Hà Nội xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng

Trong hai ngày 28 - 29/8, lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ các công trình, homestay xây sai phép trên đất rừng phòng hộ. 'Siết chặt' vi phạm trật tự xây dựng cũng là chủ trương của TP Hà Nội thời gian tới.

Cụ thể, trong ngày 28/8, UBND huyện Sóc Sơn đã phối hợp cùng UBND xã Minh Phú và các đơn vị liên quan huy động công nhân tháo dỡ công trình đầu tiên tại khu vực đồi Dõng Chum. Công trình vi phạm có diện tích hơn 130m2, bị cưỡng chế sau thời gian dài chủ nhà “chây ì” không làm theo quy định.

“Mạnh tay” với công trình vi phạm

Đáng chú ý, khu vực đồi Dõng Chum là địa điểm xảy ra vụ sạt lở vùi lấp hàng chục ô tô trên đoạn đường dài hơn 300m do dân xẻ núi tự mở. Thống kê cho thấy, khu vực này còn 4 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng phòng hộ thuộc diện buộc tháo dỡ.

Chia sẻ với báo giới, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn khẳng định, trong tháng 8 và tháng 9/2023, UBND huyện Sóc Sơn sẽ tiến hành phá dỡ, xử lý triệt để những công trình vi phạm xây dựng dọc con đường bê tông lên đỉnh đồi Dõng Chum.

UBND Sóc Sơn dự kiến xử lý triệt các công trình vi phạm "bức tử" đất rừng, lòng hồ trong thời gian tới.

UBND Sóc Sơn dự kiến xử lý triệt các công trình vi phạm "bức tử" đất rừng, lòng hồ trong thời gian tới.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xảy ra 60 trường hợp vi phạm đất đai (vi phạm trên đất) diễn ra ở hai xã Minh Phú, Minh Trí. Ngoài ra, huyện Sóc Sơn cũng giao Chủ tịch UBND xã Minh Trí cưỡng chế 6 công trình sai phép và giải tỏa các lều lán xung quanh hồ Đồng Đò.

Trong khi đó, theo ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Hà Nội), khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) và hồ Ban Tiện (xã Minh Phú) là những nơi đang diễn ra hoạt động xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp khá nghiêm trọng. Phần lớn diện tích đất này đang thuộc quyền quản lý của huyện, chưa bàn giao về cho Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Ông Tuyên cũng cho biết, trong nửa đầu năm 2023, tại Sóc Sơn xảy ra 59 vụ xâm phạm đất rừng, trong đó có 36 vụ xây dựng trái phép; 21 vụ san gạt và 2 vụ khai thác đất lâm nghiệp trái phép.

Không chỉ ở Sóc Sơn, vấn đề quản lý vi phạm trật tự xây dựng đang được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm trong bối cảnh đô thị hóa quá nhanh. Nhiều địa phương đang cho các lực lượng kiểm tra hàng tuần để ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, bởi công nghệ xây dựng hiện nay có thể làm một ngôi nhà trong vài tuần, khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn hơn.

Quản lý chặt, xử lý triệt để

Đáng chú ý, vào trung tuần tháng 8/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 21/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Hà Nội.

Quyết định nêu rõ, TP. Hà Nội cần tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã kể từ ngày 10/8/2023 cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

TP Hà Nội chủ trương xử lý nghiêm các công trình vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian tới.

TP Hà Nội chủ trương xử lý nghiêm các công trình vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian tới.

Trước đó, qua 5 năm thí điểm, mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được đánh giá là một mô hình hiệu quả. Bởi sau khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.

Các công trình xây dựng được kiểm soát, các vi phạm được phát hiện kịp thời. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc dư luận dần được hạn chế.

Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông và lũ quét.

Theo đó, các quận, huyện, sở, ngành thực hiện nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố đối với công tác phòng, chống sạt lở, lũ quét. Đối với các quận, huyện, TP Hà Nội yêu cầu tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư.

Về lâu dài, Hà Nội yêu cầu các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch và vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất, hoạt động xây dựng, nhất là hoạt động xây dựng trái phép gây nguy cơ mất an toàn do sạt lở, lũ quét. Các quận, huyện chịu trách nhiệm trước thành phố và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/ha-noi-xu-ly-nghiem-vi-pham-trat-tu-xay-dung-1094989.html