Hành động và thay đổi

Trong giai đoạn 2021-2023, các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, tỉnh, cơ sở, các chương trình, nhiệm vụ KH&CN khác đã được triển khai thực hiện gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, đã tạo chuyển biến và nâng cao hiệu quả ứng dụng KH&CN, gắn ứng dụng KH&CN với mọi hoạt động trong đời sống xã hội và đạt được một số kết quả nổi bật.

Từ công tác nghiên cứu

Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Bình Phước có 42 đề tài KH&CN cấp tỉnh được triển khai, trong đó 18 đề tài chuyển tiếp, 17 đề tài được nghiệm thu và 7 đề tài mới. Trong nghiên cứu đã tập trung triển khai hợp lý giữa 6 lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, y dược, nông nghiệp, xã hội và nhân văn; chú trọng các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất và đời sống. Có 17 nhiệm vụ KH&CN được UBND tỉnh công nhận; 8 nhiệm vụ KH&CN đã chuyển giao ứng dụng kết quả thực hiện. Nhìn chung, các nhiệm vụ KH&CN được ứng dụng bước đầu mang lại hiệu quả nhất định, một số nhiệm vụ đã mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cán bộ Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh kiểm tra các công tơ điện

Cán bộ Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh kiểm tra các công tơ điện

Về nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, giai đoạn 2021-2023, UBND tỉnh đã tăng cường đặt hàng, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương cho các nhiệm vụ KH&CN với 3 dự án nông thôn, miền núi do Bộ KH&CN hỗ trợ, các dự án đều đang thực hiện đúng tiến độ. Qua đó, trong năm 2022, tỉnh đã đề xuất Bộ KH&CN thay đổi tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ đối với dự án “Ứng dụng và phát triển công nghệ sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu từ vật liệu sẵn có tại tỉnh Bình Phước”; đề xuất Bộ KH&CN phê duyệt dự án năm 2023: “Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng và chưng cất tinh dầu 3 loại cây dược liệu sả (cymbopogon), hương nhu tía (ocimum tenuiflorum) và bạc hà (mentha arvensis) theo chuỗi giá trị sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh Bình Phước”. Việc triển khai các dự án thuộc chương trình nông thôn, miền núi do Bộ KH&CN hỗ trợ đã góp phần đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước.

Công nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Hanfimex Việt Nam (huyện Phú Riềng) phân loại hạt điều

Công nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Hanfimex Việt Nam (huyện Phú Riềng) phân loại hạt điều

Về phát triển tiềm lực KH&CN, trong giai đoạn này, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho 1 văn phòng đại diện của tổ chức KH&CN. Hiện nay, tỉnh có 7 doanh nghiệp KH&CN; 9 tổ chức KH&CN (trong đó, 4 tổ chức KH&CN công lập, 3 tổ chức KH&CN ngoài công lập và 2 chi nhánh, văn phòng đại diện của các tổ chức KH&CN ngoài công lập). Các tổ chức KH&CN đều hoạt động đúng quy định. Tuy nhiên, kết quả hoạt động đang ở mức khiêm tốn.

… đến những thành quả nổi bật

Trong giai đoạn vừa qua, ngành đã hoàn thành lắp đặt dự án thử nghiệm các tấm pin năng lượng mặt trời ứng dụng công nghệ mới tại các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với 4 dự án đầu tư trên địa bàn. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước đối với dự án “Nghiên cứu công nghệ thiết kế chế tạo các thiết bị xử lý, chế biến hạt điều” và có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư tại Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Đức Thịnh, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng.

Công nghệ máy móc hiện đại thay thế dần sức lao động thủ công ở một số công ty tại Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước

Công nghệ máy móc hiện đại thay thế dần sức lao động thủ công ở một số công ty tại Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước

Toàn tỉnh đang quản lý hơn 100 cơ sở khám, chữa bệnh có sử dụng thiết bị X-quang trong chẩn đoán y tế; 8 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nguồn phóng xạ. Ngành KH&CN đã thực hiện cấp lại giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho 46 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang y tế, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho 22 nhân viên là người phụ trách an toàn bức xạ. Qua khảo sát, thống kê, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 cơ sở nha khoa, trong đó hơn 40 cơ sở có sử dụng thiết bị X-quang răng liên quan đến hoạt động an toàn, bức xạ và hạt nhân.

Trong nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, tham mưu Ban chủ nhiệm 334 của Tỉnh ủy để triển khai nghị quyết này. Triển khai dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Đề xuất và đã được Bộ KH&CN chấp thuận hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia: “Nghiên cứu quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý và hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc cho sản phẩm hạt điều Bình Phước” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Công tác triển khai các biện pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến đã đạt dấu ấn đáng ghi nhận. Kết quả, Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh đã xem xét và công nhận 79/265 sáng kiến có hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh; công nhận 1 sáng kiến có hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng trên toàn quốc. Các phong trào sáng tạo, cuộc thi liên quan đến KH&CN được quan tâm…

Công nhân Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước (TX. Chơn Thành) làm việc trong môi trường với nhiều máy móc hiện đại

Công nhân Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước (TX. Chơn Thành) làm việc trong môi trường với nhiều máy móc hiện đại

Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã đi vào nền nếp, đến nay phần lớn các phương tiện đo thông dụng đã được kiểm định. Từ năm 2021-2023, đã tiếp nhận và xử lý 43 hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu và 40 hồ sơ công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm gạch terrazzo, đá nghiền, nệm và gối được sản xuất từ 100% cao su thiên nhiên, 36 hồ sơ công bố tiêu chuẩn cơ sở về vàng trang sức, mỹ nghệ; 2 hồ sơ công bố hợp quy. Kết quả, 100% hồ sơ đạt yêu cầu về thể thức, chất lượng theo tiêu chuẩn công bố.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, hiện nay đã có 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 11 huyện, thị, thành phố và 96 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh thực hiện xây dựng, chuyển đổi, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, còn 15 xã thuộc huyện Bù Đốp và Bù Gia Mập sẽ triển khai trong năm 2023.

Những thành tựu của ngành KH&CN tỉnh Bình Phước trong giai đoạn 2021-2023 đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cùng tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/146380/hanh-dong-va-thay-doi