Hàng nghìn nhà đầu tư bị lừa vì tin vào lãi suất hơn 43%/năm

Cơ quan Cánh sát điều tra Công an TP Hà Nội vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung đối với vụ án lừa đảo tiền ảo, đa cấp biến tướng liên quan Công ty Bankland.

Theo đó, CQĐT đề nghị truy tố thêm một bị can là Nguyễn Thanh Vân (SN 1992, ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đông) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại bản Kết luận điều tra trước đó, CQĐT đã đề nghị truy tố 5 bị can gồm: Vũ Đức Tĩnh (SN 1981, ở TP Thủ Đức, TP.HCM); Nguyễn Thị Như (SN (1985, ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội); Quản Văn Dương (SN 1984, ở quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội); Nguyễn Văn Minh (SN 1991, ở TP Dĩ An, Bình Dương); Nguyễn Đức Minh (SN 1995, ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) cũng về tội danh trên.

Theo kết quả điều tra, Vũ Đức Tĩnh đã chỉ đạo Nguyễn Thị Như (giữ chức vụ Tổng giám đốc) và Quản Văn Dương (giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT) đứng ra thành lập Công ty CP Tập đoàn Bankland. Tĩnh là cố vấn cấp cao của công ty và sẽ được hưởng 10% doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Huy động vốn theo kiểu đa cấp vẫn khiến không ít người "sập bẫy".

Huy động vốn theo kiểu đa cấp vẫn khiến không ít người "sập bẫy".

Sau khi thành lập công ty, Tĩnh đã chỉ đạo Như và Dương tổ chức các hội nghị, hội thảo, đưa ra thông tin không đúng sự thật về các loại hình đầu từ để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn hợp tác đầu tư vào công ty. Bản chất đây là hình thức đa cấp biến tướng.

Nhóm bị can mời gọi nhà đầu tư hợp tác cùng kinh doanh bất động sản, du lịch, tư vấn thiết kế… với kỳ hạn từ 6-72 tháng, trả lãi theo ngày với mức lãi suất 3-5,1% tháng (43,2%/năm). Khách hàng là nhà đầu tư còn được công ty hứa đối ứng cho sang tên 1 “sổ đỏ” giá trị bằng 45% mức đầu tư.

Để huy được càng nhiều người tham gia nộp tiền, Quản Văn Dương, Nguyễn Thị Như liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi thi đua, khuyến mại, kích cầu với các quà tặng giá trị như tặng vàng, tặng "sổ đỏ", tặng ô tô, xe máy SH, điện thoại iPhone…

Các bị can còn kêu gọi nhà đầu tư góp vốn mua cổ phiếu BLI-cổ phiếu của Công ty Bankland do các bị can tự tạo ra dù công ty mới hoạt động được hơn 1 năm, chưa kê khai thuế, chưa được cấp phép phát hành cổ phiếu.

Quản Văn Dương ký ban hành thông báo thành lập sàn giao dịch cổ phiếu điện tử Banklandexchange, phát hành cổ phiếu của Công ty Bankland với 10.000 tỷ cổ phiếu, cho các nhà đầu tư mua bán với nhau và sử dụng cổ phiếu này để đăng ký mua bất động sản.

CQĐT kết luận, thực chất đây là đồng tiền “ảo” do Công ty Bankland tự tạo ra, hoàn toàn không có giá trị thanh khoản trên thị trường.

Ngoài ra, nhóm bị can tuyên truyền, quảng bá để bán các dự án bất động sản chưa được cấp phép đầu tư dự án, trong đó có dự án bất động sản tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Tài liệu điều tra xác định, có 4.736 nhà đầu tư đã ký hợp đồng và nộp tổng số tiền 464 tỷ đồng cho Công ty Bankland.

Tại CQĐT, các nhà đầu tư trình bày họ biết đến Bankland qua bạn bè giới thiệu, qua mạng xã hội. Khi tìm hiểu, họ được Quản Văn Dương, Nguyễn Thị Như và các nhân viên khác của công ty giới thiệu về các gói đầu tư lãi suất cao. Do thấy lợi nhuận hấp dẫn nên nhà đầu tư đã ký hợp đồng, nộp tiền mà không quan tâm đến mục đích đầu tư.

Nhà đầu tư tham gia sẽ cài đặt ứng dụng Bankland.net, nộp tiền về công ty, cung cấp thông tin cá nhân để công ty lập tài khoản cho mình. Khi đăng nhập thì tài khoản sẽ hiện số tiền mà họ đã nộp cho công ty.

Ban đầu, nhà đầu tư có thể rút tiền phân chia lợi nhuận về tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, họ chỉ được trả lợi nhuận một số tháng đầu cho đến hết tháng 6-2022. Từ tháng 7-2022, nhà đầu tư không rút được tiền về tài khoản ngân hàng. Sau đó ứng dụng và trang web không còn hoạt động. Tháng 8-2022, Công ty Bankland đóng cửa, dừng hoạt động và trốn tránh nhà đầu tư. Vì vậy các nhà đầu tư đã làm đơn trình báo.

Quá trình điều tra, CQĐT đã tiến hành triệu tập Nguyễn Thị Thanh Vân để đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, không xác định được Vân ở đâu, làm gì nên CQĐT ra quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra bị can. Sau đó, CQĐT nhiều lần liên hệ với gia đình Vận, vận động đưa Vân đến CQĐT đầu thú để được hưởng sự khoan hồng.

Ngày 25-3-2024, Nguyễn Thị Thanh Vân đã đến CQĐT đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội. CQĐT vì thế ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, điều tra bị can với Vân.

Kết quả điều tra xác định, bị can Nguyễn Thị Thanh Vân quan biết Tĩnh từ năm 2016 khi làm kế toán cho Công ty Thái Tuấn của Tĩnh. Cuối năm 2021, Tĩnh bảo Vân ra Hà Nội làm kế toán cho một công ty do Tĩnh làm cố vấn.

Mục đích ban đầu là hỗ trợ bộ phận kế toán quản lý thu chi đối với nguồn tiền nhà đầu tư nộp vào, mở tài khoản ngân hàng của công ty, chuyển tiền theo chỉ đạo của Tĩnh và Như. Bị can còn thực hiện chuyển tiền đặt cọc, thanh toán mua đất và đứng tên nhiều bất động sản theo chỉ đạo của Tĩnh.

Mặc dù Vân khai chỉ được hưởng lương nhân viên, không được hưởng lợi từ việc đứng tên bất động sản hộ Tĩnh, song CQĐT xác định Vân nhận thức Công ty Bankland không có hoạt động kinh doanh gì mà chỉ huy động vốn của nhà đầu tư.

Số tiền huy động được sử dụng vào việc riêng của công ty và mua các bất động sản mà Vân, Văn Minh, Đức Minh đứng tên. Đây là hành vi giúp sức cho Tĩnh và các bị can khác chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Bản thân bị can nhận thức hành vi của mình là sai trái.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hang-nghin-nha-dau-tu-bi-lua-vi-tin-vao-lai-suat-hon-43nam-post576834.antd