Hải Phòng: Chỉ đạo xử lý nghiêm dùng điện diệt chuột trong sản xuất

UBND Tp.Hải Phòng yêu cầu các quận, huyện thành lập tổ công tác tại các xã, thị trấn kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp dùng điện để diệt chuột theo quy định.

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, trên nhiều cánh đồng lúa tại các quận, huyện ở Tp.Hải Phòng, có tình trạng người dân dùng điện (điện lưới, máy phát điện, bình ắc quy…) vào buổi tối để diệt chuột. Đây là việc làm nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.

Trên địa bàn Tp.Hải Phòng, thời gian qua xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng do dùng điện diệt chuột. Trong đó, ngày 26/3/2024, ông V.V.T., sinh năm 1943, trú tại thôn Phủ Niệm 2, xã Thái Sơn, huyện An Lão đã sử dụng dây kim loại trần nối vào nguồn điện giăng vòng quanh thửa ruộng ở cạnh nhà để chống chuột phá hoại lúa, hoa màu.

Đến khoảng 20h cùng ngày, ông T. đi một mình ra thửa ruộng thì bị vấp phải dây điện do mình giăng nên đã tử vong ngay tại ruộng lúa. Thông qua kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi ban đầu, cơ quan chức năng Tp.Hải Phòng xác định nguyên nhân tử vong là do điện giật.

Trước đó, ngày 25/3/2023, đã xảy ra 1 vụ chết người do dùng điện để diệt chuột tại xã Hồng Thái, huyện An Dương, Tp.Hải Phòng. Ngày 16/8/2023, ông T., sinh năm 1969, trú tại thôn 10, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo (cùng Tp.Hải Phòng) sử dụng 4 máy phát điện để đánh chuột tại ruộng lúa. Do bất cẩn, ông T. đã bị điện giật dẫn đến tử vong.

Tình trạng dùng điện trái phép để diệt chuột bảo vệ mùa màng xuất hiện tại nhiều cánh đồng trên địa bàn Tp.Hải Phòng.

Trước thực trạng này, UBND Tp.Hải Phòng vừa ban hành Văn bản 867/UBND-NN yêu cầu UBND các huyện, quận nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng điện dưới mọi hình thức để bẫy, bắt, diệt chuột trên địa bàn.

Văn bản 867/UBND-NN nêu rõ, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hải Phòng, thời gian qua, đơn vị kiểm tra thăm đồng tại một số cánh đồng trồng lúa có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân dùng điện (điện lưới, máy phát điện, bình ắc quy...) để bẫy, bắt, diệt chuột. Đây là hành vi rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến vật nuôi (gia súc, gia cầm...) và tính mạng con người.

Để việc sản xuất an toàn, hiệu quả và kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng sử dụng điện để bẫy, bắt diệt chuột, UBND Tp.Hải Phòng yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn (công an xã) xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra các trường hợp sử dụng điện để bẫy, bắt, diệt chuột.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân các biện pháp diệt chuột an toàn bằng biện pháp thủ công, biện pháp sử dụng thuốc để diệt chuột.... khuyến khích người dân phát hiện và báo cáo các cơ quan chức năng đối với những hộ dùng điện bẫy, bắt, diệt chuột bằng điện nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để phòng ngừa hậu quả xấu xảy ra.

Nếu địa phương nào để xảy ra chết người do sử dụng điện để bẫy, bắt, diệt chuột, Chủ tịch UBND các huyện, quận đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng.

Dây điện được giăng sẵn để dùng điện diệt chuột vào buổi tối tại nhiều cánh đồng trên địa bàn Tp.Hải Phòng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Lê Thanh Huyền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, UBND huyện Kiến Thụy ban hành Văn bản số 1207 về việc nghiêm cấm dùng điện dưới mọi hình thức để bẫy, bắt, diệt chuột trong sản xuất trồng trọt.

Theo đó, UBND huyện Kiến Thụy yêu cầu UBND các 18 xã, thị trấn trên địa bàn phối hợp với công an xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, phát hiện các trường hợp sử dụng điện để bẫy, bắt, diệt chuột để xử lý theo quy định của pháp luật.

Văn bản số 1207 của UBND huyện Kiến Thụy cũng nêu rõ, chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND Huyện nếu để xảy ra tại nạn, chết người do sử dụng điện để bẫy, bắt, diệt chuột.

Huyện Kiến Thụy tổ chức diệt chuột bằng phương pháp được phép theo quy định để bảo vệ mùa màng.

Bà Lê Thanh Huyền cho biết thêm, trước tình trạng chuột phá hoại mùa màng, vừa qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy tham mưu UBND Huyện chỉ đạo tổ chức các đợt diệt chuột bằng phương pháp được phép theo quy định.

Để khuyến khích người dân, tổ chức tham gia diệt chuột, huyện Kiến Thụy tiến hành thu mua đuôi chuột với giá 2.000 đồng/đuôi. Nhờ vậy, tình trạng chuột phá hoại mùa màng cũng giảm bớt.

Không chỉ huyện Kiến Thụy mà các quận, huyện trên địa bàn Tp.Hải Phòng hiện đang tích cực triển khai những nội dung UBND Thành phố chỉ đạo tại Văn bản 867/UBND-NN phòng ngừa, xử lý các trường hợp dùng điện để bẫy, bắt, diệt chuột cũng như khuyến khích các biện pháp diệt chuột được phép để bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 18, Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với 13 hành vi vi phạm, trong đó có hành vi sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật.

Ngoài ra, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Nếu để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, người có hành vi sử dụng điện để bẫy, bắt động vật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hai-phong-chi-dao-xu-ly-nghiem-dung-dien-diet-chuot-trong-san-xuat-a662215.html