Hiên nhà có mẹ

Phú trở về nhà khi bóng chiều đã ngả vàng. Đèn đường bật sớm. Ở đầu hẻm, nồi bún riêu của bà cụ cũng cạn đáy, chắc chỉ còn đủ tô cuối dành cho Phú.

Ở một thời điểm nào đó, người ta ăn không phải để no nữa, mà là ăn để “gặp lại” chính mình trong quá vãng. Với Phú, mùi vị bún riêu của bà cụ đầu hẻm ngon đến khó diễn tả bằng lời. Lần nào Phú cũng ăn cạn sạch đến giọt nước dùng cuối cùng, ăn trong bình an, bởi khi ấy, trong lòng Phú ngập tràn hình ảnh yêu thương về người mẹ quá cố của mình.

Vợ Phú vẫn không hiểu sao bao nhiêu món ngon hấp dẫn bên ngoài kia, mà Phú chỉ thích tô bún riêu với vài miếng đậu hũ, lát cà chua đơn sơ của bà cụ? Lúc đó, Phú chọc lại vợ rằng: “May quá, nếu là cô gái bán bún riêu là không yên thân ngồi ăn rồi!”. Vợ Phú cũng đùa lại: “Chẳng phải bà cụ có cô cháu gái rất xinh hay ra bưng tô đó sao?”. Anh còn không biết mặt cô cháu gái, bởi mỗi lần ngửi thấy mùi bún riêu của bà cụ từ đầu ngõ, bụng anh đã cồn cào và khi đã ngồi vào chiếc ghế nho nhỏ, anh chỉ biết cắm cúi ăn. Còn vợ Phú, kể cả khi tình cảm của cả hai còn mặn nồng thì cô cũng kiên quyết không ăn bún riêu của bà cụ. Chỉ vì một lần thấy con chuột từ bờ tường phóng chạy qua rổ rau xanh tươi mà bà cụ đang lấy cho khách ăn.

Mẹ Phú, người đàn bà không biết đến con chữ là gì. Cả đời mẹ chỉ quanh quẩn trong gian bếp để nấu những mâm cơm nóng thơm ngon, đủ dinh dưỡng cho cả nhà. Hơn mười người con lần lượt ra đời trong căn nhà có gian bếp ấm áp mùi của mẹ, và mái hiên bao mùa cần mẫn che nắng mưa.

So với các anh chị, Phú ở với mẹ lâu nhất. Cả tuổi thơ của Phú quanh quẩn bên mái hiên nhà, nơi có mẹ. Khi bạn bè đồng trang lứa chọn thành phố lớn để tạo dựng sự nghiệp, Phú vẫn quẩn quanh ở nhà, cho đến khi gặp Mây - vợ Phú.

Trong suốt thời gian ấy, Phú đã ăn biết bao nồi bún riêu mẹ nấu. Những khi Phú có tin vui, mẹ thông báo với cả nhà: “Hôm nay nhà mình ăn bún riêu để chúc mừng Phú nhé!”. Khi thấy Phú có chuyện không vui, mẹ cũng rỉ tai Phú bảo: “Trưa mẹ có nấu bún riêu đấy, về ăn nhé!”.

Mà kỳ thực, chỉ cần ăn xong tô bún riêu mẹ nấu là bao chuyện muộn phiền tự khắc tan biến.

Lần sau cùng Phú trở về, các anh chị cũng có mặt ở đó, chị Hai hỏi mẹ xem có biết ai về thăm mẹ không? Mẹ đưa bàn tay sờ mặt, đầu Phú, rồi tự tin: “Thằng Phú đây mà!”. Phú đã không cầm được nước mắt ở khoảnh khắc ấy. Bằng cách nào mẹ nhận ra Phú, khi cặp mắt đã chẳng nhìn thấy gì từ rất lâu?

Phú về đến nhà, anh nhận ra ngay Mây đã rời đi rồi. Mối liên kết vợ chồng như sợi dây mỏng tanh, chỉ một tác động nhẹ cũng đứt rời mà chẳng có cách nào níu giữ.

