Hà Tĩnh 'gồng mình' trước 'biển lửa'

Hà Tĩnh - vùng đất đang phải hứng chịu liên tiếp nhiều vụ cháy rừng. Những cánh rừng phòng hộ ở khắp các huyện từ Nghi Xuân đến Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ… bị 'giặc lửa' nuốt gọn. Để ứng cứu kịp thời, tỉnh Hà Tĩnh đã điều động hơn 1.500 lượt người phối hợp với chính quyền, người dân các địa phương tập trung làm đường băng cản lửa, ngăn lửa rừng lan ra diện rộng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng di dời các hộ dân gần bìa rừng, tránh tổn thất về người và của.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp kiểm tra, thăm hỏi các lực lượng tại hiện trường cháy rừng.

Căng mình trước biển lửa

Từ ngày 26 - 30/6, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 11 vụ cháy rừng ở các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Lộc Hà và TX Kỳ Anh, thiêu rụi hàng trăm héc-ta rừng thông và keo tràm; trong đó mới nhất là vụ cháy rừng ở xã Sơn Trung và xã Sơn Lễ thuộc huyện Hương Sơn xảy ra rạng sáng 30/6. Riêng ngày 28/6 xảy ra liên tiếp 5 vụ cháy rừng, bao gồm vụ cháy tại khu rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 92 trên núi Hồng Lĩnh (xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân) kéo dài đến 3 ngày, từ trưa 28 đến chiều 30/6 vẫn chưa thể dập tắt được hoàn toàn.

Chỉ đạo chữa cháy rừng tại Xuân An, ông Phan Tấn Linh - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân cho biết: “Đám cháy lan rộng, vượt qua đường băng cản lửa. Đến cuối chiều 28/6 đã có khoảng 1.000 người thuộc các lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực tham gia chữa cháy cũng như hỗ trợ di dời tài sản của 80 hộ dân, tránh những thiệt hại về người và tài sản. Ngoài việc huy động các phương tiện trong tỉnh, Nghệ An đã hỗ trợ thêm 5 phương tiện chữa cháy hiện đại giúp Hà Tĩnh ứng cứu”.

Tại huyện Hương Sơn, từ tối 29/6 cũng xảy ra nhiều vụ cháy rừng ở địa bàn các xã Sơn Hàm, Sơn Trung, Sơn Lễ. Bắt đầu từ điểm cháy đầu tiên ở xã Sơn Hàm đến nay trên địa bàn huyện Hương Sơn đã có 20 điểm phát lửa. Sau các xã Sơn Hàm, Sơn Trung, Sơn Lễ thì đến ngày 30/6, ở các xã Sơn Tân, Sơn Giang cũng đã phát cháy. Là địa bàn nằm ở cực Tây của tỉnh Hà Tĩnh, gió Lào thổi mạnh, tại nhiều điểm cháy các lực lượng rất khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Thọ - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Do khu vực xảy ra cháy rừng ở trên đỉnh núi, thảm thực bì dày và gió Tây Nam thổi mạnh nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Tại thôn Nam Sơn (xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn) đám cháy đã lan gần khu vực nhà dân nên chính quyền đang khẩn trương di dời người dân ở quanh khu vực này”.

Tại xã Trường Sơn (huyện Đức Thọ) trong ngày 30/6 cũng bị hỏa hoạn từ huyện Nam Đàn (Nghệ An) cháy lan sang. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hơn 300 người nỗ lực dập lửa.

Đối mặt với hiểm nguy, có lúc lửa táp bỏng rát mặt, thế nhưng các chiến sĩ công an, bộ đội, kiểm lâm, dân quân tự vệ cùng người dân vẫn quyết tâm băng núi áp sát hiện trường đám cháy để ngăn lửa, cứu rừng.

Ông Nguyễn Công Tố - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, người có mặt trực tiếp chỉ đạo chữa cháy ngay từ đầu cho biết: Lực lượng kiểm lâm đã huy động 100% quân số tham gia chữa cháy rừng. Chúng tôi tiếp cận hiện trường, nỗ lực cùng người dân làm các đường băng cản lửa không để cho lửa lan rộng đến các khu vực khác. Do các cây thông cũ, thân gỗ mục vẫn còn âm ỉ, gió Lào thổi mạnh nên các đám cháy sẽ dễ dàng bùng phát trở lại. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Hà Tĩnh cùng với tình trạng thảm thực bì dày thì diễn biến tiếp theo của vụ cháy rừng là khó lường trước được.

