Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Đo sức nóng của vàng với thị trường chứng khoán
Chỉ số VN-Index đã có những nhịp rung lắc và điều chỉnh về cuối tuần, trong khi vàng 'bốc đầu' tăng phi mã. Các chuyên gia sẽ đo sức nóng của vàng với chứng khoán và chỉ ra nhóm cổ phiếu có nhiều cơ hội trong bối cảnh chung nhiều biến động.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Thị trường tăng điểm liên tiếp và khá trùng với số phiên của TTCK Mỹ có sự tương quan nhất định bên cạnh việc USDX yếu đi cũng hỗ trợ xu hướng tích cực. Tuy vậy, hiện VN-Index đang ở gần vùng kháng cự khá mạnh, có thể sang tuần tới sẽ giằng co ở mức này 1.250-1.260 và mất thời gian để vượt qua chứ khó mà vượt ngay được.
Như vậy, có thể thị trường cần có phiên giảm như phiên ngày thứ Sáu để chạy đà cho các mốc tiếp theo. Tuy nhiên, nếu giá khó lòng vượt qua thì thị trường có thể quay lại xu hướng giảm điểm.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
TTCK vẫn đang thể hiện chuỗi phiên giao dịch tích cực cho dù phiên điều chỉnh thứ Sáu gây ra một ít sự lo lắng. Diễn biến vận động tăng giảm biên độ khu vực 1.240 – 1.250 điểm trong 1 số phiên trước khi vượt lên lên vùng 1.260 – 1.280 điểm đối với VN-Index có lẽ sẽ diễn ra trong tuần tới.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC
Thị trường có một tuần giao dịch rất hứng khởi về mặt điểm số (+1,9%) nhưng lại không sôi động về mặt thanh khoản. Cụ thể, dù VN-Index tăng gần 2% nhưng khối lượng giao dịch khớp lệnh trong cả tuần qua thấp hơn 15% so với mức trung bình trong 1 năm gần đây. Yếu tố chưa đồng thuận này có thể níu chân thị trường ở lại bên dưới đỉnh cũ 1.290 điểm lâu hơn.
Nhìn chung, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường trong trung-dài hạn, bối cảnh tổng thể về vĩ mô hiện tại đang hoàn toàn ủng hộ cho khả năng tiếp diễn xu thế tăng của VN-Index. Tuy nhiên, chúng tôi cần đánh giá thời điểm tốt nhất để tham gia thị trường để tiết kiệm thời gian và chi phí, kịch bản lý tưởng nhất mà chúng tôi đang chờ đợi là VN-Index cần thời gian điều chỉnh & tích lũy trong biên độ 1.200-1.250 điểm khoảng 10 phiên giao dịch nữa.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS)
Tuần vừa qua là tuần tăng thứ ba liên tiếp của chỉ số tính từ đáy quanh 1.166 và hiện cũng đang vào vùng 1.250-1.280. Tín hiệu ba phiên giao dịch gần nhất đang tạo một vùng giằng co trong biên nhỏ 1.234-1.257 sau chuỗi tăng điểm.
Tôi cho rằng cần chú ý diễn biến trong vùng này. Nếu có phiên giảm thủng vùng giằng co nhỏ này thì khả năng điều chỉnh trở lại. Góc nhìn cá nhân của tôi thì có thể đà tăng sẽ khó tiếp nối trong tuần tới.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK smart Invest
Chúng tôi cho rằng đà tăng có thể tiếp tục duy trì nhưng mức tăng sẽ khó khăn hơn do chúng ta đang ở trong vùng kháng cự mạnh. Tổng thể có lẽ dòng tiền theo xu hướng của sự phân hóa nhiều hơn. Sẽ có nhóm tăng tốt và nhóm tăng yếu.
