Hàng chục học sinh sau khi ăn kẹo 'lạ' phải nhập viện nghi mắc Hysteria, bệnh có nguy hiểm?

Gần 30 học sinh tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) phải nhập viện sau khi ăn kẹo 'lạ' trước cổng trường, nghi do bệnh Hysteria. Để hiểu rõ hơn về khái niệm, triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách điều trị chứng bệnh này, bạn có thể tham khảo những thông tin cụ thể dưới đây.

Hysteria hay còn gọi là rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp, tỷ lệ: 0,3 - 0,5% dân số. Theo Tổ chức Y tế thế giới rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động.

Đặc trưng của phân ly là những triệu chứng gợi ý bệnh lý của một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể, nhưng người ta không tìm thấy được nguyên nhân bằng các phương pháp thăm khám lâm sàng và xét nghiệm.

Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Bệnh thường xảy ra đồng loạt các trường hợp rối loạn phân ly trong một nhóm hoặc một tập thể như trường học, đám đông. Khi một người trong nhóm có biểu hiện của rối loạn phân ly, những người còn lại có xu hướng "bị lan truyền". Sự lan truyền triệu chứng xảy ra trong nhóm người có mối quan hệ nào đó về môi trường hoặc sang chấn, tạo ra hàng loạt ca bệnh. Do có nhiều người cùng xuất hiện những biểu hiện bất thường nên bệnh lý này sẽ gây ra những lo lắng, hoang mang, thậm chí hiểu nhầm trong dư luận và xã hội.

Biểu hiện của Hysteria

Các triệu chứng của rối loạn phân ly rất đa dạng, xuất hiện và kết thúc đều đột ngột thành từng cơn. Rối loạn phân ly có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng, nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các sự kiện gây sang chấn. Đặc điểm của triệu chứng phân ly là tính "chịu ám thị". Có nghĩa là khi có một tác nhân khác gây kích thích mạnh vào niềm tin hoặc đánh lạc hướng chú ý của người bệnh, các biểu hiện phân ly có thể giảm hoặc mất đi ngay. Ví dụ tiêm nước cất có thể làm mất cơn co giật.

Rối loạn vận động: Các động tác lắc đầu, gật đầu, co giật, múa vờn, run, tê liệt, vận động tay chân thiếu mục đích, rối loạn phát âm (không nói, khó nói, nói lắp, nói linh tinh không phù hợp)…
Rối loạn cảm giác: Tăng hoặc giảm cảm giác đau quá mức (bệnh nhân thường kêu đau bụng, đau đầu, đau mỏi chân tay… nhưng không tìm được nguyên nhân gây đau).
Cơn kích động cảm xúc: Cười, khóc, gào hét, cảm xúc hỗn độn, nói năng lộn xộn, sợ hãi vô cớ…
Sững sờ, ngất: Bệnh nhân nằm hoặc ngồi bất động trong thời gian dài, không nói và không hoạt động, không có đáp ứng với các kích thích bên ngoài, có thể nhắm hoặc mở mắt, tuy nhiên không bị mất ý thức hoàn toàn.
Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập: Bệnh nhân cư xử, nói năng như thể một người khác, hoặc như bị một lực lượng siêu nhiên nào đó điều khiển.

Trong trường hợp phân ly tập thể, các triệu chứng thường gặp là ngất, rối loạn vận động, co giật, cơn kích động cảm xúc.

Ăn kẹo "lạ" trước cổng trường khiến hàng chục học sinh tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) phải nhập viện, nghi là hysteria.

Tiến triển và tiên lượng của Hysteria

Sự khởi đầu và kết thúc của các trạng thái phân ly thường đột ngột. Sự thay đổi hoặc biến mất trong quá trình làm liệu pháp tâm lý như thôi miên, ám thị hoặc hồi cảm. Tất cả trạng thái phân ly có khuynh hướng thuyên giảm trong vài tuần hoặc vài tháng đặc biệt nếu chúng khởi đầu của chúng kết hợp với sự kiện đời sống gây sang chấn.

Một số các trạng thái khác thuyên giảm chậm hơn như liệt và tê nếu chúng kết hợp với những vấn đề không giải quyết được hoặc những mối quan hệ phức tạp giữa người và người.

Nói chung bệnh này không nặng nhưng gây cho bản thân người bệnh và cả những người xung quanh rất nhiều phiền toái. Nhiều mối quan hệ bị rối loạn. Người có nhân cách Hysteria làm việc thường kém hiệu quả do họ không thể tập trung vào công việc.

Cần làm gì khi bị rối loạn phân ly?

Rối loạn phân ly là một bệnh xuất hiện thường do sang chấn kết hợp với nhân cách yếu và một vài yếu tố thuận lợi khác…

Do vậy, để dự phòng bệnh này:

Cần tuyên truyền giáo dục phổ cập những hiểu biết cần thiết về các rối loạn phân ly.
Để tránh bị nhân cách Hysteria cần rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, hướng dẫn trẻ biết thương yêu, chia sẻ, đương đầu với khó khăn.

Hoạt động ngoại khóa tạo môi trường tốt phòng chống rối loạn phân ly.

Gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường giáo dục, quản lý con em mình, bồi dưỡng nhân cách, lối sống tốt đẹp, lành mạnh, tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, biết khắc phục khó khăn tránh các stress tâm lý trong sinh hoạt, học tập và công tác.
Tăng cường các hoạt động ngoại khóa như: Ca, múa, nhạc, đi dã ngoại, tập thể dục, chơi các môn thể thao và lao động tập thể…
Trong môi trường làm việc học tập căng thẳng thì việc cải thiện môi trường, kết hợp giữa công việc và nghỉ ngơi hợp lý làm giảm sức ép làm việc và học tập, cũng như đảm bảo chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe thể chất cho người bệnh là một việc làm cần thiết để phòng bệnh.
Nhân cách của nữ thường yếu và hay mắc bệnh hơn nam. Vì vậy, cần bố trí số lượng nam nữ hài hòa trong một tập thể để tránh hiện tượng "lây lan" bệnh. Khi bệnh xảy ra thì chính các bạn nam sẽ là chỗ dựa về tâm lý cho các bạn nữ.

Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết sau khi kiểm tra bước đầu có thể xác định các em học sinh không bị ngộ độc thực phẩm thông thường. Cơ quan chức năng nghi vấn các em này có triệu chứng bệnh hysteria ở thể nhẹ: Mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, đau nhức... Bệnh lý thường được thể hiện bằng rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn giác quan và rối loạn tâm thần.

Trước đó, vào khoảng 14h ngày 4/4/2024 một số học sinh của Trường THCS Tân Châu (xã Tân Châu, huyện Di Linh) mua kẹo tại một tiệm tạp hóa đối diện trường, đem đến lớp để chia nhau ăn.

Sau khi ăn kẹo các em đều có biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn, sau đó được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Di Linh để kiểm tra, theo dõi sức khỏe. Đến 19h cùng ngày, vẫn còn một học sinh được tiếp tục theo dõi.

ThS.BS. Nguyễn Thị Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hang-chuc-hoc-sinh-sau-khi-an-keo-la-phai-nhap-vien-nghi-mac-hysteria-benh-nay-co-nguy-hiem-169240406092028219.htm