Hai sinh viên khuyết tật đã bước trên hành trình học vấn với quyết tâm đáng nể

Nguyễn Thiên Phú và Vòng Minh Nhi, hai sinh viên khuyết tật tốt nghiệp từ Đại học RMIT, đã bước trên hành trình học vấn với quyết tâm đáng nể. Sự chuyển mình của hai bạn là minh chứng cho thấy nếu được trao đúng công cụ và cơ hội để tỏa sáng, các bạn hoàn toàn có thể gặt hái được thành tựu theo cách riêng của mình.

Năng lượng sôi động trên chiếc xe lăn

Do mắc chứng loạn dưỡng cơ nên Nguyễn Thiên Phú gặp không ít khó khăn không chỉ trong việc học. Song điều này không ngăn cản được cậu bạn tận hưởng hết quãng thời gian đại học. Phú vùi đầu vào học hành, rèn giũa sự sáng tạo và khả năng được tuyển dụng, theo đuổi đam mê thiết kế và lấy được tấm bằng cử nhân về Thiết kế (Truyền thông số).

Cử nhân Thiết kế (Truyền thông số) Nguyễn Thiên Phú.

Cử nhân Thiết kế (Truyền thông số) Nguyễn Thiên Phú.

“Tôi từng bối rối và không rõ hành trình học sẽ thế nào khi mới nhập học”, Phú chia sẻ.

“Nhờ cơ sở hạ tầng quanh trường được thiết kế thân thiện không rào cản, tôi có thể tự do di chuyển quanh trường và chủ động tham gia các hoạt động học tập và ngoại khóa khác nhau”.

Trong khuôn khổ chương trình đã chọn, Phú học cách làm chủ nhiều công nghệ, khám phá những chân trời mới của ngành thiết kế, và đưa ra các ý tưởng mang tính đột phá. Và đây không thể là chuyến đi thuận buồm xuôi gió nếu cậu bạn không nhận được sự hỗ trợ của Dịch vụ Giáo dục công bằng và tiếp cận (ELA) của trường. ELA đã và đang đem đến cơ hội giáo dục bình đẳng và hòa nhập cho những sinh viên có hoàn cảnh cũng như nhu cầu học tập khác biệt trong hơn mười năm qua.

Năm 2017, ELA đã đưa ra sáng kiến và ra mắt chương trình Hỗ trợ sinh viên (Student Aid - SA) nhằm cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên đăng ký sử dụng các dịch vụ của ELA có nhu cầu học tập khác nhau. Nhân viên hỗ trợ thuộc chương trình SA chính là sinh viên hiện đang theo học tại trường được tuyển dụng để làm việc với các vai trò khác nhau như người ghi chép bài giảng, người ghi chép trong các cuộc thi, người đọc, cũng như người hỗ trợ trong các buổi giảng, hướng dẫn thực hành, kỳ thi và các chuyến đi thực tế.

Phú cảm kích với những hỗ trợ mà bạn nhận được với tư cách là một trong những sinh viên thụ hưởng các hoạt động của chương trình này.

“Khởi đầu hành trình học tại RMIT, ELA đã hỗ trợ tôi phát triển Kế hoạch Học tập công bằng, trong đó có những điều chỉnh về điều kiện học của tôi, chẳng hạn như gia hạn thời gian nộp bài và được nhân viên thuộc chương trình SA hỗ trợ”, Phú chia sẻ.

“Nhân viên chương trình SA không chỉ giúp tôi ghi chép bài giảng trên lớp mà còn giúp tôi vận hành máy quay trong khoảng thời gian tôi học môn phim kỹ thuật số, trong đó có bài tập cá nhân yêu cầu tôi phải tự quay và dựng một đoạn phim”.

Cũng trong chương trình học, Phú và các bạn cùng lớp còn sản xuất ra bản nháp cho các bộ phim hoạt hình tự sản xuất cùng với Liên minh Phòng chống buôn bán người (AAT) nhằm hỗ trợ tổ chức phi chính phủ này cung cấp nội dung giáo dục phòng ngừa cho các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và bé gái.

Phú cho biết cậu bạn chịu trách nhiệm phát triển nhân vật và hoạt họa.

“Dùng phong cách vẽ nét mảnh, chúng tôi đã kể câu chuyện về một anh xích lô ở một khu xóm nọ, người sử dụng siêu năng lực bắn chữ viết để bảo vệ trẻ em và phụ nữ”, Phú nói.

Sau nhiều năm dùng các dịch vụ của Phòng Chăm sóc sức khỏe, Phú hiểu hơn về bản thân và sức khỏe tâm thần, và thậm chí còn dùng điều này để xem xét lại mọi thứ xảy ra với mình và ba mẹ mình trong nhiều năm dưới một lăng kính khác.

Phú nói: “Hiểu biết về sức khỏe tâm thần là điều lớn nhất tôi thụ hưởng được từ các dịch vụ của Phòng Chăm sóc sức khỏe. Nó trấn an tôi rằng luôn có ai đó sẵn sàng giúp đỡ miễn là tôi yêu cầu”.

“Thật không dễ dàng gì khi có một người khuyết tật trong gia đình. Mối quan hệ giữa tôi và ba mẹ nhờ những hiểu biết này mà đã cải thiện đáng kể. Tôi thư giãn hơn và học được cách thưởng thức hành trình. Tôi hiểu rằng những gì xảy đến không định nghĩa nên con người tôi”.

