Hiểm họa từ việc sử dụng đơn thuốc cũ

Vì những lý do khác nhau, nhiều người có thói quen sử dụng đơn thuốc cũ do bác sĩ kê trước đó để mua thuốc uống trong nhiều năm liền. Điều này gây ra những hiểm họa khôn lường.

Bác sĩ căn dặn ông N.V.T. cần tái khám định kỳ để được chỉ định thuốc phù hợp, tránh phải nhập viện cấp cứu vì dùng đơn thuốc cũ. Ảnh: H.Dung

Bác sĩ căn dặn ông N.V.T. cần tái khám định kỳ để được chỉ định thuốc phù hợp, tránh phải nhập viện cấp cứu vì dùng đơn thuốc cũ. Ảnh: H.Dung

Các bác sĩ khuyến cáo, đơn thuốc chỉ có giá trị một lần tại thời điểm người bệnh được khám, chẩn đoán bệnh. Ở những lần tiếp theo, bệnh nhân phải tái khám để bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp với tình hình sức khỏe cũng như diễn tiến bệnh của người bệnh.

Thói quen không tốt của nhiều người

Ông N.V.T. (77 tuổi, ngụ xã An Phước, huyện Long Thành) mới đây phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong tình trạng khó thở, vã mồ hôi nhiều, không nói được.

Ông T. cho biết, ông được phát hiện bị bệnh suy tim, tăng huyết áp, tiểu đường cách đây 30 năm. Trước đây, khi còn ở tỉnh Hải Dương, ông T. có đến bệnh viện ở Hải Dương để thăm khám, được bác sĩ kê đơn thuốc. Từ đó trở đi, mỗi lần uống hết thuốc, ông lại ra nhà thuốc tư nhân ở gần nhà để mua thuốc chứ không đến bệnh viện tái khám. 3 năm nay, ông vào Đồng Nai sinh sống với các con và vẫn sử dụng đơn thuốc cũ. Khoảng nửa tháng trước, ông bị tràn dịch màng phổi, lên cơn khó thở, người mệt mỏi, ăn khó tiêu phải vào bệnh viện để cấp cứu.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, tình trạng kháng thuốc đang là vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, trên thế giới có hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc và phải chi hàng chục tỷ USD cho kháng thuốc.

Ông T. cho hay, do thẻ bảo hiểm y tế của ông mua ở tỉnh Hải Dương nên khi vào Đồng Nai, muốn đi khám ở bệnh viện tỉnh phải thực hiện chuyển tuyến rất mất thời gian, đi lại vất vả. Vì thế, ông không đến bệnh viện khám định kỳ, mà chủ quan cho rằng sử dụng đơn thuốc cũ cũng không sao.

Cũng có thói quen sử dụng đơn thuốc cũ nhiều năm nay là ông N.T.Q. (60 tuổi, ngụ xã An Phước, huyện Long Thành).

Ông Q. cho hay, một năm trước, ông bị khó thở, được điều trị tại bệnh viện. Sau khi ra viện, ông chỉ đi tái khám một lần rồi dùng đơn thuốc cũ để sử dụng. Cách đây ít ngày, ông Q. bị nhịp tim nhanh, không thở được, vào bệnh viện cấp cứu được bác sĩ chẩn đoán bị suy tim.

Còn bà N.T.H. (58 tuổi, ngụ xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị nổi chi chít mụn đỏ từ mặt đến chân; thậm chí, có những mảng da đổi màu đen sạm, người mệt mỏi, thể trạng suy kiệt.

Con gái bà H. cho biết, cách đây 4 năm, bà H. thực hiện ca phẫu thuật tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh). Từ đó trở đi, do hoàn cảnh gia đình nên bà H. không tái khám theo chỉ định của bác sĩ, mà sử dụng đơn thuốc cũ để ra nhà thuốc của một phòng khám tư nhân trên địa bàn thành phố Long Khánh mua về dùng.

Hậu quả khó lường

Bác sĩ Lâm Hồng Đức, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết khoa đang điều trị cho 55 bệnh nhân, trong đó 1/2 số bệnh nhân mắc bệnh suy tim, nhập viện do đợt cấp suy tim lần đầu hoặc tái phát. Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy người bệnh mắc cùng lúc nhiều bệnh nền và có chung thói quen dùng đơn thuốc cũ để sử dụng trong nhiều năm liền. Điều này rất nguy hiểm.

Theo bác sĩ Đức, suy tim là bệnh mạn tính, phải điều trị suốt đời. Người bệnh suy tim thường mắc kèm một số bệnh khác như: tăng huyết áp, tiểu đường, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, bệnh nhân phải tái khám định kỳ để bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm, siêu âm cần thiết nhằm theo dõi, phát hiện các chỉ số huyết áp, tiểu đường, gan, thận. Từ đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc, các loại thuốc cho phù hợp với tình hình sức khỏe, diễn tiến bệnh của bệnh nhân.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên sử dụng đơn thuốc cũ của chính mình để sử dụng liên tục trong thời gian dài mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc cho người khác có triệu chứng bệnh giống mình sử dụng đơn thuốc của mình. Bởi lẽ, nhiều bệnh có triệu chứng lâm sàng có thể giống nhau nhưng chưa chắc đã cùng một bệnh. Chẳng hạn như các bệnh sốt xuất huyết, sốt do virus, sốt phát ban, sởi đều có triệu chứng là sốt, nhưng cách điều trị không giống nhau. Hoặc cùng một bệnh có vẻ như nhau nhưng có thể do những nguyên nhân khác nhau nên cách thức điều trị và sử dụng thuốc cũng khác nhau.

Một đơn thuốc có thể phù hợp với bệnh nhân này nhưng không phù hợp với bệnh nhân khác, vì mỗi cá nhân có sức đề kháng, dị ứng thuốc, tương tác thuốc khác nhau. Đặc biệt, những người bị bệnh dạ dày, tim mạch, gan thận, tiểu đường cần tránh dùng nhiều loại thuốc. Nếu người bị những bệnh trên dùng đơn thuốc cũ hoặc đơn thuốc của người khác mà chưa có chỉ định của bác sĩ rất dễ gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Thông tin từ Bộ Y tế, thói quen mua và sử dụng thuốc dễ dãi, sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh của người dân đang khiến cho tình trạng kháng kháng sinh trở nên phổ biến. Chính vì vậy, sau mỗi lần bệnh nhân khám bệnh, bác sĩ thường ghi chú thời gian tái khám để kiểm tra hiệu quả sử dụng thuốc của người bệnh sau lần chỉ định thuốc đã cho. Nếu không đạt được kết quả điều trị như mong muốn, bác sĩ sẽ tăng liều, phối hợp thêm thuốc hoặc thay thuốc khác. Nếu phát sinh tác dụng bất lợi, bác sĩ sẽ phải thay hoặc cắt bỏ loại thuốc đã cho. Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/hiem-hoa-tu-viec-su-dung-don-thuoc-cu-6ff4ea8/