'Happy Tết 2024' - Du khách đến với Hà Nội, tình yêu sẽ ở lại

'Happy Tết 2024' như một món quà tặng đặc biệt dành tặng du khách nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024.

“Happy Tết 2024” như một món quà tặng đặc biệt mà Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội dành tặng du khách nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Những trình diễn độc đáo, hấp dẫn, hội tụ tinh hoa

Chương trình nghệ thuật khai mạc, trước cửa Đoan Môn gây ấn tượng khi sử dụng công nghệ 3D Mapping, trình diễn ánh sáng nghệ thuật mang âm hưởng văn hóa sử thi. Một không gian hoành tráng, được đầu tư công phu và đầy sáng tạo đã giới thiệu những nét đẹp của Tết truyền thống, điểm đến du lịch, giá trị văn hóa, và di sản các vùng miền.

Một màu sắc mới của Tết đã được khoác lên bên trong bản sắc và các giá trị văn hóa Tết truyền thống không bị lãng quên. Xuyên suốt chương trình là sự kết hợp độc đáo của nét truyền thống Tết Cung đình xưa với văn hóa Tết nay tạo nên không gian lan tỏa, linh thiêng và sống động.

Trong không gian 3.500m2 trước cửa Đoan Môn - Hoàng Thành Thăng Long, các không gian “Chuyến tàu Quê hương”, “Không gian nhà Hà Nội xưa”, “Không gian Tết miền Trung”, “Không gian Tết miền Nam”, “Không gian Tết sắc màu Dân tộc”, “Không gian quảng bá ẩm thực” được thiết kế, trang trí hoành tráng, công phu và đầy sáng tạo.

Tái hiện phố cổ Hà Nội một thời giao thương.

Tái hiện phố cổ Hà Nội một thời giao thương.

Happy Tết 2024 - Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống” là sự kết hợp độc đáo của nét truyền thống Tết Cung đình xưa với văn hóa Tết nay. Không gian của chương trình được trang trí hoành tráng, công phu và đầy sáng tạo, đã giới thiệu ngày Tết truyền thống, điểm đến du lịch, giá trị văn hóa, di sản... các vùng miền trên cả nước.

Chị Minh Hồng (du khách) hào hứng dạo khắp các không gian Tết Việt: “Tết Việt của mình có bản sắc riêng, ai cũng cảm thấy háo hức mỗi khi Tết đến Xuân về, Tết là ngày sum họp, mọi người được quây quần bên nhau, đầm ấm. Hôm nay được tham dự chương trình Lễ hội Tết ở một nơi rất linh thiêng của thủ đô Hà Nội, trong thời tiết giá lạnh này, mọi người cùng chung vui hòa vào không khí Tết rất nô nức, tôi rất là vui”.

Các khu tiểu cảnh giới thiệu điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội như: Cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, chợ hoa Mê Linh, Tây Hồ, các gian hàng mô phỏng nhà Phố Phái tái hiện phố cổ Hà Nội một thời giao thương tấp nập, mô phỏng căn nhà cổ 87 Mã Mây,...cũng là điểm dừng chân của nhiều du khách.

Điểm nhấn cho chuỗi trải nghiệm không gian Tết là hình ảnh nhà ga với chuyến tàu có ý nghĩa đặc biệt đưa những người con xa quê về quê hương ăn Tết. Con tàu xuất phát từ ga Hà Nội gợi nhớ những chuyến tàu về quê ăn Tết sẽ đưa người dân và du khách chiêm ngưỡng những vườn hoa xuân rực rỡ hương sắc bên cây cầu Long Biên cổ kính.

Du khách khám phá không gian "Chuyến tàu quê hương", đưa những người con xa quê về quê ăn Tết.

Du khách khám phá không gian "Chuyến tàu quê hương", đưa những người con xa quê về quê ăn Tết.

Đặc biệt, chương trình “Không gian Di sản Diều”, có rất nhiều CLB diều ở khu vực Bắc Bộ tham gia với nghi lễ rước diều cổ hơn 300 năm tuổi, mong năm mới mưa thuận gió hòa. Chơi diều với người Việt vùng quê Bắc bộ không chỉ là thú vui, mà đó là văn hóa.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền, Thanh Oai, Hà Nội cho biết: "Những chiếc diều mang đến đây đều theo lối cổ, được cải tiến nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, đây là nét văn hóa của cha ông để lại. Từ thời nhà Trần đã dùng diều giấy để chạy giặc. Chúng tôi hy vọng rằng trò chơi dân gian nói chung và diều sáo nói riêng được bảo tồn lâu dài, không bị mai một".

Các nhân huyện Vũ Thư (Thái Bình) giới thiệu đến du khách con diều cổ có từ thời Lê, được bảo tồn tại đền Song An (Vũ Thư), có chiều dài 1m, được làm hoàn toàn bằng tre, giấy; sáo. Dây diều dài 100m cũng được làm bằng tre

Bạn Lê Thị Nhàn, sinh viên năm 3, Học viện báo chí hào hứng với không gian Tết trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long: “Mình ấn tượng với lễ rước diều, một hoạt động hoành tráng và có tính chất linh thiêng. Tham gia chương trình em cảm nhận không khí Tết đã đến rất gần. Chương trình có ý nghĩa lớn trong việc quảng bá văn hóa Việt, thúc đẩy phát triển du lịch”.

