Gỡ khó cho các hợp tác xã ở Giồng Riềng

Các hợp tác xã trên địa bàn huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) trở thành cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường, đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để các hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững cần có sự hỗ trợ từ các cấp, ngành và cơ quan chức năng để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động...

Hiện trên địa bàn huyện Giồng Riềng có 88 hợp tác xã, với tổng vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng. Hầu hết các hợp tác xã huyện Giồng Riềng thực hiện rất tốt vai trò cầu nối cho các thành viên như cung ứng giống, cây trồng, vật tư nông nghiệp theo hình thức mua chung, bán chung, chia sẻ kỹ thuật, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng lên nhiều so với sản xuất theo phương thức truyền thống.

Ông Trần Thanh Hồng - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tiến cho biết: “Thời gian qua, Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tiến, xã Thạnh Bình phát huy được vai trò và chia sẻ những khó khăn đối với nông dân. Vụ lúa đông xuân 2022-2023, hợp tác xã ký được hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lúa với Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Tâm Lang bao tiêu lúa với mức giá từ 6.200-7.200 đồng/kg. Ngoài ra, nếu giá thị trường tăng, doanh nghiệp sẽ mua cao nên các thành viên đều phấn khởi”.

Ông Trần Tấn Sĩ - Giám đốc Hợp tác xã Toàn Thắng, khu phố 3, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) cho biết vách gỗ cống ngăn nước của trạm bơm Hợp tác xã Toàn Thắng xuống cấp cần được hỗ trợ đầu tư và sửa chữa.

Ông Trần Tấn Sĩ - Giám đốc Hợp tác xã Toàn Thắng, khu phố 3, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) cho biết vách gỗ cống ngăn nước của trạm bơm Hợp tác xã Toàn Thắng xuống cấp cần được hỗ trợ đầu tư và sửa chữa.

Hiện nay, hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn huyện Giồng Riềng thực sự đóng vai trò quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực, đem lại thu nhập cho thành viên. Thành viên tham gia các hợp tác xã đã từng bước nâng cao năng lực hoạt động trong sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các hợp tác xã gặp nhiều khó khăn như bộ máy quản lý còn yếu và thiếu; diện tích sản xuất nhỏ lẻ, vốn điều lệ còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư các chương trình, dự án của huyện.

Hiện có 49 trong tổng số hợp tác xã huyện Giồng Riềng có yêu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn, cầu, cống, đập để thuận tiện hơn trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Ông Trần Tấn Sĩ - Giám đốc Hợp tác xã Toàn Thắng, khu phố 3, thị trấn Giồng Riềng cho rằng về cơ sở hạ tầng của hợp tác xã vẫn chưa hoàn chỉnh, tuyến kênh thủy lợi nội đồng cần được nạo vét để đảm bảo nước tưới đủ và ổn định cho diện tích lúa, góp phần tiết kiệm nước và thời gian lấy nước.

“Hiện tại, vách gỗ của cống ngăn nước tại trạm bơm của hợp tác xã đang có hiện tượng hư hỏng, cần sửa chữa. Ngoài ra, hợp tác xã cần được trang bị thêm máy cày nhưng nguồn vốn còn hạn chế, không thể đầu tư. Tôi hy vọng trong thời gian tới hợp tác xã sẽ được hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư máy móc và sửa chữa hoàn thiện cơ sở hạ tầng”, ông Trần Tấn Sĩ đề xuất.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng Trần Hoàng Trọng, cho biết đầu năm 2023, huyện Giồng Riềng có 96 hợp tác xã, đến nay còn 88 hợp tác xã. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã và hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, huyện sáp nhập 13 hợp tác xã, giải thể 4 hợp tác xã và thành lập mới 3 hợp tác xã.

"Thời gian tới, phòng ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn vốn cho các hợp tác xã có năng lực phát triển. Chú trọng đào tạo, mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cán bộ, thành viên hợp tác xã. Đồng thời, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò kinh tế tập thể”, đồng chí Trần Hoàng Trọng nói

Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng Huỳnh Văn Thái Quỳnh cho biết: “Thời gian tới, UBND huyện Giồng Riềng sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 131/KH-UBND của huyện về củng cố, xây dựng kinh tế tập thể theo hướng hữu cơ, quy hoạch vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải nhà kính trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030”.

Bài và ảnh: THÚY ANH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/nong-nghiep/go-kho-cho-cac-hop-tac-xa-o-giong-rieng-18560.html