Một số nguồn tin cho rằng, số dư tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đang ghi nhận giảm so với giai đoạn đầu năm, một phần đến từ lãi suất tiền gửi thấp (dù lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã nhích nhẹ từ đầu tháng 5/2024) nên nhiều nhà đầu tư mong muốn tìm các kênh khác có hiệu suất sinh lợi tốt hơn. Liệu dòng tiền này có chảy sang kênh chứng khoán không, theo ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Có nhiều kênh khác cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, đơn cử là vàng với giá liên tục lập các đỉnh mới. Bên cạnh đó, bất động sản vừa thoát khỏi vùng đáy nên còn khá thấp cũng dần thu hút dòng tiền. TTCK cũng sẽ được hưởng lợi nhưng thời gian qua dòng tiền dù có cải thiện nhưng không nhiều nên xu hướng tăng có thể chưa bền vững. Do đó thời gian tới cần quan sát dòng tiền tiếp theo để có thể đánh giá chính xác hơn.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Dòng tiền vẫn ở trong các tài khoản chứng khoán và sẽ tiếp tục gia tăng giai đoạn tới. Giai đoạn biến động của TTCK giai đoạn vừa qua thanh khoản thấp không thể khẳng định dòng tiền lớn rút ra mà chỉ đơn giản là đang đợi chờ cơ hội. Lãi suất thấp như hiện nay sẽ vẫn kích thích dòng tiền lớn sẽ chuyển dịch dần sang kênh chứng khoán với tỷ lệ phù hợp hơn so với tiềm năng của TTCK Việt Nam.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC
Đây là số liệu nhìn lại quá khứ, và kể từ đầu năm 2024 chúng tôi đánh giá dòng tiền đã có sự chuyển dịch sang TTCK từ thị trường đầu tư và sản xuất kinh doanh, đi kèm theo đó là sự gia tăng thanh khoản thị trường (Khối lượng giao dịch trung bình tháng 4 tăng hơn 20% so với thời điểm đầu năm) và giá tăng mặt bằng giá thể hiện qua VN-Index.
Lãi suất huy động trong năm 2024 có thể tiếp tục nhích tăng 50 đến 100 điểm cơ bản trong 2024, nhưng vẫn là mặt bằng lãi suất thấp và qua đó giảm tính cạnh tranh của sản phẩm tiền gửi ngân hàng. Ngược lại trong năm 2024, thị trường chứng khoán còn nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư, nhiều khả năng dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển từ các lĩnh vực khác sang đầu tư cổ phiếu.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS)
Theo quan điểm của PHS, việc dòng tiền luân chuyển giữa các kênh đầu tư là điều hiển nhiên. Chúng tôi luôn tin tưởng kênh đầu tư chứng khoán đã, đang và sẽ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán vẫn đang trong xu hướng tăng trong trung và dài hạn và số lượng nhà đầu tư chứng khoán cũng liên tục gia tăng trong giai đoạn gần đây, mặt bằng lãi suất huy động dù chứng kiến tăng nhẹ trong quý II nhưng dự báo vẫn sẽ ở mức thấp, vì vậy, tôi cho rằng xu hướng dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư triển vọng hơn vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK smart Invest
Tôi nghĩ rằng khái niệm tiền gửi thấp sẽ khiến dòng tiền chảy sang chứng khoán rất khó kết luận một cách rõ ràng. Chúng ta thấy năm 2023 tiền gửi vẫn tăng tốt thì chứng khoán tăng tốt. Quý I/2024 tiền gửi vẫn tăng 0,6% và chứng khoán tiếp từ duy trì đà tăng. Giai đoạn qua tiền gửi giảm chứng khoán cũng giảm.
Theo quan điểm của chúng tôi mặt bằng lãi suất huy động là một biến số tác động tới định giá thị trường nhiều hơn là quan điểm nó là bình thông nhau theo kiểu tương quan 1-1. Số đông việc gửi tiền vẫn thuộc về tầng lớp không quan tâm tới thị trường chứng khoán, bởi chúng ta mới chỉ có khoảng 7,5 triệu tài khoản chứng khoán nghĩa là số dân tiếp cận với chứng khoán còn ít hơn nữa do một người có nhiều tài khoản.
