Hành trình 25 năm Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh: Từ hiểu đến làm theo Bác

Ngày 18/5, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh và triển lãm bộ sách và mô hình Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Theo TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ, vào năm 1999, Trung ương có cuộc vận động “30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ” và cùng năm đó, bà (khi đó đang là Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ) đã đề xuất lập tủ sách mang tên 30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ. Ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Trẻ đổi tên Tủ sách thành Di sản Hồ Chí Minh.

Từ năm 1999 đến năm 2023, Tủ sách đã xuất bản được hơn 60 tựa, hai lần nhận được Bằng khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM vào các năm 2009 và 2015 về thành tích trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; Giải thưởng Hồ Hảo Hớn của Thành đoàn TP.HCM năm 2024 về Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh cho thanh thiếu nhi.

Nhà xuất bản Trẻ và các tác giả Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh giao lưu với độc giả tại Đường sách TP.HCM.

Nhà xuất bản Trẻ và các tác giả Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh giao lưu với độc giả tại Đường sách TP.HCM.

Tủ sách ban đầu gồm các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thực hành tiết kiệm và chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; Sửa đổi lối làm việc; Đời sống mới; Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch; Vừa đi đường vừa kể chuyện; Bản án chế độ thực dân Pháp; Về vấn đề học tập, Bản án chế độ thực dân Pháp.

Trên đà thành công của tủ sách 30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, Nhà xuất bản Trẻ duy trì và đầu tư cho tủ sách bằng cách liên hệ với nhiều tác giả uy tín viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh để có được bản thảo có chất lượng, sau đó thêm các chú giải chi tiết, sưu tầm tranh ảnh minh họa để thêm phần sinh động, từng bước nâng cao chất lượng bản thảo.

"Những di sản để lại của Bác là vô giá và nhà xuất bản có thể tiếp tục khai thác trong tương lai. Qua đó, những độc giả trong thế hệ trẻ có thể tiếp tục hiểu thêm về Bác", TS Quách Thu Nguyệt cho biết.

Triển lãm Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh.

Triển lãm Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh.

Nhiều tác phẩm đã được viết “độc quyền” cho Nhà xuất bản Trẻ như: Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh, Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ của Mai Văn Bộ; Hỏi & đáp về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM; Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế của Nguyễn Đắc Xuân; Bác Hồ kể chuyện Tây Du Ký của Trần Văn Giang...

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng - tác giả một số tác phẩm trong tủ sách, những tác phẩm trong tủ sách là công cụ để mọi người làm theo tấm gương của Bác, để những di sản của Bác gần gũi hơn với người dân, để mọi người đều biết những câu chuyện về Bác và cuộc đời của Bác.

"Chúng ta cần thêm nhiều bộ sách và loại hình sách để tiếp cận gần hơn với giới trẻ, để mọi người không chỉ đọc được sách mà có thể nghe sách mỗi này. Qua đó, giúp cho mọi người tiếp cận dễ dàng với kho tàng di sản của Bác", PGS.TS Hà Minh Hồng cho biết.

Được biết, từ năm 2023, Nhà xuất bản Trẻ đã số hóa và xuất bản trọn bộ sách điện tử Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh và cũng làm cuốn “Sổ tay không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, dạng giấy và dạng file PDF để tặng bạn đọc tải dùng miễn phí. Trong đó, giới thiệu các tựa sách, file trang trí không gian, file hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác, các ebook đọc thử…

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hanh-trinh-25-nam-tu-sach-di-san-ho-chi-minh-tu-hieu-den-lam-theo-bac-170865.html