***

Những lúc không vui, anh lại muốn về lại quê nhà. Về nhà, ngồi nơi bậc thềm có mái hiên che, gió quê nhà mát rười rượi, mát như những buổi trưa hè mẹ quạt cho anh giấc ngủ no tròn.

Càng ngày thời tiết thay đổi, nóng hơn xưa rồi, nhưng mỗi lần trở về, anh như được tưới mát từng tế bào. Và khi trở lại thành phố, anh không biết mỗi ngày mình phải hít bao nhiêu khói bụi vào buồng phổi. Ý nghĩ đó khiến anh chỉ muốn trở về.

Mỗi lần rời đi, mẹ hay nói với anh câu quen thuộc: “Khó khăn quá thì về với mẹ nha con!”. Mẹ, cả cuộc đời chưa qua khỏi bến đò ngang lên thị trấn. Mẹ vẫn thấu hiểu nỗi nhọc nhằn bên ngoài. Mỗi lần anh về, chỉ cần nhìn sắc mặt của anh, mẹ đoán ngay ra nội tâm. Mẹ không nói gì, vẫn chỉ là: “Mẹ có nấu bún riêu cho con…”.

Lần này, anh lại muốn trở về. Anh muốn mỗi ngày đều thắp hương lên bàn thờ mẹ, nấu những món dân dã ngày xưa mẹ vẫn nấu, mời mẹ ăn cùng, rồi sống chuỗi ngày bình yên – một cuộc sống mà vợ anh chẳng hề hướng tới. Vậy nên cô ấy bước tiếp hành trình của mình, với những tham vọng chẳng có điểm dừng.

Người ta, khi có đủ tiền sẽ nghĩ tới quyền. Vợ anh đã là bác sĩ giỏi, nổi tiếng, được mọi người tìm đến dù chẳng hề mở phòng mạch. Nhưng với cô ấy, đó chỉ là nấc thang đầu tiên. Cô ấy còn rất nhiều bậc thang phía trước, làm trưởng khoa, giám đốc, mở bệnh viện…

***

Chiều cuối tuần, nắng hè nhả dần cái nóng oi ả của ban trưa. Những bước chân đưa anh ra khỏi nhà, dừng lại ở chiếc bàn xinh xắn kê dưới gốc cây cạnh nồi bún riêu của bà cụ.

- Chú ăn thập cẩm hay sao?

Anh ngước lên bởi giọng nói lần đầu tiên nghe. Một cô gái có đôi mắt to tròn, nước da bánh mật, tóc thắt hai bím gọn gàng... Anh còn nghĩ mình vào nhầm hàng, nhưng không, con hẻm nhỏ này làm gì có hàng bún nào khác? Cô gái trước mặt anh cười tươi:

- Nay bà của em bệnh, không đi bán bún riêu được…

Giờ anh mới nhớ lại có lần vợ nói về cô cháu gái xinh xắn của bà cụ. Anh đoán cô gái ngoài 20, hoặc là đã tốt nghiệp đại học. Chú ư? Anh khẽ mỉm cười rồi gật đầu để cô gái khỏi đợi lâu:

- Đúng rồi, tôi ăn thập cẩm!

***

Một buổi chiều, góc bún riêu của bà cụ chỉ còn là khoảng trống. Vài chiếc lá me vàng xao xác rụng dưới chân. Không dưng, lòng anh buồn mênh mang mà chẳng cụ thể vì gì.

- Bà cụ mất rồi. Tuổi già thôi, nghe đâu mang về quê nhà chôn cất – một người hàng xóm nói với anh.