Giá vàng trong nước đang có sự chênh lệch rất lớn với giá vàng thế giới và tiếp tục lập kỷ lục mới trong tuần qua. Có thể lý giải như thế nào về sự biến động tăng “phi mã” của giá vàng và liệu điều này có mối liên hệ gì với TTCK không, theo các ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Các kênh khác nếu thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, dòng tiền như vàng hay bất động sản vừa mới ấm lên có thể ảnh hưởng các kênh khác như chứng khoán.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Giá vàng trong nước tăng cao chênh lệch lớn với giá vàng thế giới không có mối liên hệ gì với TTCK - Khía cạnh khác, các nhà đầu tư cũng có thể coi đó là 1 nguyên nhân khiến tâm lý nhà đầu tư lo ngại kể cả các câu chuyện rủi ro địa chính trị, những vụ xung đột trên thế giới, lãi suất của các NHTW vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đây có lẽ không phải là lý do quan trọng khiến nhà đầu tư lo ngại. TTCK vẫn đang vận động trong xu hướng đi lên - sóng hồi của thị trường đã và đang diễn ra - VN-Index vượt lên khu vực 1.290 và vượt qua chỉ là câu chuyện thời gian.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC
Có hai lý do chúng tôi đánh giá biến động từ thị trường vàng đang là một trong những cản trở khiến thị trường chưa thể bứt phá vùng 1.290 điểm:
(1) Thị trường vàng là kênh đầu tư phòng thủ truyền thống, khi giá tăng sẽ khiến nhà đầu tư đề phòng với các thị trường đầu tư rủi ro hơn như thị trường chứng khoán (phải lưu ý thêm rằng đây chỉ là rào cản tâm lý, từ đầu 2020 tới nay tương quan giữa giá vàng và thị trường cổ phiếu tương đối đồng nhất).
(2) Chênh lệch giá vàng Việt Nam và thế giới có mối tương quan chặt chẽ với dòng chảy ngoại tệ, mức chênh lệch này gia tăng sẽ gây sức ép lên tỷ giá và gián tiếp gia tăng rủi ro thắt chặt tiền tệ.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS)
Giá vàng trong nước hiện tại vẫn đang liên tục tăng và thiết lập các kỷ lục mới. Chênh lệch với giá vàng thế giới cũng tiếp tục chạm ngưỡng kỷ lục mới lên đến hơn 19 triệu/lượng.
Giá vàng chứng kiến mức tăng phi mã trong giai đoạn gần đây phần nhiều vì tâm lý của người dân. Thời gian qua, nhiều tiệm vàng đóng cửa để tránh các đợt thanh kiểm tra, thêm vào đó khối lượng đấu thầu vàng miếng thành công cũng chưa thực sự lớn, số lượng thành viên tham gia đấu thầu còn hạn chế. Giá vàng trên thế giới cũng ghi nhận các diễn biến tích cực.
Vàng và chứng khoán đều là các kênh đầu tư trên thị trường, có thể có sự dịch chuyển qua lại giữa các kênh đầu tư, tuy nhiên theo tôi khối lượng này là không đáng kể nếu như so sánh với thanh khoản của thị trường chứng khoán. Vì vậy, tôi không đánh giá cao việc tăng giá gần đây của vàng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh chênh lệch lớn giữa vàng trong nước và thế giới.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK smart Invest
Giá vàng thế giới trong chu kỳ lên đó vậy nhu cầu mua vàng cũng tăng lên (Đây cũng là kênh phần lớn người dân Việt Nam ưa thích với tâm lý tích trữ tiết kiệm từ xa xưa).
Giá vàng miếng SJC chênh cao hơn so với thế giới từ 11-12 triệu đồng/lượng mặc dù đã giảm so với mức đỉnh điểm là 20 triệu nhưng vẫn còn duy trì mức chênh cao. Nguyên nhân có thể tới từ việc thiếu nguồn cung trên thị trường. Chúng ta thấy rằng NHNN đã quá lâu không đấu thầu vàng miếng cho tới gần đây.
