Hiện tượng Ngoại hạng Anh: Bị siêu sao bỏ, Tottenham cùng West Ham lại 'hóa rồng'

Tottenham và West Ham bay cao ở Ngoại hạng Anh dù mất Kane và Rice.

Sau chia tay là "lên đời"

Nhìn lên bảng xếp hạng Premier League sau 4 vòng ta sẽ thấy một vài cái tên quen thuộc: Man City, Tottenham, Brighton, Liverpool, Arsenal, v.v… nhưng rồi bỗng có West Ham trong đó. Và một điều nữa, Tottenham và West Ham vẫn chưa thua, còn Brighton vừa thắng Newcastle là đội về đích top 4 mùa trước.

West Ham bay cao sau khi chia tay Declan Rice

West Ham bay cao sau khi chia tay Declan Rice

Đặt trong bối cảnh của mùa giải thì sự góp mặt ở top trên của Spurs, Brighton và West Ham là khá lạ. Trong mùa hè qua họ mất nhiều cầu thủ quan trọng: Tottenham chia tay Harry Kane sau nhiều năm gắn bó, West Ham cũng bán Declan Rice sau chức vô địch Conference League, còn Brighton từ đầu mùa hè đã xác định sẽ không giữ được Alexis Mac Allister và Moises Caicedo.

Phải chăng các đội bóng trên lại đá tốt hơn so với khi họ còn các ngôi sao? West Ham là nổi bật nhất vì họ đang đá như một ứng cử viên dự cúp châu Âu dù mùa trước chật vật trụ hạng dù có Rice trong đội hình, Tottenham mới đầu mùa đã chơi sáng nước hơn nhiều so với phần lớn mùa trước khi được Antonio Conte dẫn dắt, và Brighton vẫn đá kiểm soát rất lợi hại dù mất 2 tiền vệ ngôi sao.

Mất ngôi sao nhưng tập thể lại đá tốt lên? Trong thập niên 1990 báo chí Mỹ đã đề ra cái gọi là “học thuyết Ewing” để nói về hiện tượng này, đặt theo tên của trung phong bóng rổ người Mỹ Patrick Ewing. Cầu thủ cao 2m13 này gia nhập CLB New York Knicks và có 15 năm thi đấu ở Knicks với rất nhiều giải thưởng cá nhân, nhưng Knicks chỉ 2 lần vào chung kết NBA (1994 & 1999) và đều không vô địch.

“Học thuyết Ewing” bắt đầu gây chú ý khi vào năm 1999, New York Knicks lúc đó là một đội hình đang già đi và chỉ đoạt suất dự playoff với tư cách đội xếp hạng 8 miền Đông, tức vị trí thấp nhất trong nhóm các đội được trao suất. Không những vậy trong loạt playoff Ewing còn bị chấn thương nặng nghỉ hết mùa, nhưng Knicks khi không còn siêu sao đội trưởng lại tiến thẳng tới NBA Finals và chỉ chịu thua San Antonio Spurs mạnh hơn hẳn.

Patrick Ewing, trung phong huyền thoại của New York Knicks và là nguyên mẫu của nhân vật Takenori Akagi trong truyện Slam Dunk

Patrick Ewing, trung phong huyền thoại của New York Knicks và là nguyên mẫu của nhân vật Takenori Akagi trong truyện Slam Dunk

Có hai yếu tố quan trọng về “học thuyết Ewing”: 1) Ewing hay cầu thủ ngôi sao nào khác không những phải quan trọng với cách chơi của đội bóng anh ta thi đấu mà còn được truyền thông chú ý hơn các đồng đội khác; 2) Nhưng dù có ngôi sao đội bóng đó vẫn thi đấu phập phù, hoặc kỳ vọng thành tích của người hâm mộ giảm đi khi ngôi sao đó rời CLB.

Căn cứ vào đó thì có thể đánh giá Tottenham, Brighton và West Ham đang tạm chịu ảnh hưởng của “học thuyết Ewing”, bởi Kane, Rice, Caicedo và Mac Allister đều là những cầu thủ chủ lực mùa trước của 3 CLB này và họ nhận sự chú ý từ truyền thông nhiều hơn các đồng đội khác. Người ta đã nghĩ thành tích 3 đội này sẽ sa sút sau khi chia tay các ngôi sao nhưng thay vào đó 3 đội đang thăng hoa.

Hiện tượng nhất thời?

Tất nhiên có nhiều lập luận để phản biện “học thuyết Ewing”. Lúc này Premier League mới đá 4 vòng và vẫn còn 34 vòng nữa để thấy độ bền bỉ của 3 CLB ra sao, để xem họ có “nhớ” các siêu sao của mình. Đá cả mùa giải có nghĩa đá đủ 19 đối thủ sau 2 lượt đi – về, cũng như trải qua những vấn đề chấn thương – thẻ phạt.

Hơn nữa “học thuyết Ewing” thường nhắc đến việc mất siêu sao nhưng đội bóng vẫn thi đấu tốt, dù vậy Tottenham, Brighton và West Ham đều có cầu thủ chất lượng mùa này. Son Heung Min vẫn còn ở Tottenham và anh được hỗ trợ bởi tân binh James Maddison, trong khi Lucas Paqueta đang kế thừa Rice ở West Ham và “The Hammers” còn Michail Antonio đá cắm. Brighton giờ đã có ngôi sao mới Evan Ferguson để kết hợp với tuyển thủ Nhật Bản Kaoru Mitoma trên hàng công.

Kane ra đi nhưng Tottenham vẫn còn Son Heung Min và lại có thêm James Maddison

Kane ra đi nhưng Tottenham vẫn còn Son Heung Min và lại có thêm James Maddison

Hơn nữa mất ngôi sao lại không phải điều cốt lỗi của học thuyết Ewing: Lối chơi của Tottenham, Brighton và West Ham được các HLV trưởng thay đổi để thích ứng với sự chia tay của các ngôi sao. Ngay với New York Knicks của Ewing cũng vậy, đội trưởng của họ đã 37 tuổi vào năm 1999 và khi Ewing vắng mặt Knicks chuyển sang lối chơi nhanh với những cầu thủ trẻ & tốc độ hơn.

Về ngắn hạn mùa giải của Tottenham có thể sẽ thành công dù không có Kane nhưng không thể nói trước về lâu dài, bởi sau khi Ewing ra đi năm 2000 New York Knicks đến nay vẫn chưa trở lại NBA Finals và có nhiều mùa giải trượt playoff, kỷ nguyên Ewing là lần gần nhất Knicks thi đấu thành công. Tottenham cũng đã từng “mất phanh” sau khi Gareth Bale rời CLB nên hãy chờ xem số phận đội bóng sẽ ra sao sau khi Kane chia tay.

Q.D

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/the-thao/hien-tuong-ngoai-hang-anh-bi-sieu-sao-bo-tottenham-cung-west-ham-lai-hoa-rong-c28a59594.html