Hình ảnh vui nhộn gần trăm người dân ở Hải Dương đội nắng thi pháo đất cổ truyền

Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng hàng nghìn người dân làng Đông Cao đủ mọi lứa tuổi đã đến xem, cổ vũ cho gần 100 pháo thủ khiến cho không khí nơi đây vui tươi như mở hội...

Đã từ lâu chúng tôi biết đến trò chơi khá đặc biệt ở Hải Dương – trò chơi pháo đất, nhưng để tận mắt chứng kiến mọi người chơi thì chưa một lần. Đây không chỉ là trò chơi dân gian mang đậm tính văn hóa mà còn góp phần rèn luyện sức khỏe cũng như tăng cường sự đoàn kết gắn bó với nhau. Tuy nhiên, ít ai biết được những điều thú vị của trò chơi như một món ăn tinh thần của người dân làng quê.

Video gần trăm người dân Hải Dương thi đấu pháo đất cổ truyền

Chiều nay (29/4), PV Gia đình & Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) có mặt tại Nhà văn hóa thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) cũng là thời điểm gần một trăm pháo thủ đang chuẩn bị thi đấu pháo đất. Cùng với đó là hàng nghìn người dân đủ mọi lứa tuổi đến xem, cổ vũ khiến cho không khí làng quê trở lên náo nhiệt, vui tươi như mở hội.

Theo quan sát của PV, mặc dù thời tiêt nắng nóng, nhưng các pháo thủ vẫn miệt mài chuẩn bị cho trận thi đấu sắp diễn ra; từ vận chuyển đất, làm bàn gieo đến nhào đất. Mỗi người một việc, ai cũng khẩn trương nhưng không quên nhắc nhở nhau về nhiệm vụ của mình cũng như trò chuyện hỏi thăm đội bạn.

Hội thi pháo đất truyền thống thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên diễn ra trong ngày (29-30/4).

Đang nhào đất làm pháo cùng các thành viên, ông Vũ Văn Thống (57 tuổi, trú tại đội 7, thôn Đông Cao) kể, bản thân chơi pháo đất từ lâu và đến nay ông vẫn thích trò chơi này. Bởi đây không chỉ là trò chơi dân gian của làng mà còn góp phần rèn luyện sức khỏe cũng như một sự giải trí sau những tháng ngày làm việc vất vả.

"Mỗi người có cách làm pháo đất khác nhau, nhưng cũng có người lại không biết chơi pháo đất, vì trò chơi này đòi hỏi khá nhiều kỹ thuật. Trước hết cách nhào đất phải kỹ cùng với lượng nước vừa đủ; loại bỏ những tạp chất để đất thật mịn, nhuyễn. Ngoài ra kỹ thuật bấu khung (làm khung), miết khung và cách làm bàn gieo cũng như kỹ thuật gieo pháo sẽ quyết định một quả pháo đất có ra hay không", ông Thống nói.

Các pháo thủ đang thực hiện kỹ thuật làm pháo đất của mình.

Còn theo ông Đỗ Văn Quảng (55 tuổi, trú tại đội 1, thôn Đông Cao) cho hay, ngoài việc làm bàn gieo, pháo thủ có sức khỏe thì yếu tố quan trọng nhất của trò chơi này chính là loại đất sử dụng. Loại đất này phải là đất thịt lấy ở cánh đồng và không phải xứ đồng nào cũng có. Sau khi đất được lấy về, mọi người dùng sẽ dùng các dụng cụ để loại bỏ tạp chất, làm mềm, nhuyễn đất. Khi nào đất có độ dẻo, độ dai, mịn thì có thể dùng được.

Ông Quảng cho biết: "Hồi còn bé, tôi đã thấy các cụ, rồi đời ông, đời bố đã chơi pháo đất; nên từ khi còn thành niên bản thân tôi đã tham gia trò chơi này và thấy phù hợp với bản thân. Chúng tôi chơi pháo đất khi rảnh rỗi, lúc nông nhàn và sau khi kết thúc mùa vụ…".

Gần 100 pháo thủ nghe BTC phổ biến quy chế, nội quy thi đấu.

