Hàng xà cừ 30 năm tuổi bị đốn hạ làm dự án, địa phương nói gì?
Liên quan đến việc đốn hạ hàng loạt cây xanh 30 năm tuổi để làm dự án khiến nhiều người tiếc nuối, đại diện UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, những gốc này về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng công trình và chủng loại không phù hợp để giữ lại....
Trước đó, Tiền Phong có bài “Hàng cây xà cừ 30 năm tuổi bị đốn hạ phục vụ dự án trăm tỷ khiến nhiều người tiếc nuối”. Trong bài ghi nhận tình trạng chặt hạ hàng loạt cây xanh tại khu vực hồ Bình Sơn, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) để thực hiện dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hương Khê” và ý kiến của người dân về việc khi hàng xà cừ 30 năm tuổi bị đốn hạ.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, trước khi đưa ra kế hoạch chặt hạ cây xanh, địa phương đã thành lập tổ điều tra, khảo sát và tham mưu phương án xử lý đối với số lượng cây xanh trong khu vực hồ và tuyến đường. Kế hoạch này cũng đã được phê duyệt. Tổ điều tra khảo sát gồm 17 người, có nhiệm vụ kiểm tra, khảo sát và tham mưu xử lý.
Theo UBND huyện Hương Khê, qua kiểm tra, xung quanh khu vực hồ Bình Sơn có 513 cây xanh, với 21 chủng loại. Để sớm có mặt bằng thực hiện dự án, huyện Hương Khê đã thống nhất thanh lý, chặt bỏ 323 cây; di dời 107 cây; giữ nguyên 83 cây. Trong số hàng trăm cây phải chặt bỏ, có khoảng 40 gốc xà cừ đường kính gốc từ 70-90cm.
Theo lý giải của đại diện UBND huyện Hương Khê, những gốc xà cừ, hoa sữa, phượng, bàng có đường kính lớn, phải chặt bỏ để thanh lý do nguy cơ làm ảnh hưởng tới chất lượng công trình sau này và chủng loại không phù hợp để giữ lại.
Khi hỏi đến việc để trồng được hàng cây như vậy mất rất nhiều thời gian, chặt bỏ liệu có phải là phương án phù hợp nhất?. Phía đại diện UBND huyện Hương Khê cho rằng: “Những gốc xà cừ chặt bỏ cũng nhiều người tiếc nuối. Vì thế chúng tôi cũng đã có nhiều cuộc họp bàn, kiểm tra kỹ mới đi đến quyết định này”.
“Qua khảo sát, kiểm tra về từng loại cây, nếu về lâu dài những cây này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nguy cơ phá vỡ kết cấu hạ tầng. Đặc biệt, đối với những cây có kích thước lớn sẽ không thể đưa ra phương án di dời, mặt khác nếu giữ lại, những gốc này tán rộng cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến những cây trồng liền kề nên phải thanh lý cắt bỏ”, đại diện UBND huyện Hương Khê lý giải.
Cũng theo vị đại diện UBND huyện Hương Khê, thời điểm đi kiểm tra, khảo sát, có rất nhiều ý kiến. Có người đồng ý ủng hộ chặt hết cây xanh trong khuôn viên để trồng cải tạo lại, cũng có người không ủng hộ. Song địa phương vẫn ghi nhận và thống nhất quan điểm những cây nào dùng được vẫn để lại sử dụng.
“Với 83 cây được giữ lại là những gốc ở vị trí đẹp, phù hợp chủng loại, không ảnh hưởng đến công trình; còn 107 cây thuộc diện di dời thì đã phù hợp chủng loại, nhưng ở những địa điểm thuộc phạm vi thi công nên phải di dời. Riêng số cây chặt bỏ sẽ được đấu giá sau khi thống kê, kiểm đếm xong”, đại diện UBND huyện Hương Khê thông tin.
Trước đó, nhiều người dân huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) bày tỏ tiếc nuối khi hàng cây xanh được trồng từ 30 năm trước đang bị chặt bỏ để làm dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hương Khê”.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, những hàng cây xanh bị đốn hạ nằm tại khu vực xung quanh hồ Bình Sơn. Việc di dời, chặt bỏ, di dời cây xanh nằm trong dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hương Khê”. Cụ thể dự án này được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt vào năm 2020, do UBND huyện làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 709 tỷ đồng.
Đây là nguồn vốn vay của cơ quan Phát triển Pháp (AFD), vốn viện trợ không hoàn lại của Liên minh Châu Âu và nguồn vốn đối ứng. Trong đó, vốn đối ứng trên 129 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, huyện Hương Khê buộc phải di dời, chặt bỏ hàng trăm cây xanh xung quanh khuôn viên hồ Bình Sơn (thị trấn Hương Khê). Việc làm này cũng nhận về không ít ý kiến trái chiều và nhiều người dân bày tỏ tiếc nuối khi nghe tin hàng xà cừ cổ thụ có niên đại hàng chục năm bị đốn hạ. Bởi người dân vùng “chảo lửa” nơi đây xem hàng cây này như lá phổi xanh".