Hà Nội hướng về tháng 5 lịch sử
Hòa chung không khí kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm ôn lại chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' và giáo dục truyền thống yêu nước tới lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam.
Trưng bày chuyên đề “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh”
Trưng bày chuyên đề “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh” đang diễn ra tại Khu di tích Phủ Chủ tịch đến hết tháng 9-2024.
Trưng bày nhằm tôn vinh và tri ân những cống hiến, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ; tuyên truyền giới thiệu tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân ta; đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, tìm hiểu truyền thống lịch sử của người dân và du khách khi đến tham quan tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Trưng bày chuyên đề có 150 ảnh tư liệu tiêu biểu với 3 phần nội dung chính. Phần I - “Từ Hà Nội đến Việt Bắc”: Giới thiệu tư tưởng hòa bình và sự nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tránh một cuộc chiến tranh giữa 2 nước Việt Nam và Pháp, về đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh; về quá trình tổ chức và xây dựng lực lượng mọi mặt, tạo nên sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc; về đường lối quân sự sáng tạo, đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954.
Phần II - “Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Điện Biên Phủ”: Giới thiệu về quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với quân đội Pháp trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đồng thời khẳng định vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ trương, giải pháp quân sự chỉ đạo và huy động sức mạnh của quân dân ta phục vụ chiến dịch, những lời khen ngợi, động viên kịp thời của Người tới cán bộ, chiến sỹ tại mặt trận.
Phần III - “Âm vang Điện Biên Phủ”: 70 năm qua, nhân loại tiến bộ đã hát vang “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ”. Âm hưởng của lời ca ấy mãi mãi là niềm tự hào, sự cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người dân Việt Nam, nhất là góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa; nêu cao tinh thần cảnh giác, rèn luyện ý chí cách mạng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ chế độ trước âm mưu chia rẽ, đánh phá của các thế lực thù địch và đẩy mạnh quan hệ, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chương trình nghệ thuật xiếc “Sống mãi với Điện Biên”
Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Điện Biên” sẽ ra mắt khán giả Thủ đô vào các ngày 4, 5, 11 và 12-5-2024 tại Rạp Xiếc Trung ương số 67-69 Trần Nhân Tông, Hà Nội.
Bằng ngôn ngữ xiếc, chương trình “Sống mãi với Điện Biên” sẽ tái hiện câu chuyện lịch sử với âm hưởng hào hùng, bi tráng của chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, ở chương trình “Sống mãi với Điện Biên”, ý tưởng của ê-kíp sáng tạo là sân khấu xiếc sẽ được xây dựng thành một sa bàn lớn thể hiện toàn cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ vị trí của khán giả nhìn xuống sân khấu sẽ như một thung lũng thu nhỏ, các hoạt cảnh tái hiện những trận chiến cam go và hào hùng của các chiến sỹ Điện Biên thông qua các hoạt cảnh như “Tây Bắc hào hùng,” “Hành quân xa,” “Hò kéo pháo,” “Trên đồi Him Lam,” “Giải phóng Điện Biên.” Mỗi hoạt cảnh theo mỗi chủ đề sẽ đưa người xem đến với những ký ức hào hùng về Điện Biên bằng ngôn ngữ xiếc.
Chương trình còn tái hiện lại hình ảnh một số anh hùng tiêu biểu trong chiến dịch Điện Biên Phủ như: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, hay Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai… Bên cạnh đó, chương trình còn có các màn kéo pháo, múa xòe, nhảy sạp… và các tiết mục xiếc như xe đạp chồng người, múa sạp, nhào lộn, tung hứng, đế trụ tập thể, dây da, leo cột, múa cờ, nhào lưới, xiếc thú, cầu bật, thăng bằng trên dây, cùng sự kết hợp của dàn hợp xướng và các ca sĩ thể hiện các ca khúc về Điện Biên. Cũng trong chương trình, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ mời một số cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm mang đến cảm xúc đặc biệt, những ký ức, câu chuyện về chiến dịch lịch sử này.
Theo NSND Tống Toàn Thắng, “Sống mãi với Điện Biên” không chỉ là một chương trình nghệ thuật xiếc mà còn là dịp để các nghệ sỹ thể hiện tấm lòng, tình cảm, tri ân những người đã hy sinh máu xương vì độc lập, tự do của đất nước, nỗ lực truyền tải lịch sử qua nghệ thuật. Đồng thời thông qua chương trình, những nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam mong muốn mang đến cho khán giả một chương trình xiếc vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang ý nghĩa lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng yêu nước trong nghệ sĩ trẻ và khán giả.
Trình chiếu bức tranh Panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" bằng công nghệ 3D mapping
Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” sẽ được trình chiếu bằng công nghệ 3D mapping tại tượng đài Cảm tử, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ nay đến hết ngày 7-5. Thời gian trình chiếu từ 18h30 đến 23h.
Mỗi ca chiếu sẽ kéo dài gần 10 phút để nghe giới thiệu nội dung. Sau đó, ánh sáng sẽ bật sáng toàn không gian, mỗi khán giả có thêm 20 phút để thưởng lãm từng chi tiết trên tranh. Người xem có thể xem tự do hoặc đi theo sự dẫn dắt của âm nhạc mỗi trường đoạn. Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức.
Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là tác phẩm nghệ thuật đồ sộ với diện tích hơn 3.000m2, được 200 họa sĩ tài năng dày công, tâm huyết khắc họa rõ nét “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta để làm nên “Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chương trình trình chiếu 3D mapping bức tranh dự kiến qua 4 trường đoạn. Trường đoạn 1 - “Toàn dân ra trận”: Hình ảnh người dân dắt xe thồ hỗ trợ tiền tuyến và những người chiến sĩ quả cảm kéo pháo lên đỉnh đồi chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ cùng với những tiếng hò dô khích lệ tinh thần nhau, xen kẽ vào đó là hình ảnh những bữa ăn đơn sơ của người lính.
Trường đoạn 2 - “Khúc dạo đầu hùng tráng”: Những người lính xung phong ra trận cùng với tiếng hô “xung phong” và hàng loạt tràng pháo mặt đất. Bên cạnh đó là hình ảnh quân y đang chăm sóc những chiến sĩ bị thương.
Trường đoạn 3 - “Cuộc đối đầu lịch sử”: Người lính bò qua các hầm cùng với các hành động bắn súng, tiếng hô “xung phong” và những người lính hy sinh trên chiến trường cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh.
Trường đoạn 4 - “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”: Lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm chỉ huy, các chiến sĩ dẫn giải tướng De Castries và các tù binh ra khỏi hầm.
Việc trình chiếu bức tranh 3D “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tại Hà Nội cũng là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt trong công tác trưng bày, quảng bá và tuyên truyền lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi gợi lòng biết ơn, tình yêu hòa bình, tự do cho thế hệ trẻ. Đồng thời khẳng định vị thế và tầm quan trọng của chiến thắng Điện Biên Phủ trong lịch sử dân tộc.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ha-noi-huong-ve-thang-5-lich-su-post575299.antd