Dù ở mặt trận nào thì màu áo xanh tình nguyện của lực lượng đoàn viên thanh niên luôn hiện hữu. Các bạn trẻ đã có mặt sớm nhất, hỗ trợ nhân dân làm đường băng cản lửa và tổ chức hậu cần phục vụ các lực lượng tham gia chữa cháy. Những thùng nước suối được vận chuyển từ dưới chân núi lên tận hiện trường, đến tay các chiến sĩ, người dân là một nguồn động viên lớn lao để họ vượt qua cơn khát tiếp tục chiến đấu.

Chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại ông Lê Thành Đông - Phó bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi đã huy động đoàn viên ở cơ sở hỗ trợ địa phương chữa cháy. Chỉ mong góp sức cùng bà con di chuyển tài sản về nơi an toàn, hỗ trợ các đoàn thiện nguyện tiếp tế lương thực cho các lực lượng đang cứu rừng”.

Phát huy phương án “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới

Sau nhiều ngày, đêm “đội nắng, trắng đêm” để dập lửa, hiện nay Hà Tĩnh đã kiểm soát được “giặc lửa”. Ông Nguyễn Công Tố - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh vẫn lo lắng: “Việc nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống cháy rừng là vô cùng quan trọng. Ý thức người dân càng tốt thì nguy cơ cháy rừng xảy ra càng ở mức thấp nhất. Đặc biệt hơn, khi khu vực rừng của địa phương có nguy cơ xảy ra cháy thì không cần đợi các lực lượng chức năng mà người dân cần tổ chức khoanh vùng và tiến hành xây dựng các đường băng cản lửa. Như vậy, khi cháy rừng xảy ra thì sẽ giảm thiểu thấp nhất thiệt hại và các lực lượng tham gia chữa cháy cũng dễ dàng hơn trong việc diệt giặc hỏa”.

Trực tiếp kiểm tra, thăm hỏi các lực lượng tại hiện trường cháy rừng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần chủ động, ứng cứu kịp thời của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có sự nỗ lực cao của các lực lượng, quyết liệt, kịp thời của các cấp chính quyền và sự phối hợp tác chiến của lực lượng Quân khu 4.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Hà Tĩnh bám sát công điện của Thủ tướng về phòng chống cháy rừng và cháy nổ tại khu dân cư; các lực lượng cần thực hiện phương án vừa ứng cứu tại chỗ, vừa có thể bổ sung, chi viện cho các điểm khác. Đồng thời, phải rà soát lại những điểm đã được khống chế, tiếp tục xử lý những đám cháy còn tiềm ẩn; luôn luôn giữ liên lạc, đảm bảo an toàn cao nhất cho các lực lượng tham gia và người dân sống sát chân núi nơi có xảy ra cháy.

Đối với việc bảo đảm an toàn trong cứu hộ, Phó Thủ tướng đề nghị các lực lượng cứu hộ nắm chắc quân số, thường xuyên giữ liên lạc, hỗ trợ nhau kịp thời, không để xảy ra tình huống nguy hiểm tới tính mạng.

Ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo: “Các lực lượng phải cắt trực thường xuyên, bố trí nhân lực, phương tiện và phương án “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó các diễn biến mới trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng”.

Trực tiếp chỉ đạo chữa cháy rừng tại địa bàn xã Sơn Lễ, ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh “ưu tiên đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân”.

Thời tiết khắc nghiệt, thảm thực vật dày khiến các vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Nhưng với quyết tâm và sự đồng lòng của không chỉ những người lính cứu hỏa, mà hàng nghìn chiến sĩ bộ đội, công an, cán bộ đến người nông dân, thậm chí là các em nhỏ cũng căng mình, gồng sức dập lửa, cứu rừng đã khống chế được “giặc lửa” hoành hành Hà Tĩnh thời gian qua.

Tuyết Mây

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ha-tinh-gong-minh-truoc-bien-lua.html