Hành hung nhân viên y tế có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi hành hung nhân viên y tế là vi phạm pháp luật, cần bị xã hội lên án và pháp luật xử lý nghiêm minh. Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023 cũng đã nêu rõ: Tôn trọng người hành nghề; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người hành nghề... tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Hành hung nhân viên y tế là hành vi vi phạm pháp luật
Chỉ trong vòng 2 tuần nay đã có 2 nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Quận 7 - TP HCM bị hành hung trong khi thi hành nhiệm vụ (một tại khoa cấp cứu bệnh viện và một tại hiện trường cấp cứu ngoài bệnh viện).
Trường hợp thứ nhất, vào lúc 23 giờ 15 phút, ngày 22/11/2023, ca trực đêm tại bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân tên N.T.T. nhập viện với vết thương hở do té ngã. Nhân viên y tế bệnh viện tiếp nhận, tư vấn khâu vết thương và được sự đồng thuận từ phía bệnh nhân. Tuy nhiên, người thân bệnh nhân không chịu ra ngoài để nhân viên y tế làm việc mà có những lời nói và hành vi chửi bới, nhục mạ, khiến bác sĩ L.T.P. buộc phải tạm ngưng công việc và rời khỏi phòng tiểu phẫu. Người nhà bệnh nhân N.T.T. sau đó đuổi theo đánh vào vùng mặt trái bác sĩ.
Trường hợp thứ 2, vào khoảng 17 giờ ngày 03/12/2023, Bệnh viện Quận 7 nhận được cuộc gọi cấp cứu 115 tại quán nhậu trên đường 47, phường Tân Quy, Quận 7. Bệnh viện đã cử bác sĩ cấp cứu tới hiện trường, tuy nhiên do bệnh nhân say xỉn dẫn tới té ngã trong nhà vệ sinh, tình trạng bệnh nhân bất tỉnh và đang nằm nguyên tại chỗ.
Do nhà vệ sinh hẹp nên nhân viên y tế đã nhờ người thân trong cuộc nhậu cùng hỗ trợ để đưa bệnh nhân vào băng ca chuyển đi. Tuy nhiên, người này đã mắng nhân viên y tế là "sao không tự làm mà bắt hỗ trợ", sau khi đưa bệnh nhân vào băng ca chuyển ra ngoài, người này đi phía sau dùng chân đạp mạnh vào lưng nhân viên y tế.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, tình trạng nhân viên y tế bị hành hung là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tinh thần và phục vụ của nhân viên y tế nhất là trong tình huống cấp cứu người bệnh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho đội ngũ nhân viên y tế.
Hành vi hành hung nhân viên y tế là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xã hội lên án và pháp luật xử lý nghiêm minh. Ngành y tế kịch liệt lên án hành vi tấn công nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ. Sở Y tế TP HCM sẽ tiếp tục phối hợp với Công an TP HCM phát huy hiệu quả Quy chế phối hợp, tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế trong quá trình thực hiện cấp cứu cho người bệnh.
Trước đó, tại nhiều cơ sở y tế khác trên cả nước cũng xảy ra tình trạng nhân viên y tế bị người bệnh, người nhà bệnh nhân hành hung, cản trở việc khám chữa bệnh.
Phải tôn trọng người hành nghề y; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm...
Theo TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Mỗi một sự việc xảy ra đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân viên y tế, đây không chỉ là sự xúc phạm về thể xác, tinh thần mà nó còn ảnh hưởng đến danh dự cá nhân của thầy thuốc, những người đang nỗ lực ngày đêm giành giật sự sống cho người bệnh.
Nhân viên y tế đang có rất áp lực, công việc nhiều, thu nhập lại thấp, nếu môi trường làm việc không an toàn… sẽ khiến họ lo lắng, chán nản, tâm lý bị ảnh hưởng. Điều này, trước nhất là ảnh hưởng đến chính người bệnh, nếu nhân viên y tế có không gian để làm việc, có thể người bệnh sẽ được cứu sống trong những trường hợp nhất định.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Quốc hội thông qua năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, tại Điều 16 về Nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nêu rõ: Tôn trọng người hành nghề; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng đó, tại Điều 43 về Quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, người hành nghề được bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khi làm việc theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng; Được phép tạm rời khỏi nơi làm việc trong trường hợp bị người khác đe dọa đến sức khỏe, tính mạng nhưng phải báo cáo ngay với người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.
Tại Điều 42 của Luật này cũng quy định Quyền được bảo vệ khi xảy ra sự cố y khoa của ngưòi hành nghề. Theo đó, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi đã thực hiện đúng quy định mà vẫn xảy ra sự cố y khoa; Được đề nghị cơ quan, tổ chức, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra sự cố y khoa.
Tại Điều 114 của Luật nêu rõ, trong trường hợp người bệnh, thân nhân của người bệnh hoặc người khác có hành vi gây mất trật tự công cộng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe an toàn của người bệnh, người hành nghề, người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người ra vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được áp dụng biện pháp như: Ngăn chặn theo quy định của pháp luật và thông báo cho cơ quan công an, trừ trường hợp người vi phạm là người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu; Giới hạn việc ra vào khu vực bị mất an ninh, trật tự hoặc có nguy cơ bị mất an ninh, trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt tại Điều 114 đã quy định: Người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Để tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự bệnh viện, trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Bộ này đề nghị điều tra, làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội).
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Công an địa phương thực hiện nội dung Quy chế số 03/QC-BCA-BYT ngày 26-7-2017 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế. Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước các cổng viện.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn trang bị kỹ thuật đảm bảo an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự tại các bệnh viện.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị địa phương "tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự các khu vực có bệnh viện lớn, có lượng người đến khám, chữa bệnh đông. Thiết lập, củng cố mạng lưới đường dây nóng của lực lượng cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự".