Gốm sứ Tân Thịnh và câu chuyện thành công từ kết hợp hiện đại với truyền thống

HTX Sản xuất kinh doanh Gốm sứ Tân Thịnh là đơn vị tiêu biểu đưa thương hiệu gốm Bát Tràng lan tỏa rộng rãi đến với người tiêu dùng khắp năm châu. Những sản phẩm - tác phẩm gốm của HTX mang hơi thở của thời đại, đậm nét đặc sắc của mỹ thuật Việt Nam, nhưng vẫn phảng phất hồn cốt của làng nghề truyền thống đã hình thành từ hàng trăm năm nay...

Giờ đây, thế giới đã bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0, khi có thể dễ dàng nhìn thấy gốm sứ của cả thế giới thì những nghệ nhân của HTX Gốm sứ Tân Thịnh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) luôn ý thức sâu sắc được sự chủ động học hỏi sáng tạo, sử dụng tốt các chất liệu trong nước và làm nổi bật lên nét đặc sắc của mỹ thuật Việt Nam để đưa gốm đi xa hơn, khẳng định được vị thế gốm Bát Tràng.

Giao thoa giữa cũ và mới

HTX Sản xuất kinh doanh Gốm Tân Thịnh được thành lập từ năm 2013, tập hợp 11 thành viên đều là những nghệ nhân giỏi, ưu tú của làng gốm Bát Tràng. Đến nay, HTX đang tạo việc làm cho trên 300 lao động với mức thu nhập trung bình từ 10 -15 triệu đồng/tháng. Hiện, mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường trong nước và nước ngoài trên 50.000 sản phẩm các loại, với nhiều chủng loại và mẫu mã đa dạng.

Những nghệ nhân của HTX Gốm Tân Thịnh luôn có một trăn trở, đó là làm sao cập nhật xu thế về ngành nghề và phát triển công nghiệp ngành gốm nhưng vẫn giữ được nét độc đáo riêng biệt từ bao đời nay của làng nghề truyền thống?

Tại không gian trưng bày của HTX Tân Thịnh, các sản phẩm gốm mang những thiết kế, kiểu dáng, màu sắc sống động, gần gũi với bảng màu tranh sơn mài, tranh sơn dầu, mang chất liệu gần gũi thiên nhiên. Người xem cảm nhận được rõ nét thông điệp của những nghệ nhân muốn truyền tải: Thiên nhiên luôn ban tặng cho chúng ta những điều tinh hoa nhất, vậy nên chúng ta phải biết trân trọng và gìn giữ những tinh hoa quý báu đó.

Không gian trưng bày của HTX Gốm sứ Tân Thịnh với các sản phẩm mang những thiết kế, kiểu dáng, màu sắc sống động, mang chất liệu gần gũi trong thiên nhiên.

Không gian trưng bày của HTX Gốm sứ Tân Thịnh với các sản phẩm mang những thiết kế, kiểu dáng, màu sắc sống động, mang chất liệu gần gũi trong thiên nhiên.

Ông Tân cho rằng, sáng tạo gốm ngày nay không chỉ cần nghệ nhân phải luôn không ngừng tìm tòi, dẫn mốt, mà còn phải hiểu kỹ được về gốm, phải có sự đam mê, muốn làm mới, muốn khẳng định được chất riêng của hồn cốt dân tộc. Bởi gốm là đất, là sự hư không, nằm trong lòng đất nhưng lại là đất của một quốc gia. Vậy nên những sản phẩm gốm của HTX Tân Thịnh nói riêng và làng nghề Bát Tràng nói chung phải nhìn ra được là gốm in đậm tinh thần và hơi thở của Việt Nam, song cũng phải toát lên sự mới mẻ của thời đại.

Trao đổi với phóng viên VnBusiness về lý do lựa chọn mô hình HTX, ông Tân cho biết: “HTX Sản xuất kinh doanh Gốm sứ Tân Thịnh ra đời có vai trò rất lớn trong kinh tế xã hội của làng nghề. Việc chúng tôi quyết định liên kết để thành lập HTX thay vì công ty liên doanh là bởi các thành viên cũng chính là các nghệ nhân lâu năm của làng nghề mong muốn có một thứ gì đó chung để gắn kết các hộ làm nghề trong vùng, nhưng cũng phải gần gũi với tính chất làng nghề truyền thống. Vì vậy, HTX chính là một mô hình hợp lý, tạo điều kiện giúp chúng tôi cùng nhau phát triển và đưa danh tiếng của làng nghề bay xa”.

Mang văn hóa Việt đi khắp năm châu

Là một người say mê với nghệ thuật gốm, nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân đã nghiên cứu rất nhiều về công nghệ, mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại bậc nhất vào các công đoạn sản xuất gốm sứ của HTX: máy đánh hồ, máy khuấy, máy nghiền ly tâm, lò nung đốt liên hoàn bằng điện, máy in hoa văn... Nhờ đó, các sản phẩm gốm của HTX luôn được thị trường đón nhận, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao về nghệ thuật và kinh tế.

Những nghệ nhân trong HTX Gốm sứ Tân Thịnh luôn tâm niệm, mỗi sản phẩm đều là tấm gương soi phản chiếu cái tâm của người làm ra nó, vì vậy các tác phẩm đều được làm trau chuốt, tỉ mỉ.

Những nghệ nhân trong HTX Gốm sứ Tân Thịnh luôn tâm niệm, mỗi sản phẩm đều là tấm gương soi phản chiếu cái tâm của người làm ra nó, vì vậy các tác phẩm đều được làm trau chuốt, tỉ mỉ.

Song song với đó, Ban lãnh đạo của HTX luôn hiểu rõ vai trò quan trọng của HTX đối với việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp người lao động an tâm theo đuổi đam mê sáng tạo nghệ thuật nhưng vẫn đảm bảo được thu nhập kinh tế.

HTX Gốm sứ Tân Thịnh là đơn vị cung cấp đa dạng các sản phẩm gốm sứ theo hợp đồng quà tặng, tiêu dùng, các dự án lớn của khách sạn, nội, ngoại thất resort,…. Ngoài ra, HTX cũng có những dòng sản phẩm cố định để cung ứng đến đại lý của các tỉnh thành. Cứ khoảng 6-12 tháng, HTX sẽ sáng tạo thay đổi mẫu mã một lần, luôn cập nhật liên tục chiếu theo xu thế thẩm mỹ của thị trường.

Để làm được điều này, HTX đã chủ động tổ chức cho nghệ nhân tham gia các triển lãm, xúc tiến thương mại, tọa đàm nghệ thuật của các chuyên gia để tham khảo thiết kế mẫu mã, cập nhật công nghệ mới cả ở Việt Nam lẫn mang sản phẩm của HTX đi giao lưu quốc tế ở những quốc gia có nền nghệ thuật làm gốm sứ lâu đời như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...

Những nghệ nhân trong HTX Gốm sứ Tân Thịnh luôn tâm niệm, mỗi sản phẩm đều là tấm gương soi phản chiếu cái tâm của người làm ra nó. Vì vậy, công việc ngày đêm làm bạn với bùn đất này không chỉ để tạo ra những giá trị nghệ thuật chân chính, mà còn là truyền lửa cho thế hệ trẻ, là đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội. Đó cũng là sự tự tôn dân tộc về một làng nghề thủ công mỹ nghệ, đưa làng nghề truyền thống Bát Tràng xứng danh là "bông hoa đẹp" của Thủ đô.

Trong những năm vừa qua, HTX Gốm sứ Tân Thịnh đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, cho ra mắt hàng nghìn sản phẩm có họa tiết trang trí tinh xảo. Một số tác phẩm tiêu biểu được người yêu nghệ thuật ưa thích phải kể đến: Bình gốm vân đá, bộ lọ gốm hoa văn cách điệu hoa cúc dây, tác phẩm Ngũ sắc liên hoa với chất liệu gốm men màu gấm kim sa…

Đặc biệt, phải kể đến bộ sản phẩm men suối ngọc đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá rất cao về độ sáng tạo cũng như thiết kế tinh xảo, đạt được chứng nhận OCOP 4 sao của Thành phố Hà Nội.

Mở hướng mới với mô hình du lịch trải nghiệm

Tuy nhiên, HTX vẫn còn gặp một số khó khăn, mà theo đánh giá của ông Tân, là khó khăn chung của các doanh nghiệp tư nhân, những nghệ nhân nhỏ lẻ.

Điển hình như, hiện nay, quỹ đất của Thành phố đang bị thu hẹp lại, trong khi theo thống kê của UBND huyện Gia Lâm, xã Bát Tràng có 2.355 hộ dân và có đến 910 hộ sản xuất và kinh doanh gốm. Điều này dẫn đến việc các cơ sở sản xuất gốm cả lớn lẫn nhỏ lẻ khó có thể mở rộng quy mô xưởng sản xuất hay không gian trưng bày.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, chính quyền Thành phố Hà Nội cũng như xã Bát Tràng có những chủ trương thực hiện dự án phát triển làng nghề Bát Tràng trở thành một khu du lịch vừa kết hợp tham quan, trải nghiệm và mua sắm để tạo đà thúc đẩy kinh tế. Trong những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt/năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 20%, học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%.

Tuy nhiên, để du lịch Bát Tràng phát triển bền vững và trở thành điểm đến yêu thích của du khách thì còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết là công tác đào tạo, tập huấn những kỹ năng cơ bản về du lịch cộng đồng cho người dân tại địa phương để họ có thể tạo được ấn tượng tốt với du khách và tự tin làm nghề.

Vì vậy, với cương vị là người đứng đầu của một HTX, ông Tân mong muốn trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, cũng như các cấp có thẩm quyền sẽ có thêm đề án bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Qua đó, đưa Làng nghề gốm Bát Tràng trở thành một địa danh không chỉ nổi tiểng về lịch sử lâu đời, mà còn có những sản phẩm gốm sứ chất lượng, đưa vị thế của gốm Việt Nam đi xa hơn trên "bản đồ gốm sứ" thế giới.

Thanh Uyên - Nguyễn Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/gom-su-tan-thinh-va-cau-chuyen-thanh-cong-tu-ket-hop-hien-dai-voi-truyen-thong-1093481.html