Hiệu quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 bậc tiểu học

Qua hơn 03 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu, giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hiệu quả thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT).

Tổ chức cho học sinh tiểu học tham gia hoạt động trải nghiệp, tạo môi trường cho học sinh được tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương (Trong ảnh: học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Trà Vinh thắp hương Miếu Tiền Vãng, dịp 20/11/2022).

Tổ chức cho học sinh tiểu học tham gia hoạt động trải nghiệp, tạo môi trường cho học sinh được tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương (Trong ảnh: học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Trà Vinh thắp hương Miếu Tiền Vãng, dịp 20/11/2022).

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, để thực hiện chương trình, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Kế hoạch triển khai Chương trình GDPT năm 2018 tỉnh Trà Vinh; Kế hoạch tổ chức biên soạn và triển khai nội dung giáo dục địa phương tỉnh Trà Vinh trong chương trình GDPT năm 2018; thành lập Ban biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Trà Vinh; thành lập Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương…

Đồng thời, Sở GD-ĐT chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018 như: cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ sử dụng sách giáo khoa… đến các cấp quản lý, giáo viên, ưu tiên đối với các khối lớp thay sách theo lộ trình. Nhờ đó, đảm bảo 100% nhà giáo và cán bộ quản lý tham gia thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 hoàn thành bồi dưỡng đúng quy định. Đồng thời, hằng năm, Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa cho đội ngũ giáo viên dạy lớp trước khi năm học mới bắt đầu, phối hợp với các Nhà xuất bản giáo dục có sách giáo khoa được chọn thực hiện tập huấn hướng dẫn sử dụng sách cho tất cả giáo viên.

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Đình Bá, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD-ĐT): triển khai Chương trình GDPT năm 2018 vẫn còn một số khó khăn như: thiếu đội ngũ giáo viên, phòng học. Bởi các yêu cầu tối thiểu của Chương trình GDPT năm 2018 cao hơn so với chương trình trước đây cả về tỷ lệ giáo viên/lớp và phòng chức năng tổ chức dạy học, nhất là yêu cầu bắt buộc đối với môn tiếng Anh và Tin học (trước đây 02 môn này là môn học tự chọn có thể dạy hoặc không).

Được biết, về điều kiện cơ sở vật chất, đến nay, bậc tiểu học có 2.974 phòng học (đạt 0,98 phòng học/lớp), còn thiếu 341 phòng phục vụ học tập gồm: phòng học; phòng nghệ thuật, phòng khoa học - công nghệ, phòng Tin học, phòng ngoại ngữ, phòng đa chức năng;

Khối hành chính quản trị thiếu 183 phòng, khối phòng hỗ trợ học tập thiếu 117 phòng (thư viện, thiết bị, tư vấn học đường, phòng truyền thống, phòng Đội…), gây ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục toàn diện đối với giáo dục tiểu học của tỉnh.

Đặc biệt, đội ngũ giáo viên tiếng Anh và Tin học hiện tại chưa đáp ứng đủ số lượng tại một số cơ sở giáo dục tiểu học trong tỉnh theo lộ trình thay sách giáo khoa Chương trình GDPT năm 2018, dự báo năm học 2023 - 2024 thiếu 64 giáo viên tiếng Anh và 34 giáo viên Tin học.

Theo đồng chí Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024 và những năm tiếp theo, ngành tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa, đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên đủ về số lượng theo định mức tổ chức tốt việc dạy học 02 buổi/ngày theo quy định của chương trình, thực hiện rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp bậc tiểu học.

Thực hiện bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, tổ chức hiệu quả sinh hoạt chuyên môn tại các tổ, khối chuyên môn trong trường, cụm trường tiểu học. Bên cạnh, thực hiện thí điểm việc triển khai giáo dục STEM bậc Tiểu học, tăng cường công tác kiểm tra về đánh giá học sinh tiểu học theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, chú trọng tổ chức hoạt động trải nghiệp, tạo môi trường cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học phát huy năng lực đã đạt được trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn, các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh, các hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương.

Bài, ảnh: NGỌC XOÀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/hieu-qua-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-nam-2018-bac-tieu-hoc-31041.html