Việc đấu thấu vàng miếng của NHNN chưa giúp tăng nguồn cung và bản thân cơ chế đấu giá cũng chỉ thấp hơn 1-2 triệu so với giá thị trường. Điều này có thể tạo hiệu ứng ngược vì người đầu tư có thể có suy nghĩ nhà nước cũng bán chênh hơn 10 triệu…
Chúng ta có một kênh đầu tư đang nóng thì về nguyên tắc sẽ là một kênh thay thế tuy nhiên chúng tôi cũng chỉ rằng đó chỉ là một biến số trong cả chuỗi định giá của chứng khoán mà thôi. Vàng sẽ tác động tới tỷ giá và tỷ giá gián tiếp tác động tới định giá của thị trường chứng khoán.
Có thể thấy, ở bất cứ thời điểm nào thì việc nhìn vào từng nhóm cổ phiếu còn quan trọng hơn là theo tổng thể thị trường. Ở thời điểm hiện tại, ông/bà nhìn nhận nhóm cổ phiếu nào đang có nhiều cơ hội hơn?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank
Nhóm công nghệ (đặc biệt các công nghệ hot như AI), năng lượng (năng lượng xanh, sạch), vận tải (chú yếu vận tải hàng không) và các nhóm tiềm năng như bất động sản, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng...
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Các nhóm ngành công nghệ viễn thông, dầu khí, hóa chất, thép, cảng biển, tài chính...vẫn là những nhóm cổ phiếu ưu tiên trong năm nay.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC
Dù thanh khoản thị trường không cao nhưng dòng tiền vẫn ưa chuộng các cổ phiếu vốn hóa lớn, thông thường trong bối cảnh thanh khoản thị trường thấp thì các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ có khả năng tăng giá tốt hơn. Những cổ phiếu vốn hóa lớn thay phiên nhau tăng giá là chi tiết khá đáng chú ý trong tuần qua như: VJC, HPG, PLX, FPT, MWG.
Một chi tiết rất thú vị là trên thị trường vào lúc này là dòng tiền có sự chọn lọc rất tinh tế. Thị trường không có nhóm ngành dẫn dắt chính nhưng ở mỗi nhóm ngành đều có sự hiện diện của một cổ phiếu tạo được hiệu ứng rất tốt. Chẳng hạn, MWG trong ngành bán lẻ, FPT trong ngành công nghệ, TCB trong ngành ngân hàng, HCM trong ngành chứng khoán, HPG trong ngành thép, TCH trong ngành bất động sản.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS)
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng hiện tại nên nhìn nhận và tìm kiếm cơ hội theo từng nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng. Gần đây, thông tin Mỹ có cuộc điều trần nhằm xem xét công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường đã giúp cho nhóm ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, thép… được dòng tiền chú ý.
Ngoài nhóm xuất khẩu, tôi cho rằng một số nhóm cổ phiếu như nhóm xây dựng với câu chuyện về thúc đẩy đầu tư công và kỳ vọng sự hồi phục của thị trường bất động sản; hay nhóm chứng khoán với câu chuyện nâng hạng thị trường và nhóm điện với câu chuyện liên quan đến tăng giá điện và chuyển giao giữa các hình thái thời tiết sẽ là các câu chuyện có thể chờ đợi trong giai đoạn còn lại của quý II.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK smart Invest
Nhóm vận tải biển, nhóm dầu khí và các cổ phiếu có yếu tố kinh doanh có bản tốt vẫn sẽ duy trì đà tăng. Thực ra chúng ta thấy rằng thị trường vẫn xoay tua đi lên và mỗi nhóm cổ phiếu xuất hiện trong 1 nhịp tăng. Các cổ phiếu có kỳ vọng kinh doanh tốt hoặc kinh doanh cải thiện theo quý vẫn duy trì hiệu suất vượt trội hơn so với nhóm khác.