Các triển lãm ảnh, tư liệu về Tết xưa; biểu diễn nghệ thuật: Ca trù, đờn ca tài tử, đêm nhạc trẻ “Tết đong đầy”; các hoạt động trải nghiệm văn hóa, phong tục ngày Tết truyền thống: Trình diễn mâm cỗ ngày Tết, gói bánh chưng, giã giò, bày mâm ngũ quả, gọt hoa thủy tiên, hái lộc đầu năm, xin chữ, viết câu đối… cùng nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: Nặn tò he, vẽ tranh, đập niêu, ném còn, bắt vịt… thu hút nhiều người tham gia.

Ẩm thực – hồn cốt của văn hóa dân tộc

Không gian quảng bá ẩm thực tết Hà Nội và các vùng miền chính là linh hồn của sự kiện, bởi ẩm thực không chỉ phản ánh văn hóa bản địa của mỗi vùng, miền mà còn chứa đựng hồn cốt văn hóa của dân tộc, quan niệm nhân sinh và những giá trị bền vững. Mỗi món ăn góp mặt tại đây đều gửi gắm một câu chuyện về bản sắc, sự giao thoa hương vị cuộc sống, làm nổi bật nét riêng biệt có trong văn hóa Tết Việt.

Mâm cỗ Tết được bày biện rất công phu, đẹp mắt.

Mâm cỗ Tết được bày biện rất công phu, đẹp mắt.

Những mâm cỗ Tết được kết hợp hài hòa giữa những nét cổ truyền và đương đại cũng thu hút nhiều sự quan tâm của du khách.

Tự tay làm những món ăn cổ truyền như bánh chưng, bánh dày, được thưởng thức đặc sản các vùng miền và tận hưởng không khí xuân tràn ngập sẽ là một cảm giác khó quên đối với du khách.

Bạn trẻ Nguyễn Văn Hải (Hà Nội) thì thích mê món Bún bò Huế: “Em ấn tượng nhất với gian hàng ẩm thực Huế, bún ở đây rất ngon. Thêm nữa, sự kiện được bày trí hợp lý giống như một câu chuyện dẫn mọi người từ cổng vào đến các gian hàng”.

Dừng chân ở gian hàng ẩm thực, anh Hoàng Nam Tiến (Hà Nội) bày tỏ: “Đến đây tôi rất vui vì Tp Hà Nội đã cố gắng làm cho các bạn trẻ có thể hiểu được Tết xưa Hà Nội. Nhìn các bạn trẻ ngồi quanh nồi bánh chưng đang được nấu như thế này, được trải nghiệm việc gói bánh chưng, được cùng làm mứt, được làm những điều mà có lẽ gia đình các bạn bây giờ đã không còn làm rất có ý nghĩa với các bạn”.

Đến không gian nhà sàn của đồng bào Tày - bản làng Thái Hải (Thái Nguyên), ngồi bên bếp lửa, uống trà mật ong, thưởng thức 2 món bánh khảo, chè lam và nghe kể về Tết truyền thống là nét đẹp trong văn hóa dân tộc Tày là một trải nghiệm khó quên đối với nhiều bạn trẻ.

Bên bếp lửa nhà sàn, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng làng Thái Hải hào hứng giới thiệu: “Dịp Tết, người Tày có nhiều trò chơi dân gian như đánh yến, tung còn, đẩy gậy.., những trò chơi này không nặng về tính thắng thua mà quan trọng là những đứa trẻ tham gia sẽ học được gì từ những trò chơi ấy”.

Khu gian hàng quảng bá các đặc sản ngày Tết được thiết kế mô phỏng nhà phố Phái, chợ Đồng Xuân. Các địa phương giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm đặc trưng đến với du khách và bạn bè quốc tế. Huyện Ứng Hòa tổ chức trải nghiệm giã bánh dày truyền thống Vân Đình kết hợp trình diễn các công đoạn làm tăm hương của làng nghề Quảng Phú Cầu thu hút đông đảo du khách tham gia…

Ông Hoàng Trung Hương - nghệ nhân nấu bánh chưng làng Trò, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ giới thiệu đặc sản quê mình với giọng đầy tự hào: " Đoàn nghệ nhân đất tổ mang thịt, gạo, đỗ, lá, để gói bánh chưng, góp phần vào không khí Happy Tết. Bánh chưng đã có từ rất lâu, mọi người thường biết đến bánh chưng qua câu chuyện Hoàng tử thứ 9 Lang Liêu sáng tạo ra".

Ẩm thực Nam bộ

Ẩm thực Nam bộ

Với tinh thần sáng tạo, Happy Tết 2024 thực sự là Lễ hội của những trình diễn độc đáo, hấp dẫn, hội tụ tinh hoa, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Happy Tết cũng là dịp để Hà Nội giới thiệu với các bạn bè quốc tế một hình ảnh Hà Nội thân thiện, giàu bản sắc, là điểm đến hấp dẫn, an toàn để du khách thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội. Quả là một cách quảng bá sáng tạo, lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống đến mỗi người dân, du khách ghé thăm Thủ đô Hà Nội dịp Tết đến Xuân về.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương chia sẻ: Đến với “Happy Tết 2024”, du khách không chỉ được trải nghiệm không chỉ văn hóa Tết, hình ảnh Tết mà được trải nghiệm những trò chơi ba miền, giúp chúng ta gợi nhớ lại những hình ảnh Tết xưa, thông qua đó, chúng tôi muốn chuyển tải đến tình yêu của mỗi người đối với quê hương đất nước mình, với Hà Nội, nhớ về cội nguồn và nhớ về mái ấm gia đình mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ban tổ chức hy vọng Chương trình Happy Tết 2024 sẽ là hoạt động giúp cho du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Hà Nội sẽ là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”; Du khách đến với Hà Nội – tình yêu sẽ ở lại”.

PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/happy-tet-2024-du-khach-den-voi-ha-noi-tinh-yeu-se-o-lai-post670298.html