia với tư cách Chủ tịch danh dự Ủy ban Paralympic Việt Nam.

Ra mắt Ban chấp hành Ủy ban Paralympic Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029. Ảnh: THÁI DƯƠNG

Ra mắt Ban chấp hành Ủy ban Paralympic Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029. Ảnh: THÁI DƯƠNG

Mục tiêu của thể thao người khuyết tật Việt Nam giai đoạn 2024-2029 gồm: Có từ 160 đến 165 vận động viên tuyến 1 tham gia tập luyện quanh năm tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và địa phương; cử 130 thành viên tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á 2026; có từ 7 đến 9 vận động viên đạt chuẩn tới Paralympic Paris 2024 và phấn đấu giành 1 huy chương vàng.

Ủy ban Paralympic Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút 1,5 triệu người khuyết tật tham gia hoạt động, tập luyện thể dục-thể thao; cơ bản đưa 15 môn thể thao người khuyết tật được phổ cập rộng rãi trong cộng đồng; đẩy mạnh kết nối, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay đầu tư cho thể thao người khuyết tật Việt Nam.

Đánh giá về phương hướng phát triển của Ủy ban Paralympic Việt Nam, ông Lý Đại Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục-thể thao TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Mục tiêu căn bản, cốt lõi của hoạt động thể thao người khuyết tật là giúp nhiều người khuyết tật có cơ hội tiếp cận thể thao. Từ đó giúp họ cải thiện thể chất, phát triển các kỹ năng, hòa nhập tốt với xã hội, cộng đồng thay vì chỉ chú trọng giành thành tích huy chương".

Nhìn lại nhiệm kỳ 2019-2023, thể thao người khuyết tật Việt Nam giành 1 huy chương bạc Paralympic 2020; 1 huy chương vàng cùng 10 huy chương bạc ở Đại hội Thể thao khuyết tật châu Á lần thứ tư... Bất chấp những khó khăn từ đại dịch Covid-19, Hiệp hội Paralympic Việt Nam khóa V đã nỗ lực thúc đẩy phong trào thể dục-thể thao cộng đồng không ngừng phát triển, tạo niềm tin cho người khuyết tật tự tin hòa nhập.

Tuy vậy, tỷ lệ người khuyết tật có cơ hội tiếp cận, tập luyện thể thao thường xuyên vẫn còn hạn chế khi ước chừng chỉ có 30.000 người. Ngay cả số vận động viên người khuyết tật hưởng chế độ dinh dưỡng tập luyện thường xuyên của Nhà nước cũng chỉ có khoảng 40 người.

Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Việt Nam tin tưởng: “Sau những đánh giá toàn diện, khách quan về những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong giai đoạn 2019-2023, Ủy ban Paralympic Việt Nam sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2024-2029. Tin rằng, mỗi đại biểu, thành viên trong Ban chấp hành sẽ đề cao trách nhiệm, tinh thần “đoàn kết-bình đẳng-dân chủ-nhân ái” để phát triển hơn nữa sự nghiệp thể thao người khuyết tật Việt Nam”.

HOA LƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/giup-nhieu-nguoi-khuyet-tat-co-co-hoi-tiep-can-the-thao-772802