Hang Huổi He - Nơi từng đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã ba lần thay đổi địa điểm đóng Sở Chỉ huy. Lần thứ nhất đóng tại hang Thẩm Púa, huyện Tuần Giáo trong 32 ngày (từ 17-12-1953 đến 17-1-1954); lần thứ 2 tại hang Huổi He, bản Huổi He, xã Nà Nhạn, thành phố Điện Biên Phủ, trong thời gian 13 ngày (từ 18 đến 30-1-1954); lần sau cùng, Sở Chỉ huy đóng tại Mường Phăng 105 ngày (từ 31-1 đến 15-5-1954).

Hang Huổi He nằm sâu trong núi đá, bên trong hang có diện tích rộng khoảng 25m2, bên ngoài là khu rừng rậm, trước cửa hang có dòng suối nhỏ Huổi Hẹ Ộ. Đây là nguồn nước cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ trong thời gian Sở Chỉ huy đóng quân tại đây. Gần hang có một thác nước đẹp, các đồng chí trong Bộ chỉ huy thường ra để họp bàn phương án, kế hoạch tiêu diệt địch. Phía trước hang, gần thác nước cán bộ, chiến sĩ kê những tảng đá để làm bàn họp và ghế ngồi.

 Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ họp bàn tại hang Huổi He. Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ họp bàn tại hang Huổi He. Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong thời gian Bộ Chỉ huy chiến dịch đóng tại hang Huổi He đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng đấu trí, đấu lực đầy cam go, kịch tính. Nhiệm vụ chính của Bộ Chỉ huy chiến dịch lúc này là chỉ đạo bộ đội, dân công khẩn trương làm đường, kéo pháo và vận chuyển lương thực, đạn dược ra mặt trận, chuẩn bị tấn công địch.

Ngày 25-1-1954, ta dự định nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhưng sau khi nghiên cứu tình hình thực tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy nhiều khó khăn lớn ta gặp phải. Đánh giá những khó khăn trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trăn trở suy nghĩ, nếu ta thực hiện phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” thì liệu ta có chắc thắng? Điện Biên Phủ sẽ trở thành biển máu, Đại tướng nhớ tới lời Bác Hồ dặn trước lúc lên đường ra mặt trận “chỉ được thắng, không được bại vì bại là hết vốn”, “trận này quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Sau 11 ngày trăn trở và một đêm thức trắng, sáng 26-1-1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định họp Đảng ủy Mặt trận và ra Nghị quyết thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

 Bia Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở hang Huổi He. Ảnh: dulichdienbien.vn

Bia Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở hang Huổi He. Ảnh: dulichdienbien.vn

Sau khi quyết định thay đổi phương án tác chiến, Đại tướng đã viết thư hỏa tốc gửi về báo cáo Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị nhất trí cho đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ động viên toàn quân, dốc toàn lực chi viện cho tiền tuyến, quyết tâm giành thắng lợi tại Điện Biên Phủ.

Như vậy, hang Huổi He - Địa điểm thứ hai đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là nơi ghi dấu thời khắc lịch sử quan trọng về quyết định thay đổi phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Phạm Thị Thảo, Phó giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên) cho biết, hang Huổi He là di tích thành phần thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12-8-2009. Đồng thời, theo quyết định số 591, ngày 3-5-2002 của UBND tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) thì di tích này là một trong 23 điểm di tích được phê duyệt phúc tra, điều chỉnh quy hoạch khoanh vùng bảo vệ Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ.

Hiện điểm di tích này đã được các cơ quan chức năng khoanh vùng, cắm mốc, quy hoạch, nhưng chưa được đầu tư, tôn tạo. Vì cách xa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ và khu dân cư nên tại di tích này cũng chưa có hoạt động văn hóa nào được tổ chức. Do chưa có đường vào nên việc tới tham quan điểm di tích của người dân và du khách còn hết sức khó khăn.

HOÀNG TRƯỜNG

1. Theo Ban Quản lý Di tích tỉnh Điện Biên; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên.

2. Sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, Điện Biên, 2018, tr22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30.

3. Sách Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, Điện Biên, 2019, tr28, 29, 30, 31, 32, 33.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-thang-dien-bien-phu-moc-son-lich-su/dien-bien-hom-nay/hang-huoi-he-noi-tung-dat-so-chi-huy-chien-dich-dien-bien-phu-773656