Hà Nội đẩy nhanh giải ngân các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do TP. Hà Nội quản lý 4 tháng đầu năm 2024 tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án đầu tư thực hiện từ nguồn vốn này đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn.

Nguồn: Cục Thống kê TP. Hà Nội. Đồ họa: Văn Chung

Nhiều dự án tăng tốc thi công

Số liệu từ Cục Thống kê TP. Hà Nội cho thấy, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng 4 ước đạt 3.946 tỷ đồng, tăng 8,7% so với thực hiện tháng trước và tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Vốn NSNN cấp thành phố 1.520 tỷ đồng, tăng 5,3% và tăng 18,2%; vốn NSNN cấp huyện 2.245 tỷ đồng, tăng 11,1% và tăng 28,5%; vốn NSNN cấp xã 181 tỷ đồng, tăng 8,3% và tăng 42,9%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư từ nguồn NSNN do địa phương quản lý thực hiện được 13,9 nghìn tỷ đồng, đạt 17,8% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn NSNN cấp thành phố 5,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,3%, tăng 11,9%; vốn NSNN cấp huyện 7,8 nghìn tỷ đồng, đạt 20,2% và tăng 33,4%; vốn NSNN cấp xã 0,6 nghìn tỷ đồng, đạt 18,5% và tăng 43,4%. Vốn đầu tư thực hiện từ NSNN 4 tháng đầu năm 2024 (so với cùng kỳ năm trước).

Cam kết giải ngân đạt 95% đối với dự án cấp thành phố

UBND TP. Hà Nội cho biết, năm 2024 thành phố được giao là 81.033 tỷ đồng vốn đầu tư công; chi đầu tư trở lại cho các quận, huyện, thị xã từ tiền thuê đất trả tiền một lần 521 tỷ đồng. Đối với dự án cấp thành phố, dự án sử dụng vốn ngân sách cấp thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện cơ bản các đơn vị đều phấn đấu, cam kết giải ngân trên 95% kế hoạch giao.

Đối với các dự án sử dụng 100% vốn ngân sách cấp huyện, 29/30 quận, huyện, thị xã dự kiến, cam kết giải ngân 100% kế hoạch vốn. Thời gian tới, đối với các dự án cấp thành phố, thành phố sẽ rà soát, xác định khả năng thực hiện khả thi, khả năng giải ngân trong năm 2024, 2025. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm và các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021-2025.

Thực tế, hiện nay một số công trình, dự án trên địa bàn thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công đang nỗ lực hơn nhằm đưa các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành sớm nhất có thể. Đơn cử, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 8,9%.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 28,9% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ có tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố; trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng, 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 7,1% kế hoạch vốn…

Thúc đẩy triển khai các công trình trọng điểm

Theo UBND TP. Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025, theo nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội sẽ triển khai 39 công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư dự kiến là trên 360.980 tỷ đồng thuộc 10 lĩnh vực. Trong đó, có 32 dự án sử dụng vốn ngân sách, 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư), 6 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Đến thời điểm này, các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã có 1 dự án hoàn thành là cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; 15 dự án đang triển khai thực hiện; 13 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt dự án; 6 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, đang tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đối với 1 dự án sử dụng vốn PPP, tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đã hoàn thành năm 2022, còn 6 dự án xã hội hóa đã có 4 dự án được quyết định chủ trương đầu tư; 1 dự án đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư; 1 dự án chưa có hồ sơ đề xuất.

Về kết quả giải ngân, giai đoạn 2021 - 2023 giải ngân đạt 70,8% kế hoạch được giao; kế hoạch vốn năm 2024 đến ngày 15/4/2024 đã giải ngân hơn 1.968 tỷ đồng, đạt 11,9% kế hoạch năm. Theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021 - 2025, hiện đã quá nửa thời gian kế hoạch, tuy nhiên tiến độ các dự án trọng điểm còn chậm. Trong khi đó, kế hoạch vốn trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 phải bố trí, giải ngân trong các tháng còn lại năm 2024 và năm 2025 là 39.986 tỷ đồng.

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư chủ động, khẩn trương làm việc với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội tháng 7/2024.

Đối với các dự án đang triển khai cần phải đẩy nhanh tiến độ; đối với các dự án còn khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trường hợp không bảo đảm tiến độ phải chủ động báo cáo UBND TP Hà Nội từ sớm để có chỉ đạo và điều hành nguồn vốn phù hợp.

Hà Nội kiểm tra 99 dự án đầu tư

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản về việc kiểm tra, đánh giá các dự án trên địa bàn năm 2024, dựa trên đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, trong năm 2024, TP. Hà Nội sẽ thực hiện kiểm tra 99 dự án đầu tư, bao gồm 50 dự án chuyển tiếp thuộc kế hoạch năm 2023 và 49 dự án mới.

Việc này nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án đầu tư, đảm bảo các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Đồng thời, phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để có giải pháp kịp thời tháo gỡ, hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Trong số 50 dự án chuyển tiếp thuộc kế hoạch năm 2023, có 28 dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công và 22 dự án vốn ngoài ngân sách. Các dự án mới tổ chức kiểm tra năm 2024 bao gồm 49 dự án, trong đó có 30 dự án đầu tư công và 19 dự án vốn ngoài ngân sách.

Đáng chú ý, trong danh sách các dự án đầu tư công có nhiều dự án nổi bật như: Dự án đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông Nhuệ trên tuyến đường Dịch Vọng - Phú Mỹ - Cầu Diễn và đường nối ra Quốc lộ 32, quận Nam Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm (tổng mức đầu tư 380,1 tỷ đồng); Nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín (giai đoạn 1, tổng mức đầu tư 684,4 tỷ đồng) cùng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội làm chủ đầu tư…

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-day-nhanh-giai-ngan-cac-du-an-co-von-dau-tu-tu-ngan-sach-nha-nuoc-150308-150308.html