Chia sẻ về Hội thi pháo đất truyền thống, ông Ngô Xuân Đương-Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đông Cao thông tin, Hội thi pháo đất năm nay của địa phương có gần 100 pháo thủ, với 9 đội sản xuất (mỗi đội có 5 pháo và mỗi một quả pháo đất sẽ có 2 người chơi) và thi đấu trong 2 ngày (29- 30/4). Sau đó sẽ tổng kết và trao giải cho những đội có thành tích cao nhất. Mỗi một ngày thi đấu, BTC sẽ trao giải cho 1 pháo thủ có số lượng dây pháo dài nhất và sau mỗi bàn (khung) đội nào có dây pháo dài hơn sẽ được tặng cờ kèm phần thưởng.

Căn cứ vào kế hoạch của UBND xã Đông Xuyên về việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ lớn; thôn Đông Cao đã họp bàn, sau đó thống nhất, xây dựng kế hoạch trình với chính quyền địa phương về việc tổ chức Hội thi pháo đất vào dịp 30/4- 1/5 và được xã đồng ý.

Trước khi diễn ra Hội thi pháo đất, BTC thông báo quy định, quy chế cũng như thời gian, địa điểm. Sau đó, các đội lựa chọn những thành viên (pháo thủ là nam giới) và tổ chức tập luyện vào buổi tối vì ban ngày mọi người còn đi làm việc.

Chiếc pháo của đột 1 sau khi được pháo thủ gieo.

"Trò chơi pháo đất của cha ông xưa được địa phương chúng tôi duy trì và phát huy qua nhiều thế hệ. Cho nên, năm nào thôn cũng tổ chức trò chơi này. Nếu vào năm lẻ thì hội thi pháo đất sẽ được nằm trong Lễ hội chùa Sùng Ân, còn năm chẵn được tổ chức tại Nhà văn hóa thôn.

Thông qua Hội thi pháo đất truyền thống, ngoài việc gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa của các cụ trong làng để lại, rèn luyện sức khỏe, chúng tôi cũng mong đây là dịp để gắn kết tình cảm của mọi người dân trong thôn, những người con xa quê. Qua đó, tăng cường sự đoàn kết, cùng giúp đỡ nhau mỗi khi khó khăn hoạn nạn và điều quan trọng nhất là nhớ về cội nguồn", Trưởng thôn Đông Cao tâm sự.

Theo đại diện Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ninh Giang, trên địa bàn huyện hiện nay có 2 loạt hình trò chơi pháo đất, gồm: pháo tiểu (do 1 người chơi), pháo đại (do nhiều người chơi) và cũng là một trong số ít địa phương của tinhr Hải Dương còn lưu giữ được trò chơi dân gian này. Riêng trò chơi pháo đất tại xã Nghĩa An (pháo đại) được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là sản phẩm OCOP năm 2023 thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng.

Một số hình ảnh PV Gia đình & Xã hội ghi nhận tại Hội thi pháo đất thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên chiều 29/4:

Đội pháo của các xóm trên đường đến điểm thi đấu

Đại diện Phòng văn hóa và Thông tin huyện cùng chính quyền sở tại chúc mừng các đội pháo và Ban tổ chức.

Các pháo thủ làm bàn geo, thấu đất chuẩn bị cho cuộc thi đấu.

Nhiều người dân đội nắng đến xem Hội thi pháo đất của làng.

Pháo đất tại thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên thuộc loại pháo tiểu, cho nên các pháo thủ phải tự mình hoàn thành làm ra một quả pháo.

Pháo thủ chuẩn bị các khâu cuối cùng trước khi gieo.

Nụ cười của các pháo thủ trên sân đấu.

Cá pháo thủ gieo pháo trong tiếng hò reo của khán giả.

Niềm vui của các đội sau khi giành phần thằng từng khung (bàn).

Bài, ảnh, clip: Đức Tùy

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/hinh-anh-vui-nhon-gan-tram-nguoi-dan-o-hai-duong-doi-nang-thi-phao-dat-co-truyen-17224042922033131.htm