Hà Nam có nhiều cổ vật và bảo vật quý hiếm

Tiềm năng nghiên cứu Khảo cổ học ở tỉnh Hà Nam còn rất lớn, đó là tư liệu vật chất quan trọng góp phần nhận thức mới nhất về khảo cổ học tiền sử.

Nhiều cổ vật của các nhà sưu tầm tư nhân được trưng bày. Ảnh: Bình Nguyên.

Nhiều cổ vật của các nhà sưu tầm tư nhân được trưng bày. Ảnh: Bình Nguyên.

Theo ông Nguyễn Anh Chức, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Nam, tỉnh lưu giữ được rất nhiều hiện vật, cổ vật và bảo vật quý hiếm mang giá trị lịch sử, văn hóa cao, tiêu biểu như: Tượng Kinari, tượng Kim Cương thời Lý ở Chùa Đọi Sơn, cuốn sách bằng đồng có tên “Cầu Không kì tứ” niên hiệu Hồng Đức 2 ở Lý Nhân, cùng với đó là 4 bảo vật quốc gia: Trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Tiên Nội dấu ấn thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn minh Đông Sơn thời các vua Hùng dựng nước, bia Sùng Thiện Diên Linh, bia đá chùa Giàu.

Ý thức sâu sắc về giá trị di sản văn hóa mà tiền nhân đã trao truyền lại, trong những năm qua, chính quyền và nhân dân Hà Nam đã nỗ lực trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của tỉnh nhà, từng bước có các giải pháp phát huy các tiềm năng ấy thực sự trở thành nguồn lực và thế mạnh cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Viện Khảo cổ học trong nhiệm vụ điều tra, thăm dò, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2021- 2025.

Từ năm 2021 - 2023, Sở đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức điều tra hệ thống các di tích trên địa bàn tỉnh. Kết quả bước đầu đã phát hiện và nhận diện trên 20 di tích, dấu tích có tiềm năng nghiên cứu tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ học. Trong đó huyện Bình Lục có 3 địa điểm; huyện Thanh Liêm 8 địa điểm; thị xã Duy Tiên 2 địa điểm; huyện Kim Bảng khoảng 15 điểm.

Qua các cuộc điền dã, khai quật bước đầu cho thấy tiềm năng nghiên cứu Khảo cổ học ở tỉnh Hà Nam còn rất lớn, đó là tư liệu vật chất quan trọng góp phần nhận thức mới nhất về khảo cổ học tiền sử Hà Nam. Đây là cơ sở khoa học để Sở tham mưu, đề xuất với tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án mở rộng khai quật, nghiên cứu khảo cổ và đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học, phục vụ việc nghiên cứu lịch sử văn hóa, xây dựng hồ sơ, quy hoạch di sản, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích và các nguồn tài nguyên văn hóa Hà Nam còn tiềm ẩn trong lòng đất.

N.N

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-hay/ha-nam-co-nhieu-co-vat-va-bao-vat-quy-hiem-c17a63425.html