Hệ lụy tiền đi vay chậm giải ngân: Cách nào sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí?

Đối với các dự án ODA, việc chậm tiến độ không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.

Hệ lụy tiền đi vay chậm giải ngân:

Kỳ 1: Những dự án "vắt" qua hàng thập kỷ

Kỳ cuối: Lãng phí, tăng gánh nặng nợ nần

Hủy, trả lại vốn vay gia tăng

Tình trạng chậm giải ngân vốn vay nước ngoài đã được điểm mặt tại báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Đoàn Giám sát của Quốc hội khóa XV.

Báo cáo đưa ra vào tháng 10/2022 nêu rõ, thời gian triển khai dự án kéo dài, phải gia hạn thực hiện, không hoàn thành, đưa dự án vào khai thác đúng thời hạn dự kiến, một số trường hợp phát sinh thêm phí cam kết làm tăng chi phí, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.

Dự án metro số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên qua 15 năm thực hiện vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn khiến vốn bị đội từ 17.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng.

"Đối với các dự án ODA, việc chậm tiến độ, kém hiệu quả ngoài thất thoát, lãng phí, còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia", Đoàn giám sát đánh giá.

Một trong những hệ lụy dễ thấy nhất của tình trạng chậm tiến độ là dự án bị đội vốn lớn. Điển hình như dự án metro số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (vốn JICA), được phê duyệt năm 2008, qua 15 năm thực hiện vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn khiến vốn bị đội từ 17.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng.

Hay dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành - Tham Lương (vốn vay ADB, KfW, EIB), tổng mức đầu tư ban đầu là 26.116 tỷ đồng vào năm 2010, đến năm 2018 đã đội lên 47.891 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cũng đang làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.588 tỷ đồng, tăng 16.033 tỷ đồng (tương đương 82%) so với quyết định phê duyệt dự án vào năm 2008.

Bên cạnh đó, là tình trạng hủy, trả lại vốn vay gia tăng. Kiểm toán Nhà nước trong báo cáo hồi tháng 5/2023 lưu ý, tổng số vốn đã giải ngân, thanh toán năm 2021 là 19.555 trên tổng số 53.536 tỷ đồng, bằng 36,53% kế hoạch, trong đó một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí không giải ngân.

Số vốn nước ngoài năm 2021 hủy khá lớn: Trên 20.000 tỷ đồng vốn ODA các bộ, địa phương đề nghị trả lại. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay trong bối cảnh nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài đang thu hẹp lại.

Tại báo cáo giám sát đầu tư năm 2022 ban hành tháng 7/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra cảnh báo: Tình trạng đề xuất trả lại kế hoạch vốn tiếp tục có xu hướng tăng so với năm 2020, 2021, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Dẫn nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, TS Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh ý nghĩa của việc sự dụng vốn vay: "Họ đã chứng minh rằng nếu tăng được 1% hiệu suất vốn đầu tư thì sẽ làm cho GDP tăng 0,1 - 0,2%.

Để giải quyết thực trạng này, trước hết cần phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. Thủ tướng Chính phủ gần đây đã có công điện 749 ngày 18/8, thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nói rõ về trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương không đảm bảo tiến độ giải ngân. Ngoài ra, các địa phương phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng cho nhà thầu thi công".

Nặng nợ nếu tiền đi vay không dùng hiệu quả

Số liệu gần đây cho thấy, nợ công dù giảm về tỷ trọng khi so sánh với GDP và vẫn trong giới hạn an toàn được Quốc hội đặt ra. Nhưng tính theo số liệu tuyệt đối dựa trên bình quân đầu người, mỗi người dân Việt Nam phải chịu khoản nợ công tăng hàng năm.

Theo đó, nợ công bình quân một người Việt Nam năm 2022 đã tăng lên khoảng 40 triệu đồng/người, tăng dần đều so với các năm liền kề trước: 36,71 triệu đồng/người năm 2021; 35,10 triệu năm 2020; 33,62 triệu năm 2019 và 31,69 triệu năm 2018...

Vì thế, việc sử dụng nợ công hiệu quả, trong đó có tăng cường tiến độ giải ngân đầu tư công vốn vay nước ngoài là nhiệm vụ cấp bách.

Đề cập một số giải pháp gỡ khó giải ngân vốn vay nước ngoài, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho rằng: "Những vướng mắc liên quan đến chính sách, nhất là Nghị định 15 cần sớm sửa đổi. Cấp phép liên quan đến ngành y tế, định mức kỹ thuật của ngành giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị thì các bộ chuyên ngành cần phối hợp với các tỉnh giải quyết".

Trước tình hình giải ngân chậm chạp, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mới đây đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài, với mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch.

Phó thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo kế hoạch được giao và hiệu quả sử dụng vốn vay.

Các cơ quan chủ quản cần tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng. Trường hợp không có khả năng giải ngân do vướng mắc trong thời gian dài, không thể giải quyết được, cần hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có khả năng thực hiện, giải ngân tốt hơn.

"Giải ngân vốn đầu tư công còn liên quan tiến độ dự án. Nếu địa phương có chiến lược, kế hoạch, tiến độ thực hiện rõ ràng, thủ tục chuẩn bị trước, khi nguồn vốn có sẽ giải ngân nhanh hơn, hiệu quả, đúng tiến độ", PGS.TS Mai Văn Nam gợi ý.

Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV nhận xét, việc giải ngân chậm dẫn đến chậm trễ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển, không chỉ làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng tới thực hiện dự án, mà có thể dẫn tới tranh chấp hợp đồng với nhà thầu, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam cũng như quyết định đầu tư của các nhà tài trợ.

Bài 1: Những dự án "vắt" qua hàng thập kỷ

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/he-luy-tien-di-vay-cham-giai-ngan-lang-phi-tien-di-vay-tang-ganh-nang-no-nan-192230921215903346.htm