Anh cúi nhặt chiếc lá me còn nguyên xương, vừa rụng dưới chân mình. Những chiếc lá xinh xinh chỉ chừng hơn hạt gạo, trải đều hai hàng trên khung xương lá, ngả sang màu vàng trước khi rụng. Anh ngước nhìn tán me, chẳng bao lâu nữa sẽ có loạt lá non lần lượt nhú lên, khoe màu xanh nõn nà trong màu nắng mới tinh khôi đầu ngày, rồi chúng sẽ già đi theo thời gian…

Anh lẩn thẩn mất rồi, không dưng mà nghĩ ngợi những chuyện chẳng liên quan.

- Cô cháu gái hôm nay lên dọn đồ, nghe đâu trả phòng trọ luôn, về quê sống.

Lần nữa, anh nghe được thông tin từ cô hàng xóm. Dù là thông tin chẳng liên quan, nhưng nó khiến anh phấn chấn lên hẳn.

Lần thứ 3, cô hàng xóm cho anh số điện thoại của cô cháu gái bà cụ. Anh lưu ngay vào máy, như thể nếu không lưu, tờ giấy mỏng manh ấy sẽ biến mất khỏi cuộc đời mình.

Không khó khăn gì với việc kết nối ở thời đại này, nhất là khoảng cách ông chú và cô cháu gái lại khá an toàn. Hoa – cô cháu gái bà cụ bán bún riêu vui vẻ chia sẻ rằng mình đã về quê nhà và không trở lại thành phố nữa.

Thật trùng hợp, nơi Hoa ở cách nhà anh không xa. Đằng nào anh cũng đang ấp ủ một chuyến về thăm nhà, thắp hương cho mẹ, và có thể ở hẳn lại, nếu như…

Anh bỏ lửng dấm ba chấm trong đầu. Những ý nghĩ bay bổng về một cuộc sống mới, mối nhân duyên mới như tiếp thêm sức mạnh cho anh, trong những ngày thui thủi đi về. Anh nghĩ nhiều về hành trình phía trước của mình. Những gì anh phải bỏ lại sau lưng, và những gì làm hành trang cho mình.

***

Anh xuống bến xe vào lúc trời tờ mờ sáng. Những tháng mùa hè, trời luôn sáng sớm hơn. Mới 5 giờ mà đã thấy rõ mặt đường. Anh nhận ra Hoa bên nồi bún riêu thơm lừng từ rất xa.

- Chú là…

Từ bên trong, có giọng người đàn ông:

- Ai vậy em, người quen hả?

Anh nhìn theo giọng nói từ phía bên trong nhà. Một thanh niên còn trẻ, thân hình rắn rỏi, có lẽ dân bản địa.

- Vâng, một người quen biết.

Tô bún riêu được chàng thanh niên mang tới bàn anh ngay sau đó.

- Nhìn anh như không phải người ở đây?

- Ừ, đúng rồi!

- Vậy là anh đến công tác ạ? – vẻ chàng thanh niên chưa dừng lại câu chuyện. Anh nhớ ra là người quê mình vẫn vậy, nhưng không hẳn soi mói gì. Anh cũng nhã nhặn đáp lại:

- Tôi về nhà, ở gần đây!

Chàng trai khẽ thốt lên:

- Vậy ra anh “bỏ phố về quê” nhỉ? Dạo này nhiều người như vậy. Em cũng phải nói mãi vợ mới chịu về quê.

Chàng thanh niên vừa nói vừa nhìn về phía Hoa. Khói từ nồi nước bốc lên, loãng ra trên không trung. Màu khói bàng bạc ấy, như thể đã lưu giữ những nỗi buồn từ bao thiên niên kỷ nay, hay do tâm trạng ẩm ương của anh?

- Vậy là anh về quê sống luôn đúng không?

Anh không trả lời mà đưa mắt nhìn ra con đường trước mặt. Đi dọc quốc lộ này, thêm chừng 10km nữa là qua khỏi cổng chào thành phố. Khi ấy, có lối rẽ vào con đường quen thuộc suốt tuổi thơ anh.

Anh khẽ mỉm cười, nói với chàng thanh niên: “Đúng vậy, quê nhà có mẹ đợi tôi về!”.

La Thị Ánh Hường

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/hien-nha-co-me-140704.html