Góc khuất sau những livestream bán hàng ở Trung Quốc

Nhiều livestreamer nổi tiếng tại Trung Quốc từng bị cáo buộc bán hàng kém chất lượng. Trong khi đó, hình thức thương mại này vẫn đang bùng nổ và được quan tâm ở quốc gia tỷ dân.

"Bạn thực sự cần nó", "vua son môi" của Trung Quốc Austin Li (Lý Giai Kỳ) nói trong một livestream của mình trên mạng xã hội.

KOL bán hàng trực tuyến này đang cố gắng thuyết phục người xem trên Taobao mua nhiều loại sản phẩm khác nhau, bao gồm khăn giấy, khăn tắm cho đến kem đánh răng.

"Ôi trời, nó chỉ dành cho bạn mà thôi!"; "Lấy phiếu giảm giá đi. Mua ngay để có giá tốt nhất"; "Phiếu giảm giá chỉ có giá trị trong 30 giây, hãy nhanh lên nào các cô gái", Li tiếp tục nói một cách đầy hào hứng.

Thủ thuật

Theo SCMP, giới hạn thời gian mua sắm là một thủ thuật bán hàng quen thuộc. Các sàn thương mại điện tử áp dụng chiến thuật này, đồng thời tận dụng sức hút của những livestreamer nổi tiếng, để có thể lôi kéo rất nhiều khách hàng trẻ tuổi. Đó cũng là công thức giúp họ có được doanh số bán hàng vô tiền khoáng hậu.

Năm 2021, trong lễ hội mua sắm trực tuyến Ngày Độc thân kéo dài từ cuối tháng 10 đến ngày 11/11, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của các sàn thương mại điện tử tại Trung Quốc đạt kỷ lục 965 tỷ nhân dân tệ (tương đương 151 tỷ USD), tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, GMV thông qua kênh bán hàng livestream đạt đến 131,9 tỷ nhân dân tệ, tăng 81% so với một năm trước, theo Đơn vị cung cấp dữ liệu Syntun.

 Ngôi sao livestream Austin Li được mệnh danh là "vua son môi" ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Ngôi sao livestream Austin Li được mệnh danh là "vua son môi" ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Ngày 20/10/2021, ngày mở bán hàng đầu tiên thuộc sự kiện, chương trình livestream của Lý Giai Kỳ trên Taobao đạt 248 triệu lượt xem, thu về doanh thu 11,5 tỷ nhân dân tệ.

Lĩnh vực bán hàng trực tuyến thông qua livestream bùng nổ ở Trung Quốc những năm gần đây, giúp những KOL như Giai Kỳ, Vi Á… kiếm được tổng cộng đến 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2020.

Theo Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Trung Quốc iResearch Consulting, trong năm 2022, doanh thu hàng năm của ngành bán hàng livestream sẽ tăng hơn 50 lần so với năm 2017 và tổng giá trị sẽ tăng gấp đôi lên con số 2,7 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Tháng 11/2021, trong khuôn khổ Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc, kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV đã chiếu một livestream do Giai Kỳ, Vương Băng Băng và Chen Zhong chủ trì.

Chỉ trong hai giờ, họ đã bán được 26 tấn hạt thông, một trong những loại cây xuất khẩu chính của Afghanistan, cũng như 22 sản phẩm khác từ các nước châu Phi và châu Á.

Mei Xinyu, một nhà nghiên cứu của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết: "Trung Quốc đã tụt hậu so với Mỹ trong lĩnh vực mua sắm tại nhà qua truyền hình. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên Internet, đất nước đã dẫn đầu thế giới về thương mại trực tuyến.

Tôi kỳ vọng lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới, mặc dù sự tăng trưởng khó có thể bùng nổ như trước đây do những thay đổi về pháp chế".

 Vi Á là một trong những tên tuổi nổi bật nhất của ngành công nghiệp livestream Trung Quốc. Doanh thu bán hàng của cô trong năm 2020 lên tới 31 tỷ NDT. Ảnh: Bloomberg.

Vi Á là một trong những tên tuổi nổi bật nhất của ngành công nghiệp livestream Trung Quốc. Doanh thu bán hàng của cô trong năm 2020 lên tới 31 tỷ NDT. Ảnh: Bloomberg.

Theo SCMP, người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là Gen Z và Millennials, rất thích thú tương tác với mạng xã hội, đồng thời hoan nghênh những cơ hội để mua sắm tiết kiệm hơn.

Số liệu chính thức tính đến tháng 6/2021 cho thấy có 384 triệu người Trung Quốc, tương đương hơn 30% người dùng Internet tại quốc gia này, đã tham gia mua sắm thông qua livestream trên các nền tảng.

Taobao vẫn là kênh bán hàng livestream lớn nhất với 33% thị phần tại Trung Quốc, tiếp đến là các nền tảng video ngắn như Kuaishou và Douyin.

Trong khi đó, theo iResearch, có ít nhất 1,23 triệu livestreamer và trợ lý livestreamer "chuyên nghiệp" trên cả nước. Vài người trong số họ, chẳng hạn như Lý Giai Kỳ và Vi Á, đã trở thành triệu phú hoặc thậm chí là tỷ phú USD.

Năm 2019, Lý Giai Kỳ lọt vào danh sách "Những người dưới 30 tuổi cần theo dõi ở Trung Quốc" và nằm trong top "30 Under 30 Asia" của Forbes năm 2020. Anh cũng thuộc số ít người Trung Quốc được đưa vào danh sách "TIME100 Next" năm 2021.