Phú không chỉ bày tỏ lòng biết ơn với đội ngũ nhân viên Phòng Chăm sóc sức khỏe, cán bộ giảng viên trường và bạn bè, mà còn tới những ai mà cậu bạn có cơ duyên gặp gỡ trên suốt hành trình với RMIT.

Với các bạn tân khoa tốt nghiệp cùng khóa, Phú nói: “Hãy ra ngoài thế giới rộng lớn ngoài kia và thử xem cái gì được, cái gì không và đừng quên tận hưởng niềm vui trên hành trình đó nhé”.

Tầm nhìn vượt xa thị lực

Tân khoa khiếm thị và sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ RMIT, Vòng Minh Nhi tự hào với tấm bằng cử nhân Truyền thông chuyên nghiệp mà cô bạn vừa nhận được.

Nhi và mẹ.

Nhi và mẹ.

Là người hướng ngoại, quảng giao và thích viết lách, khi chọn ngành truyền thông để học Nhi hoàn toàn ý thức được những thách thức mà ngành này sẽ mang lại cho cô.

Trong quá trình học kỹ năng làm truyền thông cho các kênh khác nhau, Nhi phải tham gia vào những hoạt động có thể không phù hợp với tình trạng của mình. Cô bạn có thể đã không đi hết chương trình học nếu không được nhà trường sắp xếp các hình thức đánh giá thay thế cùng niềm tin rằng với sự sáng tạo và quyết tâm đương đầu với thách thức sẽ giúp cô tạo dựng được vị thế riêng.

“Tôi từng được giao bài tập với yêu cầu nộp ý tưởng về một phác họa hình ảnh trong môn quảng cáo sáng tạo”, Nhi chia sẻ. “Thay vì vẽ, tôi được phép trình bày mô tả chi tiết dưới dạng viết. Một trong những hiệu chỉnh khác mà tôi được thụ hưởng chính là nhận được sự giúp đỡ của nhân viên chương trình Hỗ trợ sinh viên SA khi làm bài tập thiết kế poster”.

Nhi chia sẻ rằng hỗ trợ mà cô bạn nhận được từ RMIT khó tìm thấy ở nơi khác và nhờ sự hỗ trợ của ELA mà cô có được cơ hội công bằng để tích lũy thành công kiến thức và kỹ năng giúp cô thăng tiến trong ngành.

“Do sống xa nhà và tự lập từ nhỏ nên tôi không quen làm việc nhóm và lãnh đạo lắm”, Nhi nói. “Nhờ các bài tập và hoạt động từng tham gia ở RMIT mà tôi dần lấp đầy được những kỹ năng còn thiếu hụt và chuẩn bị sẵn sàng để tạo dựng sự nghiệp trong các tổ chức phi chính phủ”.

Năm 2020, Nhi cùng các bạn sinh viên RMIT lập ra một đội cùng tham gia cuộc thi thiết kế Accessibility Design Competition. Đội của Nhi dành giải Nhì với ý tưởng thiết kế phần mềm giúp người khiếm thị có thể tiếp cận với bản nhạc thông qua trình đọc màn hình.

Ban đầu, cuộc thi được tổ chức nhằm tạo sân chơi cho sinh viên RMIT áp dụng kiến thức kinh doanh thực tiễn và thiết kế vào các tình huống xã hội thực tế. Hiện cuộc thi đã trở thành sự kiện thường niên đem đến cho sinh viên cả nước một không gian để hợp tác với đối tác trong các ngành nghề nhằm đưa ra các ý tưởng đổi mới sáng tạo giúp thúc đẩy khả năng hòa nhập cho người khuyết tật tại nơi làm việc.

Nhi chia sẻ rằng người khiếm thị hay chọn làm những công việc liên quan đến âm nhạc vì họ dễ cảm thụ hơn.

“Tuy nhiên, phần mềm đọc màn hình chỉ có thể đọc chữ chứ không thể đọc phổ nhạc hay biểu tượng. Bên cạnh đó, mô tả bản nhạc bằng chữ nổi thì đắt đỏ và khó tìm nên chúng tôi phải tham khảo thêm các tài liệu trực quan sẵn có trên mạng. Đội của tôi đã tạo bản dùng thử cho cuộc thi và hy vọng được thấy sản phẩm thật trong tương lai”.

Trong những năm qua, Nhi đã tham gia các buổi chia sẻ tại RMIT và trong cộng đồng để khuyến khích các bạn trẻ theo đuổi kiến thức và giáo dục cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cuối năm 2023, Nhi đã có bài trình bày về tác động của giáo dục đại học lên người khuyết tật tại Hội nghị Châu Á-Thái Bình Dương dành cho các bạn trẻ khiếm thị ở Manila (Philippines), trong đó Nhi đã dùng những gì cô thụ hưởng được tại RMIT Việt Nam như ví dụ điển hình.

Nhi cho biết quyết tâm và nỗ lực là những điều giúp cô bạn đến được ngày hôm nay. Nhi mong các bạn tốt nghiệp cùng khóa với cô may mắn tìm được công việc họ yêu thích và đam mê, như những gì cô mong cầu cho bản thân mình.

Minh Ngọc

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hai-sinh-vien-khuyet-tat-da-buoc-tren-hanh-trinh-hoc-van-voi-quyet-tam-dang-ne-post1636777.tpo