Hé lộ về những quốc gia dễ tổn thương nhất trước các lệnh trừng phạt

Theo nghiên cứu, kinh tế châu Âu sẽ thiệt hại nặng nề nếu phải hứng chịu lệnh trừng phạt.

Trích dẫn một nghiên cứu của Phòng thí nghiệm đánh giá tác động của các cuộc chiến thương mại Trung-Nga, hãng tin Vedomosti của Nga cho biết nếu phải đối mặt với một lệnh phong tỏa thương mại toàn diện, các nền kinh tế Mỹ, Nga và Trung Quốc sẽ chịu ít tổn thất, trong khi điều trái ngược đến với Đức, Pháp và Anh.

Được thực hiện vào đầu năm 2024 tại Trung tâm Siêu máy tinh quốc gia Trung Quốc, nghiên cứu đã sử dụng mô hình toán học để kiểm tra khả năng phục hồi của 19 nền kinh tế toàn cầu trước các biện pháp trừng phạt kinh tế quy mô lớn. Các nhà phân tích đánh giá thiệt hại trực tiếp về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà mỗi quốc gia sẽ phải gánh chịu nếu đối mặt với lệnh phong tỏa thương mại toàn diện.

Nga, Trung Quốc, Mỹ là những quốc gia ít chịu tổn thất từ các lệnh trừng phạt. Ảnh: RT

Nga, Trung Quốc, Mỹ là những quốc gia ít chịu tổn thất từ các lệnh trừng phạt. Ảnh: RT

Nghiên cứu chỉ ra rằng các quốc gia sẽ chịu mức độ thiệt hại khác nhau. Nga nằm trong số ba quốc gia trụ vững trước các lệnh trừng phạt thương mại, với tổng GDP ước đoán giảm không quá 3,5%. Hai quốc gia còn lại là Trung Quốc và Mỹ, với mức suy giảm GDP ước tính là 3,1% và 2,3%.

Trong khi đó, nền kinh tế Đức sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu bị cắt đứt quan hệ thương mại, với mức giảm tổng sản phẩm quốc nội ước tính lên đến 8,1%. Một số quốc gia khác cũng chứng kiến mức sụt giảm GDP đáng kể từ lệnh trừng phạt thương mại như: Hàn Quốc (giảm 7,9%), Mexico (giảm 7,2%), Pháp (giảm 7%), Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 6,6%), Ý (giảm 6%) và Anh (5,7%).

Các nhà phân tích cho rằng việc kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Nga đứng vững trước các lệnh trừng phạt là nhờ vào tiềm lực khoa học, quân sự và con người vượt trội hơn nhiều quốc gia khác.

Trước đánh giá này, Stanislav Murashov, nhà kinh tế trưởng tại Raiffeisenbank, cho biết những quốc gia ít chịu ảnh hưởng trước các lệnh trừng phạt kinh tế chủ yếu là do đã có sự chuẩn bị chu đáo trước đó.

“Nhằm đối phó với các lệnh hạn chế, các quốc gia thường chú trọng phát triển nền kinh tế tự cung tự cấp, giảm đáng kể việc nhập khẩu thiết bị, linh kiện, bộ phận, nguyên liệu thô. Từ nghiên cứu trên, ta có thể thấy châu Âu phụ thuộc vào thị trường toàn cầu hơn Trung Quốc, Mỹ và Nga” – ông nói với tờ báo Kommersant.

Theo số liệu thống kê chính thức, trước các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine, nền kinh tế Nga ban đầu giảm 1,2% vào năm 2022, nhưng đã cho thấy dấu hiệu phục hồi và đạt mức tăng 3,6% vào năm ngoái. Vào hôm thứ Sáu, dữ liệu sơ bộ cho thấy GDP nước này trong quý đầu tiên năm 2024 đã tăng thêm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vào tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, vượt qua Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Pháp (0,7%) và Đức (0,2%).

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/he-lo-ve-nhung-quoc-gia-de-ton-thuong-nhat-truoc-cac-lenh-trung-phat.html