Góc tối

Nhưng sự tăng trưởng bùng nổ của lĩnh vực bán hàng livestream đã thúc đẩy sự giám sát từ các cơ quan chức năng Trung Quốc.

Tháng 12/2021, "nữ hoàng livestream" Vi Á đã bị phạt 1,3 tỷ nhân dân tệ với cáo buộc trốn thuế khoảng 700 triệu nhân dân tệ từ năm 2019 đến năm 2020. Một số livestreamer khác cũng bị xét xử vào năm ngoái với cùng tội danh.

Cùng thời điểm, Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Chiết Giang cho biết trong số 80 phiên livestream mà họ đã xem vào Ngày Độc thân, gần 40% sản phẩm do 17 gian hàng bán ra không đạt tiêu chuẩn. Trong đó, Lý Giai Kỳ là một trong những người bị bêu tên bởi bán sản phẩm kém chất lượng.

"Không có lĩnh vực nào có thể phát triển rầm rộ mãi mãi", Mei Xiu nói.

"Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ chính phủ sẽ bóp nghẹt lĩnh vực này. Xét cho cùng, bán hàng livestream giúp tạo ra việc làm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Nhiều chính quyền địa phương đang đặt hy vọng vào nó để giúp đỡ người nghèo và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch", ông cho biết thêm.

Cơ hội

Theo Cục Thống kê Quốc gia, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chững lại với tăng trưởng GDP giảm mạnh từ 7,9% trong quý II năm ngoái xuống còn 4,9% trong quý III.

Đến tháng 9/2021, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc là 4,9%, trong đó 14,9% thanh niên từ 16-24 tuổi không có việc làm.

Trước tình hình trên, nhiều người coi bán hàng livestream là một công việc linh hoạt. Không ít người trẻ đã tìm đến các khóa đào tạo để học cách thể hiện tốt trước ống kính.

 Vi Á là một trong những người bị phát hiện trốn thuế sau đợt thanh tra thu nhập cá nhân hàng loạt nhân vật nổi tiếng tại Trung Quốc. Ảnh: Weibo.

Vi Á là một trong những người bị phát hiện trốn thuế sau đợt thanh tra thu nhập cá nhân hàng loạt nhân vật nổi tiếng tại Trung Quốc. Ảnh: Weibo.

Chính quyền một số địa phương đang háo hức tham gia vào cuộc đua, hợp tác với những influencer (người có sức ảnh hưởng) để quảng bá sản phẩm địa phương. Cụ thể, tháng 4/2020 ngay sau khi kết thúc phong tỏa, thành phố Vũ Hán đã phát trực tiếp chương trình bán mì khô nóng, tôm càng, lá trà và cam.

Tại tỉnh Chiết Giang, chính quyền một quận cho biết sẽ thúc đẩy và hỗ trợ hơn 50 người dân để tham gia quảng bá du lịch và nông sản thông qua livestream. Hoạt động này được đặt mục tiêu đạt doanh thu hàng năm 2 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025.

Còn tại tỉnh Cát Lâm, chính quyền quận Wangqing gần đây đã sắp xếp tập huấn cho nông dân ở làng Manhe để cải thiện kỹ năng livestream của họ.

Dân làng Manhe đã mở 33 cửa hàng trên Taobao trong những năm gần đây, mỗi cửa hàng nhận được từ 3.000 nhân dân tệ đến 5.000 nhân dân tệ hàng tháng khi bán nấm và các đặc sản địa phương khác.

Li Tianyu, 32 tuổi, một người dân tại tỉnh Cát Lâm, cho biết anh mất 3 năm để có được 130.000 người theo dõi trên Taobao. Anh đã livestream lần đầu tiên vào năm 2018.

“Lúc đầu, tôi hoàn toàn vô định. Tôi đã nói chuyện một mình trên sóng livestream ít nhất năm giờ mỗi ngày mà không có ai theo dõi. Không có người xem, không có khách hàng, tôi từng thấy mình như đi trong bóng tối. Nhưng tôi không bỏ cuộc vì phải kiếm sống", anh nói trên SCMP.

Khi 3 người xem đầu tiên xuất hiện vài tháng sau đó, Li đã rất phấn khích. Anh đã gửi những quả thông và mật ong miễn phí để cảm ơn họ.

Đến năm 2020, chính quyền quận đã hỗ trợ doanh nghiệp của Li bằng cách cử cán bộ đến làm người dẫn chương trình trong các phiên livestream của anh. Điều này đã giúp Li mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và thúc đẩy kinh doanh.

Hiện Li sở hữu một công ty có 18 nhân viên, bao gồm cả những nam thanh niên trở về quê hương từ Bắc Kinh và những người nông dân lớn tuổi.

Khi sự cạnh tranh trong lĩnh vực bán hàng livestream trở nên khốc liệt hơn, Li cố gắng cung cấp cho người xem những trải nghiệm mới lạ để tạo sự khác biệt.

"Chúng tôi phát trực tiếp việc đi đào nhân sâm và hái nấm trong rừng. Để tạo ấn tượng với khách hàng, chúng tôi sử dụng càng nhiều cảnh ngoài trời càng tốt. Chúng tôi thậm chí còn dựng một đường cáp quang trên núi để đảm bảo tín hiệu tốt", anh kể.

"Việc bán hàng livestream là một cứu cánh cho tôi. Tôi nghĩ rằng các chủ cửa hàng nhỏ như tôi sẽ được hưởng lợi từ các biện pháp quản lý mới, hy vọng môi trường cạnh tranh trở nên công bằng hơn", anh bày tỏ thêm.

Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/goc-khuat-sau-nhung-livestream-ban-hang-o-trung-quoc-post1288786.html